Là tỉnh miền núi nhưng Bắc Giang có lợi thế lớn về nuôi trồng thuỷ sản (NTTS). Những năm gần đây, nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) của tỉnh Bắc Giang phát triển mạnh. Cùng với khai thác triệt để diện tích mặt nước ở các hồ, đập lớn, chuyển đổi ruộng trũng sang NTTS, các hộ nông dân còn mạnh dạn đưa giống cá chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích mặt nước.

* Tiềm năng và lợi thế

Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bắc Giang (Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn), với lợi thế về khí hậu, thời tiết ôn hoà, ít gặp mưa bão, nghề nuôi thuỷ sản tại địa phương ít gặp rủi ro. Trong khi đó, lực lượng lao động phục vụ cho phát triển nghề NTTS của tỉnh khá dồi dào, người dân đã dần nhận thức được lợi ích lớn từ việc NTTS. Toàn tỉnh hiện có gần 12.000 ha mặt nước ao, hồ, đập thuỷ nông lớn và một diện tích lớn đất vùng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc chuyển sang nuôi thả cá. 9 tháng của năm 2009, sản lượng thu hoạch cá thịt của toàn tỉnh đạt 14.122 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước với thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn...

Nhằm khai thác tiềm năng NTTS, những năm gần đây, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách như trợ giá 40% giá giống đối với các loại cá giống mới (rô phi đơn tính, chép lai 3 màu, chim trắng…); 60% giá con giống và 2 triệu đồng hỗ trợ làm lồng đối với những hộ nuôi cá lồng. Trung bình mỗi năm, tỉnh hỗ trợ từ 700 đến 800 triệu đồng giống cá cho bà con (đặc biệt xã có người dân tộc), cước vận chuyển… Bên cạnh đó, tỉnh còn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng các mô hình nuôi cá thâm canh ở các huyện Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên với hơn 113 hộ tham gia. Riêng trong năm nay, tỉnh triển khai đề án hỗ trợ nông dân nuôi cá giống mới theo hướng thâm canh tại huyện Tân Yên, Lạng Giang, Yên Dũng và thành phố Bắc Giang với tổng diện tích 39 ha, năng suất tối thiểu 10 tấn/ha/năm. Đặc biệt, mô hình nuôi cá hồi tại hồ Cấm Sơn thành công đã mở ra triển vọng NTTS hàng hoá của tỉnh.

Ngoài ra, các địa phương có tiềm năng NTTS lớn trong tỉnh cũng có cơ chế khuyến khích các hộ dân phát triển thuỷ sản. Năm 2009, huyện Hiệp Hoà hỗ trợ giá cá giống cho người nuôi với tổng kinh phí 200 triệu đồng, huyện Tân Yên hỗ trợ 120 triệu đồng cho những khu vực NTTS tập trung, huyện Lục Nam trích kinh phí 30 triệu đồng xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm… Bằng những biện pháp đó, cơ cấu giống thuỷ sản có bước tiến vượt bậc. 9 tháng năm 2009, toàn tỉnh đã sản xuất được 380 triệu con cá hương, cá giống các loại; trong đó, tỷ lệ giống cá có giá trị kinh tế cao chiếm 35% tổng đàn, tăng 10% so với năm trước. Nghề nuôi cá thâm canh, bán thâm canh hoặc mô hình nuôi cá kết hợp cấy lúa ít rủi ro lại không mất nhiều công chăm sóc, mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều địa phương lựa chọn là hướng đi chính trong phát triển kinh tế.

