Ở các xã ven biển của huyện Thăng Bình và Núi Thành đang rộ lên phong trào nuôi tôm trên cát một cách tự phát. Riêng xã Bình Hải, huyện Thăng Bình đã có hơn 60 hộ nuôi với hơn 10ha diện tích ao nuôi, chưa kể các xã Bình Minh, Bình Dương phong trào nuôi tôm cũng đang phát triển và số lượng cũng như diện tích ao nuôi cứ tăng lên hàng ngày. Với mô hình nuôi tự phát này, ban đầu có thể mang lại lợi nhuận nhưng cũng chứa rất nhiều rủi ro do người dân không có kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi. Bên cạnh đó, việc nuôi tôm trên cát một cách tự phát như hiện nay tiềm ẩn nhiều vấn đề về môi trường, nếu không có giải pháp kịp thời sẽ tác động tiêu cực đến môi trường…

Nguy cơ ô nhiễm biển và nước ngầm

Qua đợt giám sát môi trường cho huyện Thăng Bình đầu tháng 11 vừa qua, chúng tôi nhận thấy 100% hộ nuôi đều thải trực tiếp nước thải ra biển mà không qua bất kỳ hình thức xử lý nào. Theo các chuyên gia về nuôi trồng thủy sản thì để nuôi được 1tấn tôm thẻ chân trắng thành phẩm cần phải cung cấp 1,1 tấn thức ăn và nếu đổ xuống ao 3 tấn thức ăn sẽ còn lại 2 tấn chất thải rắn không được tiêu thụ; bình quân 1ha nuôi được 10 tấn tôm và một năm nuôi 3 vụ. Ước tính 1 ha ao nuôi một năm thải ra biển đến 22 tấn chất thải rắn. Nếu ở quy mô nhỏ hoặc trong một vài năm đầu có thể chưa gây ra ảnh hưởng đáng kể, nhưng nếu diện tích nuôi lớn và việc thải trong thời gian dài nó có thể gây ô nhiễm môi trường nước ven biển, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng và phát triển của nguồn lợi hải sản tự nhiên.

Ngoài việc xả nước thải ra biển, nhiều hộ nuôi hiện nay còn xả trực tiếp nước thải và bùn ao nuôi ngay trên khu vực đất cát cạnh bờ đầm nuôi, gây ô nhiễm và mặn hoá nguồn nước ngầm. Dịch bệnh có thể lây lan sang các đầm nuôi khác do sử dụng nước ngầm đã bị bị nhiễm bệnh, tạo cơ hội bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trước mắt và lâu dài.

Cạn kiệt nguồn nước ngọt

Các khu vực nuôi tôm trên cát đều nằm sát biển, nguồn nước mặn có thể nói là vô cùng dồi dào và được bơm trực tiếp từ biển vào. Tuy nhiên vấn đề khó khăn nhất thực chất lại là nguồn nước ngọt. Tính toán cho thấy nhu cầu nước ngọt cho 1 ha nuôi trong một vụ là từ 16.000 đến hơn 27.000 m3 nước (theo bà Nguyễn Phương Lan, Vụ Khoa học Công nghệ - Bộ Thủy sản). Trong khi đó các khu vực nuôi tôm trên cát thường là ở các bãi ngang ven biển, nơi mà nguồn nước ngọt rất hạn chế so với các nơi khác. Nhiều nơi nước ngọt thậm chí còn không đủ cung cấp cho sản xuất nông nghiệp. Mặt khác mùa vụ nuôi chính chủ yếu lại là mùa khô, thời điểm khan hiếm nước ngọt trong năm. Nếu việc khai thác nước ngầm cho việc nuôi tôm trên cát quá giới hạn cho phép có thể dẫn đến sụt lở địa tầng, cạn kiệt nguồn nước ngọt (nước ngầm) ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân và cho sản xuất nông nghiệp tại các khu vực lân cận.

Theo như một số hộ dân tại thôn Kỳ Tân, xã Bình Hải thì các giếng nước của họ từ một năm trở lại đây không thể sử dụng được. Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu cho thấy nguồn nước đã bị nhiễm phèn, mùi khí H2S rất nặng, xung quanh các giếng là các ao nuôi tôm nằm sát nhau.

Thu hẹp rừng phòng hộ, bão cát và suy giảm tiềm năng du lịch

Rừng phòng hộ (phi lao) ven biển có thể bị ảnh hưởng và chết do nguồn nước ngầm nuôi cây đã bị hút cạn kiệt phục vụ cho nuôi tôm, chưa kể đến việc phá rừng để đào ao.

Bên cạnh đó việc làm ao, đắp bờ và mở đường đi lại đều phải đào xới cát đã được ổn định tương đối bởi cây hoang dại làm cho mức độ gắn kết của cát yếu đi, tạo điều kiện thêm cho hiện tượng cát bay bão cát. Nếu thiếu thận trọng trong quá trình chọn địa điểm xây dựng ao nuôi, việc phát triển ao nuôi không đi đôi với bảo vệ rừng phòng hộ hay trồng rừng che chắn, đặc biệt là các khu vực nhiều gió cát, dễ dẫn đến hiện tượng ao nuôi bị vùi lấp trong quá trình sản xuất. Ngoài tác động tiêu cực về môi trường, việc nuôi tôm trên cát sẽ phá vỡ cảnh quan du lịch ven biển.

NGUYỄN VĂN THANH -Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Quảng Nam (Nguồn vietlinh)