Ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có thể mất thị trường châu Âu (EU) béo bở vì luật truy xuất nguồn gốc từ khai thác (IUU).

Theo luật IUU (illegal, unreported and unregulated fishing), từ ngày 1/1/2010, tất cả lô hàng hải sản xuất khẩu sang EU phải chứng minh nguồn gốc (vùng biển khai thác, tàu khai thác…), nếu thiếu sẽ không được phép nhập vào thị trường này.

Mặc dù đã được báo trước từ nhiều tháng nay, nhưng cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều thừa nhận, “cả một núi công việc khó có thể hoàn thành…”. Khó nhất là không thể ngày một ngày hai thay đổi được thói quen hành nghề của ngư dân các vùng biển từ bao đời nay.

Với 13.000 chiếc tàu thuyền đánh bắt theo kiểu mạnh ai nấy làm, ngành thủy sản VN khó mà xuất hàng sang EU.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến hàng thủy hải sản đông lạnh SG Fishco, cho biết, ngay tại châu Âu cũng vẫn còn rất nhiều nước vẫn chưa thực hiện được IUU.

IUU sẽ chỉ áp dụng đối với những lô hàng thủy sản đánh bắt kể từ thời điểm ngày 1/1/2010. Còn những lô hàng được đánh bắt trước thời điểm này (từ 31/10/2009 trở về trước) sẽ không chịu ảnh hưởng của IUU. Vì vậy doanh nghiệp sẽ không lo ngại tới vấn đề tồn đọng hàng từ rào cản này. (Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Quản lý khai thác thủy sản, Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản)

Hầu hết chỉ thực hiện được đối với những tàu thuyền có công suất lớn, được trang bị những hệ thống định vị vệ tinh, khai thác trên những vùng biển lớn đã được phân vùng.

Trong khi đó các vùng đánh bắt của ngư dân Việt Nam chưa được phân vùng cụ thể, đa số dựa trên danh giới về khu vực ngư trường.

Đó còn chưa kể tới việc ngư dân các tỉnh thường xuyên di chuyển trên khắp các khu vực biển. Chẳng hạn ngư dân tại Bình Định vào tận ngư trường thuộc khu vực tỉnh Kiên Giang… để đánh bắt, nếu khai báo nguồn gốc sẽ khó xác định khu vực đánh bắt cụ thể.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc Công ty Thủy sản Hải Vương (Khánh Hòa) bày tỏ lo ngại, hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hàng thủy hải sản hiện nay đều thu mua nguyên liệu qua các chủ vựa, thương lái tại các cảng cá chứ không trực tiếp mua của ngư dân.

Mà những chủ vựa này cũng không thu mua từ một tàu, mà từ hàng chục, thậm chí hàng trăm tàu thuyền, vì có những tàu chỉ chuyên thu gom vận chuyển từ các thuyền đánh bắt ngoài khơi rồi đưa vào bờ…. sau đó tiếp tục được xé nhỏ, chia cho nhiều chủ vựa hay doanh nghiệp khác nhau.

Đó còn chưa kể tới việc không ít doanh nghiệp nhập cả nguyên liệu từ nước ngoài về chế biến rồi tái xuất, nên doanh nghiệp khó có thể đi xác định từng tàu thuyền để tìm hiểu nguồn gốc từng con cá, con tôm.

“Nếu kê khai đủ nguồn gốc thì mỗi lô hàng có thế phải kèm theo hàng chục, hàng trăm thứ giấy tờ.”, ông Nam nói.

Ngoài ra, một doanh nghiệp tại Bình Thuận cho biết, hiện vẫn còn nhiều chủ thuyền không biết chữ, sẽ rất khó để có thể yêu cầu họ làm các thủ tục kê khai.

Bà Trần Bích Nga, Cục phó Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, khẳng định, biết là khó nhưng không thể không làm theo quy định của EU. Vì thị trường này vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của VN (chiếm hơn 26%). Nếu không làm thì đồng nghĩa với việc đánh mất thị trường số 1 này.

Việc cần làm ngay hiện nay là tiến hành một cuộc đàm phán trực tiếp với đại diện phía EU. Có thể thành lập một đoàn đàm phán giải trình về những vướng mắc mà ngành thủy sản đang vướng mắc hiện nay. Đồng thời yêu cầu EU sửa đổi một số quy định cho phù hợp với thực tế ngành khai thác, chế biến thủy sản VN. (Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - VASEP)

Theo Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, việc thực hiện khai báo nguồn gốc thủy sản đánh bắt được tỉnh này tiến hành cách đây 8 năm, áp dụng cho 11 doanh nghiệp.

Và việc này chỉ thực hiện đối với những tàu có công suất lớn. Nhưng do điều kiện nhân lực thiếu thốn nên cũng chỉ tiến hành hiệu quả được từ 1 - 1,5 năm đầu tiên.

Tương tự như vậy, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho biết, để doanh nghiệp đi xác nhận từng tàu là khó khả thi và làm khó cho doanh nghiệp, vì tính riêng lượng tàu thuyền đánh bắt đăng ký tại tỉnh đã lên tới 9.000 chiếc.

Theo cơ quan này, giấy tờ truy xuất nguồn gốc nên quy về các chủ vựa hay đầu mối thu mua từ các tàu thuyền, những chủ thuyền này có nhiệm vụ thống kê danh sách các tàu thuyền và tiến hành khai báo với doanh nghiệp thu mua.

Một số doanh nghiệp kiến nghị, do thời gian còn quá ít, nên chăng có kiến nghị với EU trước mắt tiến hành với những loại tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất lớn (trên 90 CV).

Sau đó mới tiến hành với những tàu thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ, vì theo số liệu sơ bộ lượng tàu thuyển này tại các tỉnh có tới 13.000 chiếc.

Ca Hảo (Nguồn vietlinh)