Trước tình hình sản xuất manh mún trong lĩnh vực sản xuất thủy sản. Những năm gần đây ngành Thủy sản tỉnh ta đã vận động người dân sản xuất theo các mô hình hợp tác, bước đầu cho hiệu quả đáng kể. Nổi bật là mô hình cộng đồng nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng đất cát ven biển Ninh Phước, đang được người nuôi tôm trong tỉnh quan tâm.
Mô hình cộng đồng nuôi tôm được thành lập từ năm 2006, tại thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh. Ban đầu, có 2 tổ với 21 thành viên hợp tác nuôi tôm thẻ chân trắng trên 30 ha. Các thành viên đã tích cực giúp nhau về kỹ thuật nuôi tôm, kịp thời thông tin và xử lý những tình huống xấu xảy ra, nhất là ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh trên tôm. Nhờ vậy, ngay từ năm đầu tiên, 100% thành viên tham gia tổ nuôi tôm cộng đồng đều đạt năng suất thu hoạch từ 8-10 tấn/ha/vụ, lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng. Ưu điểm của mô hình nuôi tôm cộng đồng là vì lợi ích chung và cùng nhau chia sẻ trách nhiệm. Đây là yếu tố quan trọng để người nuôi tôm khắc phục tình trạng nuôi tôm tự phát, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nạn ô nhiễm môi trường nuôi tôm trước đây.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2007, xã Phước Dinh tiếp tục thành lập thêm một tổ nuôi tôm cộng đồng tại thôn Sơn Hải với 16 hộ trên 15 ha, xã An Hải thành lập 4 tổ với 68 hộ trên 42,4 ha, nâng tổng số tổ nuôi tôm cộng đồng trên địa bàn huyện Ninh Phước lên 7 tổ. Phần lớn hội thành viên nuôi tôm đạt hiệu quả cao, năng suất bình quân là 12 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt từ 20-25 tấn/ha, lãi từ 300-400 triệu đồng mỗi ha một vụ. Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Chức, ở thôn Từ Thiện nuôi tôm thẻ chân trắng trên 1,1 ha, nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nuôi tôm và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên. Nên vừa qua, ông đã thu hoạch tôm đạt năng suất 20 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi hơn 400 triệu đồng.
Hiệu quả mô hình nuôi tôm cộng đồng đã rõ, thế nhưng đến nay số hộ nuôi tôm ở Ninh Phước tham gia mô hình này chưa cao, chỉ mới đạt 40%.
Đã có một thời hoàng kim của con tôm sú trên vùng cát Phước Dinh, thế nhưng do nuôi tự phát không cộng đồng trách nhiệm giữ gìn môi trường nên nghề nuôi tôm ở đây đã nhanh chóng suy tàn. Bài học nhãn tiền này cho thấy, muốn có nghề nuôi tôm bền vững, trước hết phải có một hướng đi chung và phải cộng đồng trách nhiệm. Mô hình nuôi tôm cộng đồng chính là mô hình đáp ứng được yêu cầu nuôi tôm bền vững hiện nay, nên rất cần được nhân rộng.
Nguồn vietlinh