So với nửa đầu tháng trước, tình hình xuất khẩu (XK) mực, bạch tuộc nửa đầu tháng 3/2009 đã khả quan hơn: Tổng giá trị XK tăng gấp đôi, các thị trường chính đều tăng lượng nhập khẩu (NK)… Nhưng tại một số nước tiềm năng như: EU, Trung Quốc, Đài Loan…lại có dấu hiệu giảm sút NK…
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính từ ngày 1/1 - 15/3/2009, Việt Nam đã XK gần 10,5 nghìn tấn mực - bạch tuộc với tổng trị giá 38 triệu USD, giảm 14,7% về khối lượng (KL) và 14,8% về giá trị (GT) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tính riêng nửa đầu tháng 3/2009, cả nước XK 2.605 tấn nhuyễn thể chân đầu tương đương 9,6 triệu USD, tăng 4,5% về lượng và 5% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Nếu không có sự hoán đổi vị trí giữa thị trường Đài Loan và Mỹ, không có sự thế chân giữa Thụy Sỹ và Itxraen, cơ cấu, bảng xếp hạng thị trường NK nhuyễn thể chân đầu chính từ Việt Nam nửa đầu tháng 3/2009 sẽ không khác so với nửa đầu tháng trước. Tổng kết quý 1/2009, có lẽ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ là ba thị trường ổn định nhất của mực, bạch tuộc Việt Nam mặc dù so với cùng kỳ năm ngoái, kết quả này chưa nói lên được nhiều điều. Ba thị trường tiềm năng: Trung Quốc, Đài Loan, ASEAN tăng giảm lượng NK một cách thất thường… kết thúc quý 1/2009, tình hình XK mực - bạch tuộc chỉ mới bắt đầu ổn định sau cơn bão khủng hoảng tài chính từ năm 2008.
Nửa đầu tháng 3/2009, Nhật Bản - Hàn Quốc là hai thị trường NK mực - bạch tuộc đứng đầu và giữ mức tăng trưởng ổn định nhất từ Việt Nam: Trong thời gian này, lượng nhuyễn thể chân đầu NK vào Nhật Bản tăng hơn 3 lần so với tháng trước, tương đương 623 tấn, đạt 3,43 triệu USD, tăng 52,2% về KL và 40,5% về GT so với cùng kỳ năm ngoái; Hàn Quốc cũng tăng lượng mực, bạch tuộc NK gấp 2,5 lần so với tháng 2/2009, tăng 9,1% về KL, 22,8% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Giữ không khí từ đầu năm, đến nửa đầu tháng 3/2009, XK mực, bạch tuộc sang EU tiếp tục ảm đạm. Mặc dù, trong thời gian này, Hy Lạp tăng đến 345,7% về lượng, 350,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, nhưng xét cho cùng, khối lượng NK vẫn khá khiêm tốn so với các quốc gia lớn cùng khu vực như: Italia NK 453 tấn nhuyễn thể chân đầu tương đương 1,53 triệu USD, vẫn giảm 33,8% về KL, 41% về giá trị, Tây Ban Nha cũng giảm 38,6% về lượng và 39,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, nửa đầu tháng 3/2009, EU giảm 31,3% về KL và 35,5% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Nếu nửa đầu tháng 2/2009, ASEAN, Đài Loan và Trung Quốc làm xua đi không khí vắng vẻ tại một số thị trường NK chính mực, bạch tuộc từ Việt Nam khi Trung Quốc tăng 212,5% về KL, 61,3% về GT; ASEAN tăng đến 1509,8% về KL, 531,4% về GT so với tháng 2/2008, thì sang nửa đầu tháng 3/2009, Trung Quốc lại giảm 58,8% về GT, Đài Loan giảm 36% về GT, ASEAN giảm 24% về KL nhập khẩu so với cùng kỳ năm trước.
Từ ngày 1/1 - 15/2/2009, Mỹ chỉ chiếm 1,9% trong cơ cấu giá trị và gần như đứng gần cuối bảng xếp hạng các thị trường NK chính nhuyễn thể chân đầu từ Việt Nam, đến nửa đầu tháng 3/2009, đã vươn lên vị trí thứ 5 trong top thị trường NK lớn mực - bạch tuộc của nước ta, tăng 139,7% về KL, 192,1% về GT so với cùng kỳ năm 2008. Ngoài Mỹ, Ôxtrâylia cũng là thị trường mới tương đối ổn định và tiềm năng của mực - bạch tuộc Việt Nam.
Cũng trong thời gian này, các nước khác tăng 211,9% về KL và 284% về GT, mặc dù, thay chân Thụy Sỹ nhưng Itxraen cũng tăng 166,3% về lượng và 91,7% về GT so với cùng kỳ năm 2008.
Đến nửa đầu tháng 3/2009, 4 nhà XK mực, bạch tuộc lớn nhất Việt Nam tại 2 tỉnh trọng điểm Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang tiếp tục theo sát nhau trong bảng xếp hạng: Đứng đầu là Kisimex, tiếp đó là Havico, ESC và Ngoprexco…
Có thể nói rằng: Cho đến thời điểm này, hoạt động XK mực, bạch tuộc vẫn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, theo một số DN XK mực - bạch tuộc hàng đầu Việt Nam, trong thời gian tới, tình hình sẽ khả quan hơn do nhu cầu tại một số quốc gia đang lớn và lượng nguyên liệu hải sản trong nước dồi dào hơn.
Vân Hà (Nguồn vasep)