Internet là một nơi đầy thú vị nhưng cũng đầy hiểm họa. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn 9 cách thức bảo vệ bạn khi lướt Web, giúp bạn bảo vệ được những thông tin bí mật và tránh được sự nhòm ngó của tin tặc (Hacker).

1. Cài đặt phần mềm tường lửa gia đình và phần mềm chống virus

Tin tặc có thể lùng sục trong Internet để kiếm tìm các máy tính có lỗ hổng nhằm đánh cắp số thẻ tín dụng, các thông tin cá nhân, username, password truy nhập Internet và thực hiện các mưu đồ xấu xa khác. Phần mềm tường lửa gia đình như BlackICE Defender hoặc Zone Alarm (http://www.zonelabs.com) có thể giúp bạn tránh được sự nhòm ngó của tin tặc. Bạn cũng cần phải có các chương trình phòng chống Virus chạy thường trú. Nên có Norton AntiVirus 2004 (do dung lượng lớn nên bạn có thể tìm mua ở các dịch vụ tin học) hoặc ít nhất cũng nên có Bkav2002 (www.bkav.com.vn)hoặc D32 (www.lehoanpc.net). Nếu như trong lúc truy nhập Internet có một con virus nào đó chui vào máy tính của bạn thì ngay lập tức chương trình sẽ hiện ra thông báo (nếu bạn cho chương trình chạy thường trú) cho bạn biết là có virus và đưa ra các hướng dẫn cụ thể để bạn loại bỏ con virus đó khỏi máy tính của mình.

2. Luôn luôn có phần mềm ngăn chặn kết nối quốc tế chạy thường trú và hãy cảnh giác trước mối nguy hiểm của các trang web, phần mềm không tốt

- Lúc nào bạn cũng phải có các chương trình chống gọi điện thoại quốc tế như iConnection Monitor 2003 (www.netcenter-vn.net/software1/114/i-connection.zip) hoặc là Internet Connection Supervise 2003 (www.sptfone.com.vn) và nên nhớ phải cho chúng chạy thường trú trong khai hệ thống. Nếu như bạn chưa có chương trình chống gọi quốc tế thì bạn có thể theo kinh nghiệm sau đây để tự bảo vệ mình mà không cần chương trình (kinh nghiệm này chỉ tương đối thôi, chỉ có chương trình mới bảo vệ bạn được tốt nhất). Khi đang truy nhập Internet, nếu như modem có hiện tượng quay số lại (modem phát ra tiếng rít, nếu như bạn có dùng hộp chống sét thì sẽ thấy cái bóng đèn đỏ nháy chớp chớp, …), lúc này thì bạn chỉ cần nhấp phải vào biểu tượng kết nối và chọn Disconnect hoặc cách nhanh nhất và an toàn nhất là rút dây điện thoại ra khỏi modem. Vì thế có lẽ bạn không nên tắt tiếng rít của modem để có thể giúp bạn tránh những cuộc gọi quốc tế ngoài ý muốn. Lúc này bạn nên kiểm tra toàn bộ hệ thống của mình coi có chương trình nào tự động kết nối không. Bạn cũng đừng nên vào những trang web có nội dung không tốt, vì trong những trang web này luôn luôn có những hình ảnh, thông báo miễn phí làm hấp dẫn người truy nhập như: Tải dữ liệu về máy, đăng ký miễn phí…

- Bạn nên tạo biểu tượng kết nối Internet riêng cho mình, bạn nên xoá những chương trình “Thuật sĩ trợ giúp kết nối Internet” mà khi cài đặt hệ điều hành có sẵn (như Internet Connection Wizard, AT&T Worldnet Service, AOL, MSN, …). Thiết lập mặc định của các biểu tượng kết nối trên không bao giờ có số điện thoại của Việt Nam mà toàn số điện thoại để nối Internet quốc tế, như vậy là nếu bạn không xem kĩ thì bạn đã tự quay số quốc tế mà không hay biết.

- Khi không truy nhập Internet thì nên rút dây điện thoại ra khỏi modem để tránh những chương trình tự động quay số. Cảnh giác với những phần mềm chưa rõ nội dung hoặc những phần mềm lấy từ các Website có nội dung xấu.

