Nuôi cá ngừ thương phẩm là một ngành công nghiệp khá mới mẻ. Tính đến năm 2007, ngành công nghiệp này mới sinh nhật lần thứ 16, nhưng tiến bộ của ngành thì rất đáng kể và gây ấn tượng. Cá ngừ vây xanh được nuôi ở nhiều vịnh nhỏ ngoài khơi cảng Lincoln, miền nam ốtxtrâylia. Ngành công nghiệp này bắt đầu từ năm 1991 bằng một thực nghiệm nghiên cứu và hiện nay phát triển thành một ngành nuôi  hải sản lớn nhất của ốtxtrâylia. 

Nghề nuôi cá ngừ được phát triển do có sự giảm sút nguồn lợi cá ngừ tự nhiên. Năm 1982, sản lượng khai thác cá ngừ vây xanh của ốtxtrâylia đạt 21.500 tấn. Do ngày càng có nhiều quan tâm đến tính bền vững nguồn lợi, nên năm 1984 ốtxtrâylia, Nhật Bản và Niu Dilân đã cùng nhau hợp tác để hạn chế và quản lý tổng sản lượng cho phép khai thác (sản lượng cho phép của ốtxtrâylia là 5.265 tấn kể từ năm 1990). Vì vậy, ngư dân khai thác cá ngừ của ốtxtrâylia đã mở ra hướng nuôi, bổ sung sản lượng thông qua nghề nuôi. 

Cá ngừ giống chủ yếu được đánh bắt từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, trong thời gian này cá ngừ phân bố dọc theo thềm lục đia ở khu vực Great Australian Bight. Các đàn cá ngừ được phát hiện và đánh bắt bằng lưới vây, sau đó được chuyển từ lưới vây sang lồng lưu giữ và vận chuyển chuyên dụng, các lồng này được kéo với vận tốc khoảng 1 hải lý/giờ về vùng nuôi gần cảng Lincoln. Thời gian để  kéo lồng từ ngư trường về vùng nuôi diễn ra trong khoảng vài tuần.

Khi về đến địa điểm nuôi, cá ngừ được chuyển từ lồng lưu giữ và vận chuyển sang lồng nuôi, lồng nuôi có đường kính từ 40-50m. ở đây, cá ngừ được cho ăn mồi cá 6 ngày/tuần, 2 lần/ngày. Mồi cá có thể là cá trích tươi hoặc là các tảng cá đông lạnh được đặt ở lồng lưới bên trong mỗi lồng nuôi.

Những tiến bộ đáng mừng của ngành công nghiêp này được phản ánh bằng việc phục hồi nguồn lợi cá ngừ vây xanh tự nhiên và tăng khối lượng xuất khẩu cá ngừ nuôi. Kết luận của các nhà khoa học thuộc Uỷ ban Bảo tồn cá ngừ vây xanh chỉ ra rằng sản lượng khai thác cá ngừ vây xanh trên toàn thế giới tương đương với “lượng cá bổ sung”. Điều này đã đưa ra một kết luận khả quan được xây dựng một phần dựa trên các số liệu thu thập được từ các bãi đẻ, nơi có số lượng lớn cá ngừ 7 tuổi đang bước vào độ tuổi sinh sản. Năm 2002, lần đầu tiên xuất khẩu cá ngừ vượt mức 300 triệu đôla và vẫn duy trì trong khoảng 200 – 300 triệu đôla.

Việc xuất hiện hàng đông lạnh trên tàu ở nhiệt độ siêu thấp hồi tháng 6-9 đã đẩy mức xuất khẩu năm 2007 vượt quá 9.500 tấn. Mức tăng này phản ánh xu hướng nuôi cá ngừ thịt trong thời gian lâu hơn, một phần là do cá ngừ được đông lạnh ở nhiệt độ siêu thấp.

Năm 2007, giá cá ngừ vây xanh nuôi vẫn tiếp tục tăng. Điều này một phần là do nguồn cung cấp cá ngừ vây xanh từ các nước Châu Âu và Mêhicô giảm. Tuy nhiên, đồng đôla ốtxtrâylia tăng giá, và đồng Yên Nhật mất giá có nghĩa là tổng thu nhập tăng nhiều hơn là giá cả.

Thị trường Nhật Bản có thể tăng mạnh hơn trong năm 2008, nhưng vẫn thấp hơn mức của năm 2002. Ngành công nghiệp Ôtxtrâylia đã điều chỉnh theo tình hình thị trường mới, nhưng vẫn phải tiếp tục cải tiến thông qua nghiên cứu và đào tạo.

Brian Jeffriess
N.T.Tỉnh (dịch) - Theo bản tin số 10 Viện Nghiên cứu Hải sản