Ngày 29/5, Công ty Cổ phần Nam Việt (vốn điều lệ 600 tỷ đồng) công bố chào bán 6 triệu cổ phần ra công chúng để trở thành công ty đại chúng và sẽ niêm yết trên sàn Tp.HCM.
Đặc biệt, Nam Việt đã ký hợp đồng bảo lãnh phát hành cổ phần với Công ty Chứng khoán Bảo Việt. Theo đó, Bảo Việt sẽ mua toàn bộ số lượng cổ phần phát hành theo hình thức đấu giá ra bên ngoài chưa phân phối hết sau khi đã thực hiện phân phối cho các nhà đầu tư theo kết quả đấu giá với giá mua bảo lãnh bằng giá khởi điểm bán đấu giá là 100.000 đồng/cổ phần, gấp 10 lần mệnh giá.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh chính của Nam Việt hiện nay là chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ cá tra, cá basa (thịt cá tra, cá basa phi lê, da cá, đầu xương cá, bao tử cá, bột cá, dầu mỡ thành phẩm cá tra, basa...) cùng một số sản phẩm từ các loại thuỷ sản khác. Nam Việt còn có một nhà máy in và sản xuất bao bì riêng cho sản phẩm của chính công ty.
Phần lớn doanh thu và lợi nhuận của Nam Việt chủ yếu là từ cá tra. Năm 2006, doanh thu thuần đạt 2.707 tỷ đồng, tăng trên 123% so với năm 2005. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 160 triệu USD tăng 166% so với năm 2005 và đứng đầu cả nước trong số các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Lợi nhuận trước thuế đạt 278 tỷ đồng, tăng 276% so với năm 2005.
Nam Việt hiện tại là công ty có năng lực sản xuất, chế biến cá tra, cá basa xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và lớn nhất trên thế giới với sản lượng sản xuất khoảng 500 tấn cá/ngày, điều kiện an toàn vệ sinh của nhà máy chế biến thuộc loại tốt nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành.
Hệ thống quản lý chất lượng ISO và các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm như HACCP, GMP, SQF ngày càng phát huy tác dụng và tạo hiệu quả tích cực đến nhiều mặt hoạt động của công ty. Công ty hiện có đại lý độc quyền phân phối sản phẩm tại khu vực thị trường tiêu thụ chính EU.
Nam Việt chào bán cổ phần ra công chúng đợt này nhằm mục đích chính là huy động vốn để xây dựng nhà máy chế biến cá tra, basa Ấn Độ Dương, có công suất 700 tấn cá/ngày (tương đương 234 tấn sản phẩm/ngày hay 73.000 tấn sản phẩm/năm), vốn đầu tư 456 tỷ đồng.
Với nhà máy mới, Nam Việt sẽ thâm nhập thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc với dân số hơn 1,3 tỷ người. Đồng thời tiến hành xuất khẩu vào thị trường Mỹ khi thuế chống bán phá giá do DOC áp đặt được xét giảm.
Thời hạn hoàn vốn không chiết khấu của dự án là 2 năm 5 tháng 15 ngày, thời hạn hoàn vốn có chiết khấu là 3 năm 5 ngày (hệ số chiết khấu 12%), hiện giá thuần của dự án đầu tư 444.750 triệu đồng, tỉ suất thu hồi vốn của dự án IRR = 35,80%, doanh thu hoà vốn năm thứ nhất 1.318,153 tỷ đồng, doanh thu hoà vốn năm thứ bảy (năm ổn định sản xuất) là 988,048 tỷ đồng.
Công ty đã ký hợp đồng bảo lãnh phát hành cổ phần với Công ty Chứng khoán Bảo Việt, theo đó, Bảo Việt sẽ mua toàn bộ số lượng cổ phần phát hành theo hình thức đấu giá ra bên ngoài chưa phân phối hết sau khi đã thực hiện phân phối cho các nhà đầu tư theo kết quả đấu giá. Vì vậy, rủi ro phát hành của đợt phát hành này rất nhỏ và chỉ xảy ra trong các trường hợp bất khả kháng.
Nam Việt còn có thể gặp rủi ro về các vụ kiện chống bán phá giá. Các vụ kiện xuất hiện ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệơ Việt Nam trên bình diện quốc tế.
Rủi ro ô nhiễm nguồn nước sông do số lượng hộ nuôi tăng lên nhanh chóng trong khi môi trường nước không được khắc phục là có thể xảy ra. Mặt khác, ảnh hưởng từ những yếu tố khách quan về thiên tai bão lụt cũng ảnh hưởng đến sản lượng nguyên liệu.
Bên cạnh đó, Nam Việt còn phải đối đầu với sự cạnh tranh thu mua nguyên liệu từ các đơn vị khác. Những biến động trên ắt hẳn sẽ gây ra sự tăng giá nguyên liệu, sự khan hiếm nguồn nguyên liệu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Nam Việt nếu công ty không có chính sách dự trữ hợp lý.
Nam Việt chào bán cổ phần ra công chúng đợt này nhằm mục đích chính là huy động vốn để xây dựng nhà máy chế biến cá tra, basa - Ảnh: Việt Tuấn.
Hải Bằng (Theo VnEconomy)