Môi trường sống đã và đang trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất và cũng là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại. Bởi lẽ, môi trường sống gắn bó hữu cơ với cuộc sống của con người, cũng như với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Trận động đất khủng khiếp, với cường độ mạnh 9 độ rích te, xảy ra ngày 26/12/2004 ở In-đô-ne-si-a, xảy ra những cơn sóng thần cực mạnh, tàn phá vùng phía tây đảo Xu-ma-tra (In-đô-ne-si-a) và nhiều nước Châu Á khác, cướp đi sinh mạng của hơn 280.000 người, đã cho thấy vấn đề môi trường sống có quan hệ mật thiết với những vấn đề toàn cầu, mà để giải quyết được chúng, cần phải có sự hợp lực của tất cả các dân tộc, các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
1. Những vấn đề bức xúc đang đặt ra
Hiện nay, nhân loại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề môi trường rất bức xúc và nan giải, trong đó nổi bật nhất có các nhóm vấn đề như: 1) nạn cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên: đất, nước, tài nguyên khoáng sản, động, thực vật, nhiên liệu (dầu mỏ, khí đốt...); 2) nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống: ô nhiễm nước, ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm tiếng ồn...; 3) những tai biến của thiên nhiên: động đất, núi lửa, bão, lũ, hạn hán, các cơn bão từ vũ trụ xuống trái đất, sự va chạm giữa các hành tinh... Ngoài nhóm vấn đề thứ ba con người không thể có khả năng điều chỉnh và phòng tránh, hai nhóm vấn đề thứ nhất và thứ hai chủ yếu là do con người gây ra. Do vậy, con người cần có trách nhiệm trong việc tìm cách khắc phục và ngăn chặn hậu quả, nếu không thảm hoạ sẽ không chỉ là môi trường tự nhiên bị tàn phá, mà hơn thế, còn xoá sạch những gì mà loài người đã dày công xây dựng trong hàng chục nghìn năm qua, kể cả sự sống của bản thân con người trên trái đất.
Nạn cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nạn ô nhiễm nặng nề môi trường sống gắn bó hữu cơ với nhau, bởi lẽ chúng cùng có chung một cội nguồn đó là sự phát triển của nền sản xuất xã hội. Nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của mình, con người đã không ngừng khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường để đưa vào sản xuất. Nền sản xuất xã hội là phương thức trao đổi chất giữa con người (xã hội) với tự nhiên, nhằm bảo vệ sự sinh tồn của con người và sự phát triển không ngừng của xã hội. Tuy nhiên, những hậu hoạ sinh thái mà ngày nay con người đang phải gánh chịu cũng xuất phát chủ yếu từ phương thức trao đổi chất này.
Từ nền văn minh nông nghiệp trở về trước, nền sản xuất xã hội phát triển chập chạp, mức độ khai thác tài nguyên thiên nhiên của con người để phục vụ cho quá trình sản xuất chủ yếu chỉ có đất đai và động, thực vật. Nguyên nhân chính là do lực lượng sản xuất còn kém phát triển, công cụ sản xuất còn thô sơ. Mối quan hệ giữa con người và môi trường tự nhiên, nhìn chung, còn ở mức độ hài hoà; sản xuất xã hội và cuộc sống của con người còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện thiên nhiên. Tuy nhiên, ngay trong những giai đoạn phát triển đầu tiên này, một số cuộc khủng hoảng sinh thái cục bộ đã dẫn đến sự ra đi vĩnh viễn của một số nền văn minh đã từng vang bóng một thời như văn minh Mai - a, văn minh Cơ - rét, văn minh Lưỡng Hà v.v...
Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của nền sản xuất xã hội được bắt đầu từ khi nổ ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất và tiếp theo đó là quá trình công nghiệp hoá ở các nước tư bản chủ nghĩa. Trải qua hơn 300 năm, ngày nay, quá trình công nghiệp hoá gắn liền với hiện đại hoá đã được thực hiện ở rất nhiều nước trên thế giới. Xã hội loài người chuyển từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp và hậu công nghiệp (văn minh trí tuệ). Song, đồng thời với sự phát triển xã hội và sự suy thoái của môi trường sống, cả về số lượng lẫn chất lượng.
Chỉ trong vòng hơn ba thập niên, kể từ khi các nước thực hiện quá trình công nghiệp hoá, sự suy thoái về số lượng của môi trường tự nhiên đã diễn ra ngày càng gay gắt hơn theo ba cấp độ. Nếu như ở thế kỷ XVIII, Man - tuýt và Tiu - go mới đưa ra cái gọi là Quy luật về sự giảm dần sự phì nhiêu của đất đai, tới thế kỷ XIX, Tôm - xơn và Cơ - ru - xơ mới đặt vấn đề về sự cạn kiệt các nguồn năng lượng trên trái đất, thì ngày nay (thế kỷ XX và XXI), con người đã phải nói đến nguy cơ cạn kiệt toàn bộ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, cả tái tạo và không tái tạo trên hành tinh chúng ta, đặc biệt là các nguồn năng lượng (dầu mỏ, khí đốt, than đá), nước ngọt và sạch, rừng... Đi kèm với quá trình cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên là nạn ô nhiễm môi trường sống ngày càng trầm trọng hơn. Bởi vì, tài nguyên càng cạn kiệt, có nghĩa là số tài nguyên bị khai thác để đưa vào sản xuất và chế biến càng lớn - trong điều kiện kỹ thuật và công nghệ chưa hoàn thiện của nền văn minh nông nghiệp và công nghiệp - thì càng có nhiều chất thải độc hại đi vào môi trường, gây nên hiện tượng ô nhiễm, làm cho chất lượng môi trường sống ngày càng xấu hơn.
