Năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm qua cũng gặp không ít khó khăn và ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến năm 2011.


Tôm được giá, mất mùa

Tại Hội nghị tổng kết ngành thuỷ sản 2010, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau cho biết, ngay cả vào thời điểm chính vụ, nguồn tôm nguyên liệu cũng chỉ đáp ứng tối đa 70-80% công suất chế biến. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước vẫn đạt 1,8 tỷ USD.

Giá tôm xuất khẩu cũng liên tục thẳng tiến, bình quân đạt 8.530 USD/tấn; cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Những tháng cuối năm sản lượng thu hoạch tôm tăng lên, nhờ vậy xuất khẩu tôm năm 2010 đã thiết lập được kỷ lục về giá trị.

Mặt hàng tôm đã vượt lên chiếm 40,7% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cũng là mặt hàng đứng đầu trong nhóm thủy sản. Từ đầu năm đến nay, mức tăng giá trị xuất khẩu tôm cao gấp rưỡi mức tăng sản lượng, chứng tỏ có sự thay đổi tích cực về các tiêu chí rất đáng quan tâm: tôm cỡ lớn và tôm chế biến đạt giá trị gia tăng xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao hơn. Theo dõi diễn biến vài năm gần đây, có thể thấy xuất khẩu tôm năm 2010 có tốc độ tăng tháng sau luôn cao hơn tháng trước tới 23%.

Thị trường tiêu thụ tôm đã vươn tới 90 nước, trong đó 3 thị trường chính là Nhật Bản, Mỹ, EU chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta đều đạt mức tăng trưởng cao so với năm trước.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, 11 tháng qua, Nhật Bản nhập từ Việt Nam 55,6 nghìn tấn tôm, trị giá 504 triệu USD, tăng 12,8% về khối lượng và 18,3% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nhập khẩu tôm của Nhật Bản hài hòa hơn so với Mỹ, không quá tập trung vào tôm cỡ lớn.

Việt Nam cũng đã vươn lên đứng đầu về cung cấp tôm đông lạnh và đứng thứ 5 về khối lượng các sản phẩm tôm nói chung cung cấp cho thị trường Nhật Bản. Theo Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản (VASEP), khả năng hấp thụ tôm của thị trường Nhật Bản có thể còn cao hơn nếu Việt Nam có đủ nguồn nguyên liệu giao hàng đúng thời gian yêu cầu của thị trường Nhật, đồng thời phải đảm bảo không chứa dư lượng kháng sinh, hóa chất bị cấm.

Đối với thị trường Mỹ, những tháng giữa năm, xuất khẩu tôm vào Mỹ tăng tốc nhờ được hưởng lợi từ sự cố tràn dầu ở Vịnh Mexico khiến các nước Trung Mỹ ngừng khai thác tôm. VASEP nhận định, nhu cầu tiêu thụ tôm trên thị trường Mỹ vẫn chưa được thỏa mãn, do sản lượng nội địa rất nhỏ bé trong tổng nguồn cung cấp và so với nhu cầu chung cho cả thị trường.

Khác với việc siết chặt thị trường cá tra, sản phẩm tôm không chịu ảnh hưởng nhiều từ thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên, đầu tháng 12/2010, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả rà soát cuối kỳ trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ lúc có quyết định áp thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh Việt Nam. Theo đó, mặt hàng tôm Việt Nam sẽ tiếp tục chịu thuế trong 5 năm tiếp theo nhằm ngăn chặn tình trạng bán phá giá như những năm qua.

Hiện tại, Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ vẫn đang xem xét. Nếu kết luận đưa ra không thay đổi so với DOC, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chịu thuế tương tự như lần đầu vào năm 2005, phổ biến ở mức 4,3% - 5,24% và cao nhất là 25,76%.

Cá tra, ba sa còn nhiều trở ngại

Tổng cục Thủy sản cho biết, so với năm 2009, xuất khẩu cá tra, ba sa sang 136 thị trường trên thế giới đạt khoảng 680 nghìn tấn với giá trị thu về khoảng 1,4 tỷ USD. Mỹ, Tây Ban Nha và Đức là ba thị trường truyền thống nhập khẩu lớn nhất.

Ngoài ra, giá trị xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, một số thị trường như Thái Lan, Nga tăng mạnh tới 3 con số, tương ứng là 333,9% và 401,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, trong năm qua, việc tiêu thụ cá tra gặp một số khó khăn như: hầu hết các doanh nghiệp tự xây dựng cho mình một thị trường, thương hiệu riêng mà chưa quan tâm đến thương hiệu chung của cá tra Việt Nam. Một số doanh nghiệp tranh dành thị trường bằng cách tự hạ giá sản phẩm.

