(VOV) - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam- Nguyễn Việt Thắng khẳng định, các ngư trường từ trước tới nay bà con vẫn khai thác là thuộc khu vực Hoàng Sa - vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Quyết định của phía nước bạn Trung Quốc cấm tất cả ngư dân các nghề (trừ nghề lưới rê đơn và câu) vào đánh cá trong vùng biển từ 12 độ vĩ Bắc (tương đương từ Cam Ranh, Khánh Hòa) lên đến đường giới hạn vùng biển giao nhau giữa Quảng Đông và Phúc Kiến (Trung Quốc) và vùng biển phía đông đường phân định trong vịnh Bắc bộ, từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8/2009 đã khiến cho hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân nước ta gặp không ít khó khăn. Thậm chí một số tàu của ngư dân Việt Nam đã bị phía Trung Quốc bắt giữ vì cho là vi phạm lệnh cấm.
Trước tình trạng một số tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Việt Nam bị tàu của phía nước bạn Trung Quốc bắt giữ trong những ngày vừa qua, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cho rằng: Nếu như phía Trung Quốc tính đến và tôn trọng quy tắc ứng xử Biển Đông mà các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc ký trước đây, thì trước khi chính thức thông báo việc này Trung Quốc nên có trách nhiệm tham kiến các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam, để đảm bảo lợi ích không chỉ của Trung Quốc mà còn lợi ích của cả các nước láng giềng, vì thời điểm này đang vào vụ cá Nam, vụ khai thác hải sản lớn nhất trong năm.
Theo Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam Nguyễn Việt Thắng, thực tế thời gian qua, những vùng bà con ngư dân đánh bắt là hợp pháp, vì các ngư trường đó thuộc khu vực Hoàng Sa- vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Hiện nay, Hội nghề cá đang chỉ đạo các chi hội tại các địa phương tiếp tục hướng dẫn bà con bám biển và vươn khơi với mục tiêu: Thứ nhất là ổn định cuộc sống vì đây đang là mùa vụ của ngư trường phía Bắc- vùng biển khai thác truyền thống và quan trọng của ngư dân miền Trung nước ta (Đà Nẵng, Quảng Ngãi...), với sản phẩm mực và cá ngừ đại dương; Thứ hai, để khẳng định chủ quyền lãnh hải của đất nước.
Tuy nhiên, để tránh những rủi ro, ông Nguyễn Việt Thắng, lưu ý bà con một số vấn đề: “Nếu ngư dân hoạt động đánh bắt đúng pháp luật trên vùng biển của chúng ta mà bị bắt giữ vô cớ thì kiên quyết không thực hiện các yêu cầu từ phía Trung Quốc. Tốt nhất khi đánh bắt trên biển, ngư dân cần tổ chức hoạt động theo tổ đội, có sự phối hợp thông tin tốt với nhau: đi đâu, đến đâu, đánh bắt ở khu vực nào là chính, đi và về bao nhiêu ngày. Khi hành nghề trên biển các tàu phải giữ thông tin liên lạc thông suốt với nhau và với các lực lượng chức năng như biên phòng, hải quân, cảnh sát biển và chính quyền địa phương để được hỗ trợ kịp thời”.
Ông Chu Tiến Vĩnh, Cục trưởng Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Bộ NN&PTNT, cũng khẳng định: Bà con ngư dân không có gì phải lo ngại khi ra khơi đánh bắt ở ngư trường phía Bắc. Đây là vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các lực lượng từ hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư sẵn sàng ứng cứu và bảo vệ khi có sự cố xảy ra.
Ông Chu Tiến Vĩnh cho biết thêm: “Nếu họ công bố cấm biển của họ thì chúng ta ủng hộ, nhưng trong tuyên bố họ lại cấm khai thác, đánh bắt từ vĩ tuyến 12 trở lên, tức là đã xâm phạm vào lãnh hải Việt Nam. Bởi vậy, Cục đã chỉ đạo cho các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thông tin đến bà con: vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam quản lý thì bà con cứ khai thác bình thường. Nhưng lưu ý đến vùng giáp ranh, tránh tình trạng sóng to, trôi lưới qua vùng biển của nước bạn. Và phía sau của bà con ngư dân là các lực lượng chức năng như hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư… Bà con cứ yên tâm sản xuất. Hiện nay chúng tôi đang đề nghị các địa phương động viên bà con khai thác theo hình thức tổ đội ở vùng biển xa bờ. Và đặc biệt sẽ có chính sách hỗ trợ bà con hoạt động theo tổ, đội như cung cấp máy liên lạc, máy dò tìm đàn cá…”.
Một điều quan trọng nữa bà con ngư dân cần lưu ý khi bị lực lượng biên phòng nước bạn Trung Quốc bắt giữ, xử phạt vi phạm không đúng thì bà con cần phải xác định được chính xác toạ độ đánh bắt thể hiện trong nhật ký, báo cáo ngay về các đài thông tin duyên hải gần nhất, từ đó báo cho các Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản 28 tỉnh, thành ven biển. Các Chi cục sẽ có trách nhiệm báo lên Cục theo đường dây nóng để phối hợp với các Bộ, ngành khác cùng xử lý. Nếu bà con không có hệ thống định vị để xác định vị trí tọa độ chính xác thì không có cơ sở để chứng minh với phía bạn.
Ngoài ra, Cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng yêu cầu lãnh đạo các Sở NN&PTNT nhắc nhở, hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng những quy định của luật pháp Việt Nam về đánh bắt thủy sản trên biển. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình đánh bắt cá của ngư dân địa phương hoạt động trên các vùng biển Việt Nam và có biện pháp ứng cứu, giúp đỡ ngư dân kịp thời./.
Minh Khánh (Nguồn: VOV)