Năm 2008, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư xây dựng mô hình trình diễn nuôi tôm sú, mật độ 15 con/m2 tại hộ ông Nguyễn Tiến Đàng, phường 12, TP.Vũng Tàu. Mô hình này vừa mang lại thu nhập cao cho người nuôi, vừa cải thiện môi trường ao nuôi sau nhiều năm bị ô nhiễm.

Khu nuôi có diện tích 1,1ha mặt nước, có thể chủ động được nguồn nước, thích hợp cho nuôi tôm sú bán thâm canh và thâm canh; Xung quanh bờ ao có lưới rào ngăn chặn sự thâm nhập của vi sinh vật trung gian; Có ao lắng, xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi. Do nền ao trước đây được sử dụng làm ruộng muối nên trước khi nuôi tôm, ông Đàng đã tháo cạn nước, xới lại các mương dẫn nước làm muối, phơi đáy ao và bón phân trong vòng 7 ngày. Sau khi xử lý ao nuôi, ông Đàng đã thả thử nghiệm 165.000 con tôm giống. Sau 4 tháng nuôi tôm đạt kích cỡ trung bình 34 con/kg, tỷ lệ sống 77,5%, đạt sản lượng 3,7 tấn tôm thương phẩm, bán với giá 95.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Đàng còn lãi hơn 181 triệu đồng. Ông Đàng cho biết: So với nuôi tôm mật độ dày, nuôi theo mô hình này hạn chế sử dụng hóa chất, giảm chi phí tăng lợi nhuận cho người nuôi. “Cũng diện tích ao nuôi này, trước đây tôi thả 230.000 con giống, chỉ thu được 2,7 tấn tôm thương phẩm, lãi 90 triệu đồng. Năm nay, do thả tôm giống thưa nên tôm không hao hụt, mau lớn lại có nguồn thức ăn bổ sung từ trùn quế nên đạt lợi nhuận gấp đôi”- ông Đàng nói. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả trên còn phải có sự kết hợp từ nhiều yếu tố. Kỹ sư Đoàn Văn Nam, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết: “Nuôi tôm sú mật độ thưa luân canh với làm muối, giúp quản lý môi trường nước dễ hơn, tôm phát triển mạnh và ít bị bệnh; Hóa chất dùng trong quá trình nuôi ít nên giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Hơn nữa, do mật độ thưa, nên thời gian chạy máy cung cấp ô xy cho ao nuôi ít, tiết kiệm được nhiều nhiên liệu. Khối lượng và số lần thay nước cho ao cũng ít hơn, giảm nguy cơ lây lan bệnh từ ngoài vào".

Từ thành công của mô hình, tới đây Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư sẽ nhân rộng mô hình này trên những vùng sản xuất muối và nuôi tôm của tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận xét của các cán bộ của Trung tâm, thời gian qua, diện tích nuôi tôm trong tỉnh phát triển mạnh nhưng lại không bắt kịp với kỹ thuật nuôi tôm mới khi chuyển đổi từ nuôi quảng canh đến nuôi bán thâm canh và thâm canh nên dẫn đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh. Vì thế, để bảo đảm phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, cần nhân rộng mô hình nuôi tôm sú mật độ 15 con/m2. Tuy nhiên, người nuôi cần phải có ý thức giữ gìn môi trường và lựa chọn nguồn giống bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tăng cường tổ chức tập huấn và hội thảo tuyên truyền nâng cao ý thức tính cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường vùng nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh và bảo vệ nguồn lợi trong nuôi trồng thủy sản.

Thanh Nga<br>Nguồn vietlinh