Mặc dù thời vụ khai thác muộn hơn 2 tháng so với mọi năm, do biến động của ngư trường, nhưng từ cuối tháng 7 đến nay, mật độ cá cơm lại xuất hiện ngày càng dày trên vùng biển phía tây của huyện Lý Sơn. Bình quân mỗi ngày ngư dân địa phương khai thác từ 15-20 tấn cá cơm và được coi là mùa khai thác cá cơm đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.
Đã 9 giờ sáng, nhưng suốt dọc tuyến bờ kè chống sạt lở ven biển dài gần cây số ở xóm Cồn, xã An Vĩnh vẫn đông nghịt người. Hàng trăm tấm bạt được trải sẵn dưới mép nước. Những chiếc thúng chai trĩu nặng nối đuôi nhau cập bờ. Lũ trẻ lau nhau chen chân cùng người lớn kéo lưới ra khỏi thúng và cùng giũ lưới cho cá rơi ra. Những gương mặt rạng rỡ, mải mê ngắm nhìn thành quả lao động của mình và như quên đi cái nắng cuối hè gay gắt.
Anh Lê Tấn Triển, ngư dân ở xã An Vĩnh, hồ hởi: "Chưa bao giờ cá cơm lại được mùa như năm nay. Thúng nào khai thác ít nhất cũng được cả tạ, nhiều thì 5 đến 7 tạ/ngày là chuyện thường. Từ đầu vụ đến giờ gia đình tôi kiếm cũng được hơn chục triệu rồi. Còn nhiều hộ khác có thuyền máy công suất nhỏ, lưới nhiều, thì thu nhập có đến vài ba chục triệu đồng".
Góp chuyện với anh Triển, anh Phạm Ru cho hay: So với các nghề khai thác hải sản khác, nghề cá cơm vốn đầu tư ít nhưng hiệu quả kinh tế lại cao, chỉ cần khoảng 6 đến 10 triệu đồng cũng đủ để sắm 1 chiếc thúng chai, dăm ba quảy lưới là có thể ra khơi hành nghề được rồi.
Nếu năm nào cá cũng nhiều như năm nay thì chỉ sau 1 tháng sẽ thu hồi được vốn. Vì vậy mà có một số người đang làm nghề lưới vây rút chì, nghề khai thác hải sản ngoài khơi xa đã chuyển sang nghề lưới cá cơm. Hơn thế, nghề khai thác cá cơm lại ít kén lao động như các nghề khác vì ngư trường gần bờ, công việc cũng đỡ vất vả, nặng nhọc hơn nên có nhiều ngư dân lớn tuổi cũng có thể tham gia.
Chị Phạm Thị Sương, vừa giúp chồng giũ lưới, vừa kể: Trước đây chồng tôi làm nghề khai thác sắt phế liệu ngoài khơi, chuyến đi kéo dài cả tháng. Mỗi khi nghe trời giông gió, tôi lại lo thót cả tim vì không biết thuyền của chồng mình có sao không. Giờ anh ấy chuyển sang làm nghề lưới cá cơm, thu nhập cũng khá, ngư trường lại gần bờ nên tôi rất yên tâm.
Bà con ngư dân cho biết: Loại cá cơm quế thường xuất hiện trên vùng biển quanh đảo từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch hàng năm. Riêng năm nay mãi đến tháng 4 mới thấy chúng trở lại với mật độ rải rác nên mọi người đều nghĩ là sẽ mất mùa, nhưng từ cuối tháng 6 trở lại đây (tháng 7 dương lịch), cá cơm bắt đầu phủ kín cả một vùng biển phía tây, cách đảo chừng 3-5 km. Nhiều người buông lưới trúng luồng cá nên không thể chở hết bằng thúng mà phải nhờ, hoặc thuê người khác chở giúp cá vào bờ.
Điều đáng mừng đối với ngư dân làm nghề khai thác cá cơm là không chỉ được mùa mà thị trường tiêu thụ các sản phẩm sơ chế từ cá cơm cũng rất ổn định. Hiện nay, sản lượng cá cơm tươi do ngư dân Lý Sơn khai thác mỗi ngày từ 15-20 tấn, đều được các tư thương là người địa phương thu mua ngay tại chỗ với giá từ 2.000đ - 5.000đ/kg, sau đó được ướp muối hoặc phơi khô, rồi vận chuyển vào đất liền tiêu thụ.
Riêng các công đoạn này cũng đã giúp giải quyết việc làm theo thời vụ cho hàng chục lao động nữ, với mức thu nhập khá. Chính vì thế mà nghề khai thác cá cơm được xem là nghề góp phần đem lại hiệu quả thiết thực nhất cho công cuộc xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Không chỉ có vậy, mà người dân Lý Sơn còn hy vọng một ngày nào đó các sản phẩm chế biến từ loại cá cơm quế, sẽ có thương hiệu và được xuất khẩu ra nước ngoài như những năm 1996 - 1997. Nhưng để có được điều này, ngay từ bây giờ ngư dân trong huyện cần chủ động đổi mới công nghệ sơ chế, chế biến, để vừa hạ thấp được chi phí đầu vào, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sản phẩm cá cơm khô ở Lý Sơn chủ yếu là phơi khô ngoài nắng nên chất lượng không cao, màu sắc, mùi vị kém hấp dẫn. Còn việc muối mắm cũng chỉ dừng lại ở việc ướp muối sơ qua và vận chuyển vào bán cho các đại lý trong đất liền, chỉ có một số ít lượng cá tươi được chế biến thành nước mắm tiêu thụ tại chỗ.
Nên chăng ngư dân địa phương cần chủ động trong việc thay đổi quy trình sản xuất cá cơm khô truyền thống bằng công nghệ lò hấp, sấy như ngư dân ở nhiều nơi đã làm, bởi kinh phí đầu tư cho công nghệ này không cao, lại đơn giản, có thể sử dụng cả trong điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi, cá cơm khô lại vừa ngon, hợp vệ sinh, màu sắc lại bắt mắt, đến lúc ấy sản phẩm sẽ có chỗ đứng trên thị trường và giá cả cũng sẽ cao hơn.
Cũng giống như vậy, thay vì vận chuyển cá cơm muối vào đất liền, bà con ngư dân nên mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất nước mắm cá cơm ngay tại địa phương, sau đó mới xuất bán ra thị trường ngoài huyện, từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho loại nước mắm cá cơm nguyên chất chỉ có ở huyện đảo Lý Sơn.
Theo vasep