Năm 2010 tiếp tục chứng kiến các thị trường chính của hàng xuất khẩu Việt Nam dựng hàng rào kỹ thuật nhằm gây khó dễ cho hoạt động ngoại thương. Tuy nhiên, điểm nổi bật nhất lại là việc cá tra Việt Nam bị Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đưa vào vào "danh sách đỏ" nhằm khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng tại ở 6 nước EU (gồm Đức, Áo, Thuỵ Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch).

Các bên liên quan phía Việt Nam ngay lập tức đưa ra phản ứng mạnh mẽ. VASEP cho rằng động thái này của WWF hoàn toàn đi ngược với tình hình thực tế của nghề nuôi cá tra tại Việt Nam.

WWF đã phải nhượng bộ. Giữa tháng 12/2010, người đứng đầu chương trình thủy hải sản toàn cầu của WWF Mark Powell chính thức khẳng định cá tra của Việt Nam sẽ được đưa ra khỏi “danh sách đỏ" và mặt hàng này sẽ được khuyến khích người dân tiêu dùng trở lại.

 

Năm 2011, xuất khẩu thủy sản sẽ khó khăn hơn

Ông Dương Ngọc Minh, Phó Chủ tịch VASEP cho biết, năm 2011 chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 360.000 tấn cá tra và ba sa, giảm 280.000 tấn với giá trị thu về khoảng 1 tỷ USD, giảm khoảng 400 triệu USD so với năm 2010.

Nguyên nhân là do Bộ Thương mại Mỹ vừa có quyết định chính thức về việc nâng mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra Việt Nam lên 130% có hiệu lực từ tháng 3/2011. Đây là nỗi lo lớn nhất của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay vì sản lượng xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ sẽ giảm mạnh sau khi quyết định này có hiệu lực.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho hay, về mặt nguyên tắc, thuế chống bán phá giá do nhà nhập khẩu chịu. Ví dụ, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu 100 triệu USD, nếu theo mức thuế mới là 130% được áp dụng từ tháng 3-2011, doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ sẽ phải đóng mức ký quỹ trước cho hải quan 130 triệu USD, cho đến đợt xem xét tiếp theo mới quyết định có hoàn trả lại hay không. Từ đây, giá cá tra xuất sang Mỹ sẽ nhảy vọt lên so với trước và tất nhiên nhà nhập khẩu, người tiêu dùng sẽ tìm một loại thực phẩm khác để thay thế.

Theo ông Nguyễn Văn Phấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Hiệp Thanh (Cần Thơ), với mức thuế 0%-5% đã gây khó khăn cho doanh nghiệp, nếu chịu mức thuế 130% thì không có bất cứ doanh nghiệp nào có thể bán được tại thị trường này.

Bên cạnh đó, theo ông Minh, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp lo lắng hiện nay nữa là khâu nguyên liệu. Dự báo sản lượng cá tra 2011 chỉ đạt khoảng 900.000 tấn, như thế sẽ thiếu hụt lượng lớn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Mức độ khan hiếm sẽ kéo dài cho đến vụ thu hoạch tới vào tháng 5/2011.

Mặc dù cá hiện nay đang ở ngưỡng cao, 22.000-23.000 đồng/kg nhưng người dân chưa mạnh dạn nuôi lại. Họ lo lắng về sự bấp bênh, lên xuống thất thường giá cả. Giá thức ăn tăng cao khiến nhiều người nuôi thua lỗ bỏ ao. Một khó khăn khác là cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đang khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng do mức lãi suất quá cao.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Vasep tin tưởng rằng, xuất khẩu cá tra năm 2011 sẽ không lùi, mà có thể gần đạt được mức cao điểm như năm 2008. Đặc biệt năm 2011 sẽ đánh dấu bước thay đổi về chất cho con cá tra. Bởi lẽ ngay năm nay, nhiều doanh nghiệp trong ngành được chứng nhận GlobalGAP, và hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang thực hiện tiêu chuẩn này. Thị trường nhập khẩu ngày càng đòi hỏi yêu cầu cao về chất lượng, các doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp người tiêu dùng tại những nước này chấp nhận trả với mức giá tương xứng.

Đối với con tôm xuất khẩu, trong tháng 10/2010, sau khi một số lô tôm từ Việt Nam vào Nhật Bản bị phát hiện nhiễm trifuralin vượt quá giới hạn (1 phần tỷ), cơ quan thẩm quyền của Nhật Bản đã quyết định áp chế độ kiểm tra 100% các lô tôm từ Việt Nam. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và hoạt động xuất khẩu tôm. Bởi vậy, Tổng cục Thủy sản đang thúc đẩy các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường triển khai các biện pháp cấm lưu thông và sử dụng trifluralin trong nuôi trồng thủy sản. Đó là những biện pháp tích cực và đúng hướng, tuy có chậm so với yêu cầu thực tế.

Minh Thúy

Theo Vietnamplus