Quảng Ngãi có chiều dài bờ biển 130 km, ngư trường rộng lớn từ ven bờ vươn tới ngoài khơi xa, diện tích đất đai mặt nước lợ, nước ngọt khá lớn, lao động nghề biển dồi dào... Đó là những điều kiện thuận lợi để tận dụng, khai thác phát triển kinh tế thuỷ sản toàn diện và bền vững!
Tiềm năng từ biển!
Ở vùng biển miền Trung, vùng ven bờ được tính từ mép bờ ra đến 3 hải lý, vùng lộng tính từ đường cách bờ 3 hải lý ra đến độ sâu 50m và vùng khơi có độ sâu từ 50m nước trở lên.
Ngư trường khai thác thuỷ sản trong tỉnh có diện tích khoảng 11.000 km2, được phân bố: Độ sâu đến 50m nước chiếm 9% diện tích, từ 51m - 100m chiếm 21,8%, từ 101 - 200m chiếm 15,6%, trên 200m chiếm 53,6%. Vùng biển Quảng Ngãi có mật độ sinh vật phù du tương đối thấp, nên trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản không lớn. Nguồn lợi thuỷ sản biển bao gồm các loài cá tầng nổi, cá tầng đáy và các loài giáp xác, thân mềm như: Tôm hùm, tôm sú, tôm chì, cua, ghẹ, cua huỳnh đế, mực ống, mực nang... là những loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao.
Nguồn lợi cá nổi là thế mạnh của vùng biển Quảng Ngãi, trữ lượng trung bình khoảng 42.000 tấn, sản lượng cho phép khai thác trung bình hằng năm khoảng 19.000 tấn. Ngoài ra còn có khoảng trên 4.000 tấn cá nổi khai thác ở vùng biển khơi nằm ngoài phạm vi tính toán trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản trong tỉnh. Nguồn lợi cá tầng đáy khá phong phú về giống loài, nhưng trữ lượng thấp, do địa hình thềm lục địa hẹp, dốc và có độ sâu lớn, nên vùng biển trong tỉnh không phải là ngư trường cá đáy lớn trong khu vực.
Trữ lượng cá tầng đáy khoảng 26.000 tấn, sản lượng cho phép khai thác trung bình 8.000 tấn, trong đó khả năng khai thác trung bình của tôm biển các loại là 550 tấn, mực các loại là 1.000 tấn, có nhiều loài thuỷ đặc sản có giá trị kinh tế như tôm hùm, cua huỳnh đế, các loại ốc biển... sinh sống quanh đảo Lý Sơn. Đây là những nguồn lợi thuỷ sản quý hiếm cần phải được quy hoạch bảo vệ và khai thác hợp lý. Ngoài ra nguồn lợi thuỷ sản biển còn là các loài thực vật biển như: Rong câu chỉ vàng, rong câu chân vịt, rong sụn... tập trung ven bờ đảo Lý Sơn là chủ yếu. Hàng năm nhân dân khai thác sản lượng ước tới hàng chục tấn.
Nguồn lợi thuỷ sản nước lợ
Vùng nước lợ là vùng nước hạ lưu gần cửa sông, ven biển, là nơi giao thoa giữa nước mặn từ ngoài biển và nước ngọt từ sông suối đổ ra biển (thường gọi là "nước chè hai"). Độ mặn vùng nước lợ dao động lớn theo mùa (khoảng từ 5%o - 25%o). Mùa mưa độ mặn giảm, mùa khô độ mặn tăng. Vùng nước lợ thường có các bãi triều, rừng ngập mặn, mật độ phù du sinh vật trong vùng nước lợ khá cao, là nguồn dinh dưỡng cung cấp thức ăn cho các loài thuỷ sản sinh trưởng. Vùng nước lợ là nơi trú ngụ, sinh sản nhiều loài thuỷ sản ven bờ.
Do đó việc bảo vệ môi trường sinh thái vùng nước lợ đồng nghĩa với việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ là đặc biệt quan trọng. Nguồn lợi thuỷ sản vùng nước lợ có nhiều giống loài phong phú, thích nghi với sự thay đổi nồng độ muối. Các loài thuỷ sản có giá trị nổi bật như: Tôm sú, tôm đất, tôm bạc, cua xanh...; các loài cá nước lợ như cá đối, cá măng, cá vược, cá dìa, cá căng...
Từ những đặc điểm địa lý và nguồn lợi thuỷ sản, có thể nói rằng, Quảng Ngãi có những điều kiện tiềm năng tương đối thuận lợi để phát triển kinh tế thuỷ sản (đánh bắt hải sản xa bờ, nuôi thuỷ sản nước lợ và nước ngọt). Song điều hạn chế là bờ biển khá dài, nhưng không có những vũng vịnh kín gió, thềm đáy biển sâu và hẹp, trữ lượng nguồn lợi thuỷ sản chủ yếu là cá nổi cho nên sản lượng và mùa vụ đánh bắt không ổn định.
Trong nội địa diện tích vùng triều tự nhiên không lớn, lại bị chia cắt manh mún, muốn cải tạo, mở rộng cần phải có sự đầu tư lớn về thuỷ lợi. Ngoài ra do tác động của con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội (đắp đập ngăn sông, khai thác quá mức rừng đầu nguồn, phát triển công nghiệp và đô thị...) đã làm cho các dòng sông, cửa biển bị bồi lấp, tàu thuyền ra vào khó khăn hoặc gây ra tình trạng ô nhiễm các vùng nước, đe doạ sự tồn tại, sinh trưởng của các loài thuỷ sản, ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phát triển kinh tế thuỷ sản trong tương lai nếu không có quy hoạch bảo vệ và khai thác hợp lý.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do kết cấu hạ tầng nghề cá chưa đồng bộ, vốn đầu tư hạn chế, nhưng thời kỳ tới có nhiều điều kiện thuận lợi, bởi nhu cầu tiêu dùng sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu và nội địa tăng lên cho phép ngành thuỷ sản phát triển có quy hoạch và bền vững, đóng góp có hiệu quả phát triển nền kinh tế xã hội của tỉnh.
Phạm Danh (Nguồn agriviet.com)