Một cậu bé lớn lên từ vùng quê nghèo Núi Thành (Quảng Nam) ngày nọ trở thành chuyên gia đầu ngành về hải sâm, cũng là người đưa công nghệ nuôi hải sâm Việt Nam dẫn đầu thế giới. Đó là Nguyễn Đình Quang Duy, kỹ sư viện Nghiên cứu và nuôi trồng thuỷ sản 3 (RIA3). Bí quyết để trở thành chuyên gia số một, được Duy đúc kết: “Đơn giản là tôi cày nhiều hơn người khác thôi!”
“Hải sâm chọn tôi!”
Sau khi công bố một số tài liệu, kết quả về công nghệ nuôi hải sâm của RIA3 tại hội thảo chuyên đề về nghề nuôi hải sâm ở châu Á – Thái Bình Dương (New Caledonia 2.2011), nhiều đồng nghiệp nước bạn đã gặp Duy bày tỏ sự thán phục. Sau đó, các chuyên gia từ Úc, Malaysia, Thái Lan, Philippines… lần lượt đến RIA3 học hỏi kinh nghiệm và đề cập vấn đề chuyển giao công nghệ nuôi hải sâm, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền thuê Duy sang dạy họ.
Từ những chuyến tập huấn như thế, Duy đã viết về kinh nghiệm nuôi hải sâm cát thành sách và đang được rao bán trên trang tin điện tử seafdec.org.ph của trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC). Cũng trong từng ấy thời gian, trả lời câu hỏi mà kỹ sư trẻ này hay bị chất vấn “Sao lại chọn hải sâm?”, là “Hải sâm chọn tôi!”
Năm 2001, sau khi tốt nghiệp đại học Thuỷ sản Nha Trang, Duy đầu quân cho RIA3. Công việc của cậu lính mới lúc đó không phải hải sâm mà là ốc hương. Ít tháng sau, dự án quy trình nuôi hải sâm hợp tác với tổ chức ICLARM (nay là WorldFish Center) được triển khai và Duy được điều qua. Lúc đầu, Duy chỉ được giao những việc lặt vặt tại khu trại nhỏ của dự án RIA3, sau trở thành hạt nhân chính của dự án.
Nguyễn Đình Quang Duy (trái) hướng dẫn đồng nghiệp trẻ kỹ thuật ương hải sâm cát trong giai lưới. |
Trong thời gian này, mặc dù cố gắng rất nhiều trong việc triển khai sản xuất giống và đưa con giống ra nuôi thương phẩm nhưng “tỷ lệ thành công lúc đó còn thấp, đặc biệt muốn chuyển giao cho người dân nhưng cực kỳ khó vì họ cho rằng không có lời nhiều bằng tôm”, Duy nhớ lại. Sau đó, dự án tiếp tục khởi động khi có sự hợp tác của DANIDA, Đan Mạch (năm 2003 – 2004), Nhật Bản (2007 – 2009), đặc biệt là bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ định giao thực hiện đề tài xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm hải sâm cát ở quy mô sản xuất tại một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Nguyễn Đình Quang Duy hiện cũng là chuyên gia dự án ACIAR (trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc) và là giám đốc dự án nuôi hải sâm cát tại Việt Nam được tài trợ bởi ACIAR. Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu cải tiến công nghệ, thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu về nuôi ghép và nuôi luân canh hải sâm cát với các đối tượng có giá trị kinh tế khác như tôm, cá, ốc... tại RIA3, anh còn hỗ trợ các đối tác trong hợp phần như Philippines (SEAFDEC) về tư vấn kỹ thuật sản xuất giống, giảng dạy tập huấn ngắn hạn. |
Quy trình nuôi hải sâm chuyển từ ương nuôi trong bể ra ngoài đìa (ao): “Công nghệ sản xuất giống hải sâm cát sau đó được chuyển giao cho mười trại sản xuất giống, đồng thời phát triển nghề sản xuất giống và nuôi hải sâm cát tại Khánh Hoà”, Duy hồ hởi kể. Đến nay quy trình nuôi hải sâm đã được triển khai tại nhiều địa phương như Phú Yên, Ninh Thuận với sản lượng 2,5 tấn/ha, tỷ lệ sống trên 80%. Giá hiện nay trên thị trường của hải sâm cát khoảng 200 USD/kg khô, nên triển vọng của nghề này rất lớn.
Sống vì hải sâmDuy cho biết, quy trình nuôi hải sâm cát ở đây đang dẫn đầu khu vực và cả thế giới, nhiều nước phải cử chuyên gia qua học kinh nghiệm: “Gầy giống hải sâm không chỉ giúp bảo tồn loài này trước nguy cơ tuyệt chủng, vừa có ý nghĩa bảo tồn vừa mang lại giá trị kinh tế cao. Đây gần như là loài đặc hữu của Việt Nam, đặc biệt tập trung nhiều ở Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Phú Quốc… nhưng hiện nay tìm bắt hải sâm cát ngoài thiên nhiên rất khó”, Duy khẳng định.
Về quy trình, Duy mô tả khá đơn giản nhưng đằng sau những thông số về nồng độ nước, mật độ con giống, thức ăn cho từng giai đoạn là mười năm trời sống trong tình trạng “làm việc bất kể thời gian, có lúc việc dồn dập thức hôm thức khuya để tính toán, trầm mình trong đìa gần như cả ngày để kiểm tra các yếu tố môi trường, sinh trưởng và phát triển của hải sâm. Sống với hải sâm từ lúc chúng còn được ương trong nhà đến khi ra đìa. Có khi cảm giác lâng lâng vì ra được con giống với tỷ lệ thành công cao nhưng có lúc thẫn thờ khi hải sâm bị chết hàng loạt do kiểm tra lượng nước vô ra không tốt, chọn địa điểm ương giống chưa phù hợp”, Duy chia sẻ.
Vũ Đình Tý, chuyên viên dự án hải sâm, kể: “Có những chuyến khảo sát cùng anh Duy, chẳng hạn ở Đầm Môn tụi tui sống ở đó nhiều ngày trong tình trạng không điện, nước ngọt không đủ tắm. Cứ suốt ngày ngâm mình trong nước biển, đo đạc, gieo con giống... Làm việc cứ như nông dân”. Mà Duy nhận mình là nhà khoa học nông dân thật. Hôm dẫn chúng tôi ra trại giống của RIA3 ở Vạn Ninh, Khánh Hoà đưa khách đi tham quan một vòng, thoáng chốc anh đã ra đìa ngụp lặn. Những cuộc điện thoại của anh, đa số cũng của người dân, họ hỏi đủ chuyện về hải sâm và anh vui vẻ trả lời, bởi: “Nghề của mình là vậy, phải chia cho dân cùng làm, đem lại lợi ích cho họ. Họ ít vốn mà nuôi hải sâm không cần vốn nhiều, thức ăn có sẵn trong tự nhiên. Ngoài ra có thể nuôi ghép hải sâm với ốc hương để cải tạo môi trường, một công đôi việc”.
Còn với đồng nghiệp, đặc biệt là những cán bộ trẻ hay sinh viên thực tập, anh chọn cách chia sẻ với vai trò là người anh hơn là làm thầy dạy họ. Lúc làm việc cũng vậy, anh lăn xả với công việc cùng nhân viên chứ không bao giờ đứng trên bờ chống nạnh. “Thành công của tôi ngoài sự cố gắng của bản thân còn có sự tiếp sức, cộng tác từ các đồng nghiệp. Làm khoa học thì không thể độc tôn, phải chia sẻ và liên tục học hỏi”, Duy thành thật.
(Theo SGTT)