Năm 2010, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, có thể nói đây là một năm đầy sóng gió đối với ngành xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam khi phải đối mặt với hàng loạt khó khăn nội tại đến thị trường xuất khẩu.

Tôm và cá tra

Trong các mặt hàng xuất khẩu, tôm và cá tra vẫn là hai sản phẩm chủ lực quyết định kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản, với mỗi mặt hàng đều có giá trị xuất khẩu vượt qua ngưỡng 1 tỷ USD.

Riêng đối với tôm, tổng kim ngạch xuất khẩu lần đầu tiên vượt qua con số 2 tỷ USD.

Mặc dù, xuất khẩu tôm năm 2010 có nhiều thuận lợi hơn so với con cá tra nhưng không phải là không có khó khăn. Để đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, XK tôm VN đã phải vượt qua rất nhiều trở ngại, nhất là vào những tháng cuối năm.

Trước hết là vấn đề dịch bệnh xảy ra hàng loạt ở các tỉnh ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, … với diện tích hàng chục ngàn hecta, đã làm cho sản lượng tôm nuôi giảm mạnh. Cộng với việc các thương nhân Trung Quốc tăng cường thu mua tôm đem về nước đã làm các nhà máy chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu chế biến.

Kế đến là tình trạng tôm bị bơm chích tạp chất, nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh dẫn đến việc một số thị trường NK tăng cường các biện pháp kiểm soát.

Đặc biệt, sự kiện con tôm Việt Nam XK vào Nhật Bản bị nhiễm dư lượng Trifluralin, một loại hoá chất có nguồn gốc từ thuốc diệt cỏ dùng trong xử lý nước ao nuôi tôm, đã làm cho quốc gia này tăng cường kiểm soát lên 100% đối với tôm Việt Nam vào cuối năm.

Những khó khăn này đã tạo ra nhiều sức ép lên các DN chế biến vốn đã và đang phải đối phó với sự cạnh tranh gay gắt trên các thị trường XK.

Đối với con cá tra, kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này chỉ đạt 1,4 tỷ USD, so với kế hoạch 1,5 tỷ USD đặt ra hồi đầu năm.

Tương tự như con tôm, các DN xuất khẩu cá tra cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến, bởi vì nông dân nuôi cá tra không còn vốn để nuôi hoặc “e dè” vì giá cả.

Bên cạnh đó, những bất cập nội tại cũng được bộc lộ rõ qua mối liên kết lỏng lẻo giữa các mắc xích trong ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu; nhiều DN cạnh tranh không lành mạnh bằng cách giảm giá bán, hạ chất lượng; các chương trình quảng bá hình ảnh con cá tra đến người tiêu dùng thế giới chưa đủ mạnh dẫn đến họ dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin không chính xác; các biện pháp quản lý nhà nước vẫn còn những bất cập từ khâu quy hoạch nuôi, sản xuất giống đến quản lý chất lượng sản phẩm XK.

Trên thị trường thế giới, DN XK cá tra liên tục phải hứng chịu những “trận đánh hội đồng”, nào việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam, nào là “chiến dịch” tung tin bôi nhọ cá tra VN trên các phương tiện truyền thông ở nhiều nước, và gần đây là việc WWF tại 6 nước Châu Âu đưa con cá tra vào “danh sách đỏ” trong Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010 - 2011 nhằm làm giảm giá trị của con cá này.

Bộ Thương mại Mỹ vừa có quyết định chính thức về việc nâng mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam lên 130% có hiệu lực từ tháng 3/2011. Đây là nỗi lo lớn nhất của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay vì sản lượng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ giảm mạnh sau khi quyết định này có hiệu lực.

Xuất khẩu cá ngừ tăng trưởng ấn tượng

Góp phần vào thắng lợi chung của ngành thủy sản Việt Nam, phải kể đến các mặt hàng thủy sản XK khác nữa như: cá ngừ, mực và bạch tuộc, giáp xác khác.

Năm nay, giá trị XK các sản phẩm này đã đạt hơn 1 tỷ USD trong tổng giá trị XK thủy sản, trong đó rất ấn tượng là XK cá ngừ với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, gần 50% về khối lượng và hơn 62% về giá trị tính đến hết tháng 11 vừa qua.

Những con số về tốc độ tăng trưởng này càng có ý nghĩa khi các DN chế biến thủy sản từ nguyên liệu khai thác “vướng” phải quy định Chứng nhận thủy sản khai thác theo yêu cầu của EC nhằm phòng ngừa và ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (khai thác IUU).

Năm 2011, xuất khẩu thủy sản được dự báo là sẽ khó khăn hơn, nhưng hi vọng với những quyết tâm, nỗ lực của các doanh nghiệp, bà con nông dân và các bộ ngành liên quan, ngành thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả khả quan như năm 2010

 

(tamnhin)