Sự ô nhiễm của môi trường sống đã dẫn đến những hiểm họa sinh thái tiềm tàng, mà hậu quả của chúng chưa thể nào lường trước được, trong đó, đặc biệt nguy hiểm và nan giải là các hiện tượng như hiệu ứng nhà kính, lỗ thủng tầng ô - dôn, mưa axít, sa mạc hoá, sự giảm dần độ đa dạng sinh học v.v... làm biến đổi các điều kiện thiên nhiên trên trái đất theo chiều hướng tiêu cực đối với sự sống. Một trong những biến đổi sinh thái nguy hiểm nhất là sự biến đổi của khí hậu trái đất. Sự biến đổi này là hậu quả tổng hợp, tất yếu của các hiện tượng ô nhiễm môi trường. Biểu hiện đầu tiên và nguy hiểm nhất là sự tăng lên nhiệt độ trung bình của trái đất, theo dự đoán vào giữa thế kỷ XXI là từ 1,50C đến 4,50C, và kéo theo nó là biết bao hiểm họa khác. Theo ông G.B. Brôn - tơ - man, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Môi trường và Phát triển của thế giới, thì trừ chiến tranh hạt nhân ra, sự biến đổi của khí hậu là mối đe doạ lớn nhất đói với loài người. Nó không những đe doạ sự tồn vong của loài người, mà còn uy hiếp cả tương lai của trái đất.
2. Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng bức xúc của những vấn đề môi trường sống hiện nay trên thế giới cũng như ở nước ta. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi chỉ tập trung nêu lên những nguyên nhân chủ yếu do con người gây ra ở phạm vi vĩ mô.
Một là, do sự phát triển xã hội theo quan điểm chiến lược lấy con người làm trung tâm hay quan điểm duy nhân loại đã từng thống trị ở các nước phương Tây trong suốt giai đoạn duy lý, nhất là từ thế kỷ XVII - XVIII đến nay. Theo quan điểm này, con người có quyền uy tối thượng đối với thế giới; còn giới tự nhiên được coi như một bộ máy cơ giới, vô tri, vô giác, con người có thể tuỳ tiện tác động lên nó, có thể tước đoạt từ tự nhiên tất cả những gì cần thiết cho cuộc sống của mình. Trong suốt nhiều thế kỷ qua, xã hội phương Tây đã phát triển theo đường hướng này. Kết quả là xã hội phương Tây, đặc biệt là các nước tư bản chủ nghĩa phát triển, đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trong lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, từ những gì đã đạt được, nhìn lại, con người không khỏi không băn khoăn, lo lắng, pha trộn cả nỗi sợ hãi về những hậu hoạ sinh thái do chính mình gây ra.
Hai là, do sự phát triển xã hội theo quan điểm duy kinh tế. Để thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng của mình, con người đã ra sức khai thác tài nguyên thiên nhiên, bất chấp mọi quy luật tồn tại và phát triển của chúng. Ví dụ, từ năm 1876 đến năm 1975, con người đã khai thác từ lòng đất khoảng 137 tỉ tấn than, 46,7 tỷ tấn dầu mỏ, 20 nghìn tỉ mét khối khí thiên nhiên, 24,5 tỉ tấn quặng sắt... Lợi ích kinh tế đã trở thành mục tiêu duy nhất và cao nhất; các chỉ tiêu kinh tế như tổng sản phẩm quốc dân (GNP), tổng sản phẩm quốc nội tính theo đầu người (GDP), khối lượng tài nguyên thiên nhiên khai thác được... trở thành tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá trình độ phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Ba là, do sự chưa hoàn thiện của kỹ thuật và công nghệ. Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và cũng để thoả mãn nhu cầu ngày càng tăng, trong điều kiện kỹ thuật và công nghệ cao chưa hoàn thiện và còn nhiều hạn chế, con người buộc phải sử dụng phương thức khai thác tài nguyên thiên nhiên theo bề rộng, tức là, đồng thời khai thác nhiều loại tài nguyên, nhưng đối với mỗi loại tài nguyên chỉ sử dụng một vài tính năng chủ yếu của chúng, rồi thải bỏ. Chẳng hạn như than đá và dầu mỏ chỉ được dùng làm nhiên liệu là chủ yếu. Chính vì lý do này mà tài nguyên thiên nhiên càng được khai thác và chế biến nhiều thì môi trường càng bị ô nhiễm nặng nề hơn. Đúng như Ph. Ăngghen đã cảnh báo cách đây hơn 100 năm: "Không nên quá tự hào về những thắng lợi của chúng ta đối với giới tự nhiên. Bởi vì cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta".
