Nghiên cứu nghề cá thế giới cho thấy sự hứa hẹn và hiểm họa: Trong khi ngành công nghiệp nghề cá đóng góp 240 tỷ đô la Mỹ mỗi năm thì việc khai thác quá mức gây thiệt hại về người và thu nhập

Báo ScienceDaily ra ngày 14 tháng 9 năm 2010 cho biết: theo bốn nghiên cứu mới đây, Nghề cá Thế giới – một nguồn cung thực phẩm và thu nhập quan trọng trên toàn thế giới, đóng góp từ 225 đến 240 tỷ đô la mỗi năm cho nền kinh tế toàn cầu. Các nhà nghiên cứu cũng kết luận rằng nghề cá vững chắc hơn có lẽ sẽ ngăn ngừa được tình trạng suy dinh dưỡng của gần 20 triệu người dân ở các nước nghèo hơn.
Ước tính toàn diện được tổng kết lần đầu tiên này về sự đóng góp của nghề cá cho nền kinh tế thế giới đã được công bố trực tuyến trong 4 báo cáo như một phần trong số đặc biệt của tạp chí “Journal of Bioeconomics”.
Nghiên cứu này được tiến hành bởi Trung tâm Nghề cá của trường đại học British Columbia, với sự hỗ trợ của Nhóm Môi trường Pew, đã lượng hóa giá trị kinh tế - xã hội thủy sản trên thế giới và cũng tính toán sự tổn thất về cả thu nhập và cả nguồn protein đáng tin cậy từ những năm khai thác cá quá mức.
Phó giáo sư Rashid Sumaila, nhà kinh tế học hàng đầu của Trung tâm Nghề cá trường đại học British Columbia đã nói: “Chúng ta biết rằng cá đóng một vai trò sinh thái quan trọng trong môi trường biển, nhưng những nghiên cứu này đánh giá giá trị bên ngoài môi trường biển của chúng. Cho dù các bạn có đang xem xét cá như là một nguồn lợi tài chính hay nguồn cung cấp chất đạm hay không thì nghiên cứu của chúng tôi vẫn chỉ ra rằng những lợi ích của nghề cá vững mạnh có giá trị khổng lồ vượt xa cảng cá”.


Tiến sĩ Sumaila và nhóm nghiên cứu cũng đã phát hiện ra: Khai thác quá mức làm giảm thu nhập. Hàng năm, tổn thất về sản lượng trên toàn thế giới từ việc khai thác quá mức ước tính lên đến 7 - 36% lượng cá thực tế đưa về bờ mỗi năm, gây thiệt hại từ 6,4 – 36 tỷ đô la Mỹ/năm.
Khai thác thủy sản có tác động theo cấp số nhân. Tác động về mặt kinh tế của ngành công nghiệp khai thác thủy sản đến các lĩnh vực liên quan, như: đóng tàu, vận tải quốc tế và cung ứng mồi đánh bắt, ước tính lớn hơn gấp ba lần so với giá trị cá bán lần đầu.
Nghề cá tạo ra các nguồn thu nhập. Trên thế giới, thuỷ sản tự nhiên hàng năm tạo ra hơn 63 tỷ đô la Mỹ cho thu nhập hộ gia đình.
Các hoạt động sử dụng mang tính phi công nghiệp các vùng biển là điều xác thực cho các ngành kinh tế và việc làm. Ngành du lịch giải trí sử dụng các hệ sinh thái biển gồm các hoạt động như lặn thể thao, xem cá voi và câu cá giải trí hàng năm đóng góp 47 tỷ đô la Mỹ cho các nền kinh tế quốc dân trên toàn thế giới và tạo việc làm cho gần 1,1 tỷ lao động.
Một trong bốn báo cáo đã tập trung vào những khoản tiền trợ cấp cho nghề cá toàn cầu, hoặc các khuyến khích tài chính mà các nước hỗ trợ cho ngành công nghiệp khai thác cá của họ, điều này có thể góp phần làm giảm nguồn lợi thủy sản. Các nước phát triển đang sử dụng gấp đôi số tiền thu được từ các nguồn đóng thuế cho trợ cấp thuỷ sản toàn cầu, điều này càng khuyến khích khai thác quá mức hơn là họ sử dụng tiền trợ cấp để bảo vệ các đại dương.
TS. Sumaila nói: “Nhiều nền kinh tế đang chi trả gấp đôi cho việc khai thác quá mức liên tục các đại dương của chúng ta. Trước hết, tiền đóng thuế trực tiếp góp phần giảm thuỷ sản toàn thế giới, và thứ hai, ngư dân và những người thiếu ăn đang bị thiệt hại từ việc nguồn lợi đang bị suy giảm đáng kể. Về mặt kinh tế xã hội, các khoản tiền trợ cấp mà thúc đẩy khai thác quá mức đang gây hại nhiều hơn lợi”.

Nguồn tin: Nguồn tin trên được tái bản (với sự đồng ý của ban biên tập báo ScienceDaily) từ các tài liệu của Trường Đại học British Columbia.

T.T.Liên (dịch)
Nguồn: sciencedaily.com