Những ngày Tết, bạn bè ở xa đến đề nghị tôi làm hướng dẫn viên cho cuộc du lịch "bụi" xuống Đất Mũi. Từ thành phố Cà Mau đón cao tốc đi thẳng đến Đất Mũi chỉ mất hơn 1 tiếng 45 phút với giá 90.000 đồng/người. Sau khi lên chợ xã Đất Mũi, anh xe ôm vừa chở chúng tôi vừa gạ gẫm: "Đi coi người ta bắt nghêu hông?".
Tưởng đây là một tour nằm trong chương trình du lịch Đất Mũi, chúng tôi lắc đầu từ chối vì sợ xe ôm làm tiền. Sau một vòng qua mốc tọa độ quốc gia, vọng hải đài, nhà hàng thủy tạ, mọi người đều bảo ở đây không có tour "săn nghêu". Sau khi vào Xóm Mũi tìm hiểu, chúng tôi mới biết rằng nó là "chương trình"… săn trộm tài nguyên thiên nhiên!
Nghêu tặc thu nhập cao
"Muốn ra bãi nghêu giống, phải thuê đò dọc. Người ta đòi ba trăm rưỡi (350.000 đồng)". Giả vờ chê mắc, anh Bằng - xe ôm bảo sẽ điện thoại hỏi xem có chỗ nào rẻ hơn không. Cuối cùng cũng có chỗ đồng ý với giá 200.000 đồng cho chuyến đi.
Dọc đường đi, chúng tôi cà kê hỏi thăm chuyện bắt nghêu. Thằng Út chạy vỏ ra chiều thông cảm cho những người đang miệt mài cào vét này: "Tết năm nay họ đâu có ăn Tết. Tranh thủ mấy ngày vô con nước, người lớn, con nít kéo nhau ra quần thảo trên bãi nghêu giống. Một ngày con nít làm cũng được hơn trăm. Người làm giỏi có khi được cả triệu đồng".
Công việc cào nghêu cũng đơn giản, mỗi người tay cầm vợt, ấn sâu xuống mặt cát khoảng 1 cm là kéo. Nghêu cùng với các tạp chất chui gọn vào vợt. Chỉ với vài động tác đơn giản là tiền vào như… nghêu giống bãi bồi nên không ít người bỏ nghề chuyển sang cào nghêu.
Theo tìm hiểu được biết, ngày 31/5/2006, UBND tỉnh có Công văn số 1681 về việc sử dụng mặt nước nuôi nghêu, sò huyết tại bãi cát Khai Long với diện tích 2.379 ha. Đến cuối năm 2006, có 3 đơn vị tiến hành nhận đất và sản xuất gồm có: Hợp tác xã Đất Mũi, Câu lạc bộ hưu trí huyện Năm Căn, cán bộ và nhân viên huyện Ngọc Hiển. Tuy nhiên, các đơn vị này đều thua lỗ nên không tiếp tục tổ chức sản xuất.
Cần bảo vệ "mỏ nghêu"
Đến đầu tháng 10/2008, bãi nghêu giống xuất hiện nhưng do các cơ quan chức năng phát hiện chậm, công tác quản lý còn lỏng lẻo nên để xảy ra tình trạng khai thác nghêu bừa bãi như trên. Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo tỉnh, UBND huyện Ngọc Hiển ra Thông báo số 42/TB-UBND ngày 3/12/2008 với nội dung là nghiêm cấm khai thác nghêu giống và giữ nguyên hiện trạng từ Vàm Xoáy đến Rạch Thọ, kể cả các đơn vị nhận đất nuôi nghêu.
Chứng kiến bãi nghêu giống bị tận diệt, chúng tôi không khỏi xót xa. Bảo vệ tốt bãi nghêu giống còn là hoạch định lâu dài hướng phát triển kinh tế cho huyện Ngọc Hiển, góp phần cho công tác xóa đói, giảm nghèo.
Theo chúng tôi, trước mắt cần sử dụng nhiều biện pháp mạnh đồng bộ để lập lại an ninh trật tự ở bãi nghêu giống Đất Mũi. Trong đó, bao gồm cả việc quy trách nhiệm cụ thể và có xử lý nghiêm đối với những cá nhân, đơn vị có sai phạm liên quan đến việc tàn phá vùng nghêu này. Sau đó mới tiến hành các bước tổ chức khai thác và thu hoạch.
Có thể tiến hành đấu thầu lại việc đăng ký sử dụng mặt nước nuôi nghêu, sò huyết. Vì đã qua, cả 3 đơn vị tiến hành nhận đất và sản xuất buông lỏng quản lý, sản xuất, để xảy ra tình trạng khai thác nghêu giống "vô tội vạ".
Khu du lịch Đất Mũi còn khá đơn điệu trong việc đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. Vì thế, việc kết hợp tuor tham quan Đất Mũi với du lịch bãi Khai Long sẽ giúp du lịch Cà Mau thu hút khách hơn.
Có thể tiến hành tour này như sau: Sau khi tham quan Đất Mũi, du khách sẽ được đưa bằng xuồng máy đến Khai Long. Tại Khai Long, ngoài việc tắm biển, du khách còn được trực tiếp bắt nghêu, thưởng thức nghêu thương phẩm do chính mình bắt được.
Phát triển là bảo vệ
Việc quy hoạch ra vùng nghêu thương phẩm và nghêu giống để nuôi là biện pháp mang tính lâu dài và căn cơ để phát triển bãi nghêu Đất Mũi. Việc này có thể học tập mô hình ở tỉnh Bến Tre.
Cũng giống tình cảnh của bãi nghêu Cà Mau, thế nhưng những năm gần đây, Bến Tre đã khai thác có hiệu quả "mỏ nghêu trời cho". Đó là giao cho các hợp tác xã tiến hành quản lý nghêu giống, khai thác và tiêu thụ nghêu thương phẩm.
Có như thế, mô hình hợp tác xã mới được quản lý theo cách thức: quản lý dân chủ - bình đẳng - cùng có lợi. Hiện nay, "mỏ nghêu" đã thành "mỏ ngọc" của người dân Bến Tre.
Tỉnh cũng cần mời các nhà khoa học có ý kiến đánh giá về trữ lượng nghêu, cũng như chất lượng nghêu ở vùng đất này. Từ đó có hướng xây dựng thương hiệu cho nghêu Cà Mau. Để cho nghêu thật sự là nguồn lợi quý báu mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Cà Mau, các biện pháp trên cần được tiến hành nhanh và đồng bộ./.
MINH QUANG (Nguồn vietlinh)