Do thiếu hụt nguồn nguyên liệu thủy sản từ khai thác đến nuôi trồng nên hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu hiện đang phải hoạt động cầm chừng, cắt giảm lao động...
Tình trạng trên hiện đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nhà máy chế biến tôm, cá xuất khẩu khu vực miền Trung, ĐBSCL...
Giảm từ khai thác...
Trái ngược với sự sôi động trước đây, nửa tháng qua cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), lượng tàu thuyền cập bến giảm hẳn. Chợ cá Thọ Quang, một trong những chợ thủy sản lớn ở miền Trung, việc mua bán hàng thủy sản cũng lâm vào cảnh đìu hiu. Chị T. - một chủ vựa ở chợ cá - cho hay trước đây mỗi ngày gom được 2,5-3 tạ mực để cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu, nhưng nay đã giảm một nửa.
Ông Nguyễn Tuấn Ngọc - trưởng ban quản lý và khai thác cảng cá Thọ Quang - xác nhận trước đây lượng hàng thủy sản về bến từ 150-180 tấn/ngày, nhưng nửa tháng qua chỉ khoảng 100 tấn/ngày; số lượng tàu thuyền về bến cũng giảm từ 900 lượt xuống còn 700 lượt tàu thuyền/tháng. Còn anh Trịnh - một chủ tàu Đà Nẵng - than phiền giá dầu tăng lại không được hỗ trợ như trước, cộng với việc ngư trường đánh bắt bị khoanh vùng nên không nhiều chủ tàu dám dong thuyền xa khơi như mọi khi.
Lượng nguyên liệu thủy sản khai thác giảm đã khiến nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu phải hoạt động cầm chừng. Tại Công ty thương mại tổng hợp Phước Tiến, một số dây chuyền chế biến cá bò xuất khẩu đi Nhật, Hàn Quốc phải dừng chạy hoặc sản xuất cầm chừng. Ông Đỗ Anh Tuấn - chủ tịch HĐQT công ty - xác nhận trong một tháng trở lại đây, lượng nguyên liệu thủy sản từ các tàu thuyền về ít nên công suất công ty giảm đến 50%. Tình trạng “đói” nguyên liệu xa bờ khiến doanh thu xuất khẩu của công ty chỉ đạt khoảng 2 triệu USD, giảm đến 50%.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho biết công nhân chế biến của các nhà máy miền Trung và miền Bắc từ vĩ độ 12 trở lên coi như “treo niêu” vì không có nguyên liệu chế biến. Người dân không dám ra biển đánh cá, doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu nên ngồi chơi, 80% số lao động là nữ đứng trước nguy cơ mất việc.
...Đến nuôi trồng
Các doanh nghiệp chế biến hải sản đánh bắt gặp khó đã đành, những doanh nghiệp chế biến sản phẩm nuôi trồng trong nước như tôm sú, tôm thẻ chân trắng và cá tra cũng đang lao đao vì thiếu nguyên liệu. Hàng loạt nhà máy chế biến thủy sản ở Tắc Cậu và TP Rạch Giá (Kiên Giang) hiện đang hoạt động 50-60% công suất dù đầu ra không thiếu.
Bà Trương Thị Loan - phó giám đốc Công ty chế biến thủy sản Kiên Long (Kiên Giang) - cho biết nhà máy chế biến tôm của công ty có công suất 10 tấn/ngày nhưng hiện chỉ mua được khoảng 2 tấn/ngày. Hiện mỗi ngày phân xưởng chế biến tôm chỉ có vài chục công nhân làm việc, hàng hóa không đủ giao cho khách hàng.
Tương tự, ông Đỗ Ngọc Tài - phó tổng giám đốc Công ty chế biến thủy sản Kim Anh (Sóc Trăng) - cho biết xưởng chế biến tôm ở Xí nghiệp Thái Tân mỗi ngày chỉ mua được 15-20 tấn tôm nguyên liệu, trong khi nhu cầu hoạt động đúng công suất của xí nghiệp lên đến 100 tấn/ngày.
Trước đó, tại hội nghị toàn thể VASEP 2009, ông Lê Văn Quang - tổng giám đốc Công ty CP thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau) - cho biết ngành xuất khẩu tôm đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu do người dân không còn mặn mà với con tôm nữa. Tới hết tháng 4-2009 tại nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng người dân vẫn chưa xuống giống vụ mới. Diện tích nuôi tôm công nghiệp tại những địa phương này đã thả giống chỉ đạt 20-30%. Nguyên nhân do giá tôm diễn biến bất lợi, nhiều dịch bệnh và năm nay các nhà máy chế biến thức ăn thủy sản đã không còn đầu tư cho người dân như trước nữa.
Ông Lê Văn Quang cho rằng thiếu nguyên liệu mới chỉ là phần nổi trong khó khăn của ngành xuất khẩu tôm. Hiện tôm thẻ chân trắng đang phát triển mạnh mẽ và chiếm tới 85% thị trường tôm thế giới. Với quá nhiều bất cập trong phát triển con tôm tại VN, nếu không có chính sách phát triển đúng đắn, có thể con tôm sú của VN sẽ bị biến mất trên thị trường thế giới.
Cần nới lỏng việc nhập khẩu nguyên liệu
Để giải quyết tình trạng khan hiếm nguyên liệu, ông Nguyễn Hữu Dũng - phó chủ tịch thường trực VASEP - cho rằng Nhà nước nên có chính sách nới lỏng quy định về nhập khẩu thủy sản chế biến và tái xuất, đặc biệt là ưu đãi về thuế. Hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhập tới 60-70% nguyên liệu từ nước ngoài nhưng khó đạt mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỉ USD.
Theo VASEP, trong năm tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản VN chỉ đạt hơn 1,3 tỉ USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó cá ngừ, mực, bạch tuộc... là những mặt hàng giảm mạnh nhất.
Xuất khẩu tôm sẽ không có tín hiệu khả quan do nhu cầu của đa số thị trường chính đều giảm. Riêng xuất khẩu cá tra lần đầu tiên có mức tăng trưởng âm, giảm 4,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Những tháng cuối năm tiếp tục gặp nhiều khó khăn, do đó rất khó đạt mục tiêu xuất khẩu 4,5 tỉ USD.
V.HÙNG - T.MẠNH - D.KHANG (Nguồn vietlinh)