Trong thực tế, nếu chỉ tập trung khai thác, nguồn lợi từ biển sẽ là rất nhỏ so với những gì biển có thể mang lại. Cảng biển không đủ năng lực phục vụ, các ngành thuỷ sản từ đánh bắt, chế biến tới nuôi trồng vẫn rất manh mún. Du lịch chủ yếu nặng về khai thác tự nhiên, hiệu quả thấp và nhiều cơ hội phát triển đang bị bỏ phí.

Cảng biển thiếu và yếu

VN chọn mức thứ 3 trong 4 mức cam kết mở cửa thị trường hàng hải khi gia nhập WTO. Đối với giới kinh doanh vận tải biển, giới chuyên môn nhận định, VN mở cửa gần như hoàn toàn lĩnh vực hàng hải. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện có thể tham gia kinh doanh trong ngành hàng hải VN theo những hình thức bắt buộc là liên doanh hoặc BOT. Đối với liên doanh, bắt buộc phần vốn của VN chiếm 51%, 49% còn lại của nước ngoài. Tuy nhiên hiện nay các cảng đều quá tải và tổng công suất các cảng khoảng 100 triệu tấn/năm thì lượng hàng hoá thực tế qua các cảng đã lên tới 150 triệu tấn.

Hiện nay cả nước có 266 cảng biển, trong đó có 9 cảng lớn. Tuy vậy tàu trên 50.000 tấn vẫn chưa ra vào được các cảng VN. Do đó, mặc dù có vị trí đắc địa song VN đành nhường các tàu này cho Đài Loan, Singapore... và tự nhận vị trí trung chuyển một cách khiêm tốn và mất đi lợi nhuận đáng kể.


VN có trên 3.000 km bờ biển, do đó biển từ lâu đã được nhiều tỉnh, thành phố lấy làm thế mạnh, trọng tâm phát triển kinh tế. Tuy nhiên đa phần vẫn chỉ là khai thác khiến nguồn tài nguyên thiên tạo này đang cạn kiệt. Làm thế nào để khai thác biển cho mục đích phát triển kinh tế được bền vững và hiệu quả


Trong khi miền Trung thừa công suất thì các cảng miền Nam tắc nghẽn. Cụm cảng biển phía Bắc đang chiếm 30% tổng công suất hàng hóa cả nước, trong khi các cảng phía Nam tới 50-60%. Miền Trung chỉ chiếm hơn 10% tổng công suất. Riêng container, 90% lượng hàng qua các cảng phía Nam. Tốc độ tăng trưởng hàng hóa bình quân 10-12% trong vòng 10 năm song tốc độ phát triển các cảng biển lại chậm chạp và thiếu đồng bộ. Thực trạng này khiến VN tự đánh mất thế mạnh và cơ hội, mất lợi nhuận còn các DN phải chịu mức chi phí lớn khi sử dụng các dịch vụ vận chuyển đường biển.

Đến năm 2010, sẽ có khoảng 200 triệu tấn hàng thông qua các cảng biển VN. Tới năm 2020 là 340 triệu tấn. Như vậy cần đến 15-20 km bến cảng. Theo dự báo trong thời gian tới đây, 75% lượng hàng hóa của châu Á sẽ đi qua các cảng biển nội địa. Với đòi hỏi phát triển trên, xem ra các cảng biển VN vẫn tiếp tục quá tải, chi phí cho vận chuyển vẫn sẽ cao và lợi nhuận sẽ vẫn chảy sang hệ thống cảng biển của nhiều quốc gia lân cận.

Khai thác hay là tận diệt?

Trong thực tế, nhiều dự án khai thác tài nguyên biển cho phát triển du lịch hay công nghiệp đóng tàu, phá dỡ tàu cũ, du lịch hoặc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản luôn luôn thiếu đồng bộ. Các dự án công nghiệp, bến cảng nhiều khi gây hại đến môi trường thiên nhiên, ảnh hưởng tới phát triển du lịch, còn du lịch thì theo kiểu tận thu, phá vỡ môi trường sinh thái.

Hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng ven bờ và thềm lục địa, chiếm tới 80% tổng lượng thuỷ sản khai thác khiến cho kiểu đánh bắt hiện nay thường được gọi dưới cái tên – khai thác kiểu tận diệt. Các dự án đánh bắt xa bờ, nâng cao năng lực khai thác đánh bắt hải sản... lâu nay chỉ có tên hay và hậu quả chứ ít hiệu quả càng khiến cho tài nguyên biển cạn kiệt.

Toàn tuyến biển hiện có 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển. Ngoài ra, các vịnh đẹp như Hạ Long, Bái Tử Long, Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang... và 2.779 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 1.636 km vuông khiến cho biển VN có sức hút khá mạnh với du khách. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong quý I năm nay, lượng khách quốc tế đến VN đạt trên 1,11 triệu lượt khách, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường trọng điểm của du lịch VN có sự bứt phá mạnh như Hàn Quốc tăng 18%, Pháp tăng 34%, Nga tăng 43%, Bỉ tăng 32%... Mặc dù các con số du khách luôn tăng cao nhưng lợi nhuận mà ngành du lịch thu được vẫn là con số nhỏ so với tiềm năng của biển VN. Các dịch vụ phát triển thiếu đồng bộ khiến cho lợi nhuận mang lại từ sự hấp dẫn của biển vẫn chỉ là nhỏ bé. Trong các khoản chi của du khách, tiền khách sạn và đi lại vẫn là khoản chi chiếm tỷ trọng lớn nhất. Môi trường nhiều thắng cảnh biển bị xâm hại nghiêm trọng khiến cho lợi ích thu được hôm nay khó có thể bù được những mất mát của môi trường thiên nhiên.

Đặng Hào

www.dddn.com.vn