Điển hình là huyện Lạng Giang. Bên cạnh việc thực hiện quy hoạch từng vùng nuôi cá, hỗ trợ chuyển đổi các mô hình lúa - cá sang nuôi cá thâm canh; huyện còn có chính sách trợ giá cá giống, tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản cho nông dân. Trạm Khuyến nông huyện thí điểm thành công nhiều mô hình nuôi cá giống mới như: chim trắng, chép lai 3 máu, Diêu hồng… tại xã Thái Đào, Dĩnh Trì, Đại Lâm. Mỗi ha nuôi cá cho sản lượng từ 8 - 10 tấn cá thương phẩm, cao gấp đôi so với cách nuôi truyền thống. Từ những mô hình hiệu quả này mở ra hướng thâm canh thuỷ sản, ứng dụng các giống cá chất lượng cao trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Thọ, cán bộ thuỷ sản, UBND huyện Lạng Giang cho biết, trước đây, nông dân chủ yếu nuôi cá bằng tận dụng sản phẩm phụ trong nông nghiệp, rong, tảo có sẵn trong ao… làm thức ăn cho cá, do đó hiệu quả kinh tế thấp. Thời gian gần đây, một số hộ có điều kiện đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá thâm canh, tập trung. Cá nuôi theo phương pháp này được chăm sóc bằng thức ăn công nghiệp, nguồn thức ăn tự nhiên không đáng kể và mật độ nuôi thả, dao động từ 10-100 con/m2. Quá trình nuôi thả bảo đảm các yêu cầu về kỹ thuật theo "4 định": định chỗ cho ăn, định giờ cho ăn, định lượng thức ăn và định chất lượng thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng của cá; thường xuyên khử trùng nguồn nước, sử dụng thuốc phòng bệnh định kỳ cho cá.

* Tìm giải pháp phát triển

Tuy tiềm năng là vậy song theo đánh giá của Chi cục Thuỷ sản (Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn), việc phát triển nghề NTTS của tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do chưa có nhiều chính sách hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển nghề nuôi thuỷ sản tại địa bàn. Công tác quản lý thuỷ sản và khuyến ngư ở các huyện không có cán bộ chuyên trách chỉ kiêm nhiệm công việc. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của các chủ hộ NTTS còn hạn chế do đó năng suất nuôi thuỷ sản trên 1 đơn vị diện tích còn thấp, nhất là khu vực hồ chứa và ruộng trũng 1 vụ. Trong khi đó, ý thức chủ động trong sản xuất của 1 bộ phận các hộ nuôi còn thấp; đa số người nông dân, ngư dân thiếu vốn để sản xuất, chưa mạnh dạn để đầu tư vốn cho sản xuất thuỷ sản, cơ chế vay vốn còn gặp nhiều khó khăn...

Bên cạnh đó, cơ cấu giống thuỷ sản hiện chưa hợp lý. Tỷ lệ cá giống mới, chất lượng cao còn thấp so với tổng đàn nên năng suất, sản lượng chưa cao. Chất lượng nguồn thức ăn cho thuỷ sản chưa được quản lý chặt chẽ, đầu ra cho sản phẩm không ổn định. Mặt khác, do thiếu sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên thường bị thương nhân ép giá làm giảm hiệu quả kinh tế của người nuôi.

Để phát triển nghề NTTS của tỉnh, ông Bùi Quang Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản cho biết, trước mắt, Chi cục khuyến cáo bà con nên dừng lại việc chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang NTTS do tỉnh không còn cơ chế hỗ trợ chuyển đổi. Bên cạnh đó, đề nghị các địa phương cần tích cực xây dựng mô hình điểm, trợ giá cá giống mới; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện về mặt nước; cho vay vốn ưu đãi. Về phía người dân, để nuôi cá thâm canh đạt hiệu quả cao cần mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng hệ thống ao nuôi kiên cố, tích cực đưa những giống cá có giá trị kinh tế cao vào sản xuất và chủ động nắm vững kỹ thuật nuôi cá. Bên cạnh đó, Chi cục cũng khuyến khích các hộ nuôi phối hợp với các cơ sở chế biến, tiêu thụ thuỷ sản sớm thành lập Hiệp hội để điều tiết việc tiêu thụ hàng hoá, tránh tình trạng tư thương ép giá. Các hộ nuôi thuỷ sản cũng cần thu hoạch rải rác, rải vụ, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt cùng một lúc.

Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hoàn thành đề án hỗ trợ các trang trại NTTS theo hướng thâm canh đạt năng suất cao; đồng thời, tăng cường công tác khuyến ngư giúp nông dân sử dụng các giống cá mới có giá trị kinh tế cao; quản lý tốt chất lượng giống thuỷ sản. Ngành còn khuyến khích nông dân tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ lệ các loại cá có giá trị kinh tế cao.

Theo TTXVN