3. Cẩn thận khi gửi thông tin

Bạn đừng nên gửi những thông tin cá nhân như địa chỉ nhà riêng, số điện thoại, tên và một số thông tin khác của mình cho những người lạ mặt qua Internet. Hãy cẩn thận với những gì mà bạn đưa lên Website của mình. Nếu bạn muốn đưa một bức ảnh mình hoặc của gia đình lên mạng, bạn hãy chọn một site dịch vụ lưu ký mà cho phép thiết lập mật khẩu truy nhập. Bạn nên nhớ rằng tất cả những gì bạn thảo luận tại các diễn đàn trực tuyến đều được ghi lại, và có thể dễ dàng tìm thấy. Bạn nghĩ rằng những thông tin đó thì không có gì quan trọng lắm nhưng những kẻ xấu hay là đối thủ cạnh tranh của bạn sẽ tìm cách khai thác những thông tin đó.

4. Cẩn thận khi tải (download) về máy tính

- Những website bảo phải download một phần mềm nào đó về máy tính, bạn thấy chúng chẳng có gì nguy hại nhưng bạn nên cẩn thận bởi vì có thể đó là một phần mềm gián điệp.

- Những bức e-mail do những người mà bạn chưa biết rõ gửi đến thì bạn cũng đừng tải chúng về máy làm gì. Trong đó có thể chứa những đoạn mã VBScrip nguy hiểm mà bạn không tài nào biết nổi.

5. Sử dụng một e-mail phụ

Khi bạn điền các thông tin vào một bản kê khai trên mạng, gửi thông điệp tới các nhóm thảo luận trực tuyến, hoặc cho người lạ địa chỉ e-mail của bạn, thì bạn hãy cho địa chỉ e-mail phụ mà bạn đã đăng ký từ các dịch vụ miễn phí như Hotmail (http://www.hotmail.com), Yahoo mail (http://mail.yahoo.com), Hộp Thư (http://www.hopthu.com), Trái Tim Việt Nam (http://www.ttvn.com). Nếu địa chỉ e-mail này bị “bom thư”, bạn có thể bỏ đi và sử dụng một địa chỉ e-mail khác. Bạn chỉ nên trao đổi địa chỉ e-mail chính với những người mà bạn thực sự tin tưởng.

6. Không để cho trình duyệt trở thành một kẻ ba hoa

Tên và địa chỉ e-mail của bạn có thể được nhúng trong trình duyệt. Một số Website có thể lấy các thông tin này từ trình duyệt của bạn và tạo một dữ liệu về bạn. Để ngăn không cho những thông tin của bạn bị rò rỉ, bạn có thể vào trình đơn Preferences trong trình duyệt (Netscape) và xóa những thông tin này, hoặc thay thế bằng một cái tên và địa chỉ e-mail giả.

7. Chính sách bí mật cá nhân

Bạn hãy kiểm tra chính sách về bí mật cá nhân của Website mà bạn ghé thăm. Các Website thường giữ quyền chia sẻ dữ liệu về bạn với một bên thứ ba nào đó. Bạn hãy đọc phần Privacy Statement trên các Website.

7. Không chấp nhận các cookie không cần thiết

Bạn có thể muốn chấp nhận các cookie nằm trong máy tính vì các cookie thường giúp cho bạn mua hàng trực tuyến dễ dàng hơn do chúng nắm giữ thông tin về bạn. Nhưng bạn có thể tống khứ các cookie không cần thiết bằng cách thiết lập lại trình đơn preferences của trình duyệt (Netscape) hoặc sử dụng phần mềm tiện ích như Cookie Crusher.

8. Mã hoá các dữ liệu nhạy cảm

Trước khi gửi số thẻ tín dụng hoặc các thông tin tài chính khác qua Internet, bạn hãy đảm bảo rằng các thông tin đó đã được mã hóa để ngăn chặn sự nhòm ngó của tin tặc. Các Website đã được bảo mật thường cho bạn biết giao dịch đã được mã hóa, và trình duyệt của bạn thường hiển thị biểu tượng cái khoá để xác nhận rằng giao dịch đã được đảm bảo an toàn.

9. Xóa cache sau khi lướt Web

Máy tính của bạn có một phần gọi là memory cache, chuyên lưu giữ địa chỉ các Website mà bạn đã ghé thăm. Một người nào khác khi sử dụng máy tính của bạn có thể phát hiện ra các Website mà bạn đã truy nhập. Bạn có thể xóa dấu vết bằng cách xóa cache. Hãy tìm đến trình đơn Preferences của trình duyệt Netscape hoặc trình đơn Tool/Internet Option của trình duyệt IE để xoá cache.

Và bạn hãy luôn nhớ rằng: dữ liệu mã hóa vẫn có thể bị bẻ khóa. Không dễ dàng phát hiện một phần mềm gián điệp trong máy tính của bạn. Vì vậy, bạn phải luôn luôn nhớ tới câu nói “cẩn tắc vô ưu”

Hà Anh Dũng (Theo www.quantrimang.com.vn)