Bốn là, do sự nhận thức còn nhiều hạn chế của con người về giới tự nhiên. Theo một trong những thông báo gân đây, mỗi người bình thường có khoảng hơn 100 tỷ nơ - ron thần kinh, nhưng chỉ có trung bình khoảng từ 2% đến 8% số nơ - ron đó được đưa vào hoạt động nhận thức. Con người đã dành gần trọn số nơ - ron thần kinh được đưa vào hoạt động đó (hơn 99%) cho việc nhận thức thế giới ngoài con người. Tuy nhiên cho đến nay, tự nhiên vẫn còn quá nhiều điều bí hiểm mà con người chưa thể nhận thức được. Hơn nữa, ngay cả với những điều đã nhận thức được, con người cũng không thể thực hiện sự điều chỉnh một cách hài hoà và hợp lý mối quan hệ giữa mình với tự nhiên. Bởi lẽ, còn có quá nhiều lý do cản trở con người làm điều đó, như vì sự sống còn và lợi ích trước mắt, vì sự cạnh tranh, vì sự hạn chế của khoa học và công nghệ v.v...
3. Cần thay đổi quan niệm về sự phát triển
Trước hết, thay quan điểm phát triển lấy con người làm trung tâm (hay duy nhân loại) và chinh phục thiên nhiên bằng bất cứ giá nào bằng quan niệm hài hoà và đồng tiến hoá giữa xã hội và tự nhiên.
Con người và tự nhiên vốn có cùng bản chất và không đối lập nhau. Bởi vì, con người và xã hội loài người là sản phẩm của một quá trình tiến hoá lâu dài và vô cùng phức tạp. Toàn bộ hoạt động của con người và tự nhiên được thống nhất trong cơ thể vận hành của chu trình sinh học hay chu trình trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin của sinh quyển, theo các nguyên tắc cơ bản là tổ chức, tự điều khiển, tự làm sạch, tự bảo vệ theo một trật tự liên hoàn chặt chẽ.
Kể từ khi xuất hiện con người và xã hội loài người, sự tiến hoá của giới tự nhiên được chia làm hai nhánh: lịch sử tiến hoá của tự nhiên và lịch sử tiến hoá của xã hội. Có thể coi lịch sử tiến hoá của xã hội là sự tiếp tục và cùng song hành với lịch sử tiến hoá của tự nhiên. C.Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: "Có thể xem xét lịch sử dưới hai mặt, có thể chia lịch sử ra thành lịch sử tự nhiên và lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, hai mặt đó không tách rời nhau. Tuy nhiên hai mặt đó không tách rời nhau. Chừng nào mà loài người còn tồn tại thì lịch sử của họ và lịch sử tự nhiên quy định lẫn nhau". Do vậy, quan điểm đồng tiến hoá giữa xã hội và tự nhiên là một quan điểm đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với một giai đoạn phát triển mới về chất của xã hội loài người - giai đoạn của nền văn minh trí tuệ; đồng thời cũng đánh dấu bước chuyển từ sự tiến hoá của sinh quyển sang sự tiến hoá của trí tuệ quyển.
Tiếp theo, thay đổi quan điểm phát triển duy kinh tế (tức là lấy những chỉ tiêu kinh tế làm thước đo cao nhất và duy nhất) bằng quan điểm phát triển bền vững với ba mục tiêu cơ bản: tăng trưởng kinh tế nhanh và an toàn, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sống; và lấy chỉ số phát triển con người (HDI), bao gồm: bình quân thu nhập quốc dân tính theo đầu người; giáo dục và dân trí; sức khoẻ và tuổi thọ... làm thước đo cao nhất cho sự phát triển.
Cuối cùng, thay quan điểm phát triển cục bộ theo vùng, theo lãnh thổ quốc gia bằng quan điểm phát triển toàn cầu: liên doanh, liên kết, hội nhập toàn cầu, trước tiên là hội nhập về kinh tế, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền độc lập, tự chủ của các quốc gia và bản sắc văn hoá của các dân tộc.
Trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại. Điều này đã được công nhận tại các Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp quốc, ở Xtốc - khôm (Thuỵ Điển) năm 1972; Ri-ô đờ Gia-nê-rô (Braxin) năm 1992, Giô - han - ne - xbớc (Nam Phi) năm 2002; trong các bản tuyên bố chung và trong Chương trình hành động cụ thể - Chương trình nghị sự 21 của thế giới về sự phát triển bền vững.
Sự thay đổi quan điểm về sự phát triển xã hội, cùng với những bản "Tuyên bố chung" và "Chương trình nghị sự 21 của thế giới" là cơ sở và luận cứ quan trọng để các quốc gia trên thế giới vạch ra chiến lược phát triển mới, với những giải pháp cụ thể, phù hợp, nhằm chung lòng, chung sức vượt qua một trong những thử thách lớn nhất trên con đường phát triển của nhân loại. Đó là các thử thách về môi trường sống.
Nguồn http://www.emotino.com ra ngày 12-05-2009