Mới đây, nghề khai thác nghêu của Bến Tre (Việt Nam) đã nhận được chứng nhận của Hội đồng Biển Quốc tế (MSC), trở thành nghề cá đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á đáp ứng được các tiêu chuẩn về sự bền vững và quản lý tốt của tổ chức này. Quá trình xin cấp chứng nhận MSC này đã được Sở NN&PTNT Bến Tre và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đồng tài trợ.
Tỉnh Bến Tre có 65km bờ biển với hơn 4.800 hec-ta rừng ngập mặn. Trong khu vực đa dạng sinh học quan trong này, nghề nghêu chiếm một vai trò kinh tế quan trọng.
Nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata) được thu hoạch bằng tay sử dụng cào sắt nhỏ và túi lưới để lựa chọn kích cỡ nghêu. Nghêu thu hoạch được bán cả ở thị trường nội địa và thị trường quốc tế như châu Âu, Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Đài Loan.
Tại Bến Tre, ngư dân tổ chức khai thác nghêu theo mô hình các hợp tác xã (HTX), được UBND tỉnh Bến Tre, Sở NN&PTNT Bến Tre chỉ đạo, tư vấn và hỗ trợ. Các HTX này quản lý và giám sát chặt chẽ quần thể nghêu bố mẹ cũng như kích thước nghêu khai thác trong khu vực quản lý của mình.
Bà Trần Thị Thu Nga - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết: “Mặc dù sản phẩm nghêu của chúng tôi đã rất quen thuộc với thị trường châu Âu, chúng tôi vẫn tìm kiếm cơ hội để quảng bá sản phẩm của mình tới các thị trường nước ngoài khác. Chứng nhận MSC tạo cho chúng tôi cơ hội quảng bá sản phẩm của mình với nhãn sinh thái MSC tới người tiêu dùng toàn cầu.”
Năm 1997, chính quyền địa phương ở Bến Tre đã thành lập HTX Rạng Đông với mô hình quản lý bởi chính cộng đồng ngư dân. Năm 2007, lợi nhuận của HTX này đã đạt tới con số 40 tỷ đồng (khoảng 2,2 triệu USD), đem lại sự cải thiện lớn về thu nhập cho các xã viên. Hiện nay, đã có tất cả 10 HTX nghêu được thành lập, tạo thành một liên minh các HTX quản lý toàn bộ vùng nghêu Bến Tre.
Ông Rupert Howes - Giám đốc điều hành MSC đã chia sẻ niềm vui với nghề nghêu Bến Tre khi nhận được chứng nhận MSC, và đăch biệt là ông rất vui mừng khi nghe tin chứng nhận đã làm tăng lợi nhuận cho cộng đồng ngư dân, những người sống phụ thuộc vào sự bền vững của nguồn lợi này. Theo ông, đây là một sự kiện lịch sử – nghề cá quy mô nhỏ đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, quản lý dựa vào cộng đồng được nhận chứng nhận MSC. Ông cũng hy vọng sẽ có nhiều nghề cá khác của Việt Nam sẽ thực hiện quy trình đánh giá nghề cá có sự tham gia của một bên thứ ba độc lập như thế này
Cùng chia sẻ với niềm vui này của Bến Tre, chị Nguyễn Thị Diệu Thúy, cán bộ Chương trình thủy sản của WWF-Việt Nam nói: “Chúng tôi rất vui mừng được đóng góp công sức của mình vào chứng nhận MSC đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Một trong các mục tiêu của chúng tôi là hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và duy trì bền vững môi trường tự nhiên. Chứng nhận MSC cho nghề nghêu Bến Tre là một thành công theo hướng này. Quan trọng hơn là mô hình nghề nghêu Bến Tre đã trở thành một mô hình nghề cá bền vững cho cả Việt Nam và các nước trong khu vực”.
“Là nghề cá đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á nhận được chứng nhận MSC, nghề khai thác nghêu Bến Tre đóng một vai trò quan trọng trong việc chứng minh rằng chứng nhận có thể cùng một lúc giúp bảo tồn nguồn lợi, bảo vệ cộng đồng địa phương và tác động tích cực lên các thành phần đầu tiên trong chuỗi lợi nhuận”, bà Meredith Lopuch, Phó giám đốc Chương trình Sáng kiến về hợp tác với các công ty buôn bán thủy hải sản để thúc đẩy việc khai thác bền vững của WWF-Mỹ, nói.
Ông Howes cũng cho biết thêm: “Việt Nam là quốc gia đầu tiên công khai cam kết sử dụng chứng nhận MSC để thúc đẩy việc khai thác bền vững. Ngày hôm nay, kỷ niệm nghề nghêu Bến Tre nhận được chứng nhận MSC cũng chính là ngày đánh dấu thành công của chứng nhận MSC ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng chính là bằng chứng về vai trò tiên phong của Việt Nam trong công cuộc thúc đẩy việc khai thác bền vững ở khu vực này.” Qua đây, ông Howes cũng muốn bày tỏ lời cảm ơn tới WWF về sự hợp tác và hỗ trợ nghề nghêu Bến Tre trong quá trình xin cấp chứng nhận MSC, để nghề nghêu Bến Tre gia nhập tập hợp các nghề cá có chứng nhận MSC dưới sự hỗ trợ của WWF.
Trước đó, Chính phủ Việt Nam và Hội đồng Biển Quốc tế - MSC đã ký một Bản ghi nhớ vào tháng 5 năm 2005 cam kết về việc thúc đẩy khai thác bền vững ở Việt Nam thông qua việc quảng bá chứng nhận MSC. Bản ghi nhớ đầu tiên này có thời hạn 3 năm và đã được ký mới năm 2008.
Gần đây, MSC cũng đã đưa thêm “Khung đánh giá dựa vào rủi ro” cho phương pháp đánh giá nghề cá theo tiêu chuẩn MSC. Khung đánh giá này cho phép các nghề các không đủ số liệu vẫn có thể tham gia vào quy trình đánh giá của MSC.
Nghề nghêu Bến Tre là một trong số các nghề cá được lựa chọn để thí điểm phương pháp đánh giá mới này song song với phương pháp đánh giá thông thường của MSC.
Hội đồng Biển Quốc tế - MSC (www.msc.org) là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế, nhằm khuyến khích các giải pháp khắc phục tình trạng khai thác thuỷ sản quá mức. MSC chỉ cung cấp chứng chỉ và thực hiện chương trình dán nhãn sinh thái cho các sản phẩm thuỷ sản đánh bắt ngoài tự nhiên, phù hợp với Bộ quy tắc Thực hành tốt về các Tiêu chuẩn Môi trường và Xã hội của ISEAL và các hướng dẫn của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) về cấp chứng chỉ thuỷ sản. Hiện nay, đã có hơn 150 nghề cá tham gia chương trình MSC trong đó 59 nghề cá đã được cấp chứng chỉ, hơn 100 nghề cá đã được đánh giá toàn diện, khoảng 40 đến 50 nghề cá đang trong quá trình đánh giá sơ bộ bí mật. Trên thế giới, hiện có hơn 3,000 sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ các nghề cá có chứng chỉ bền vững, với nhãn sinh thái màu xanh của MSC. Là một phần trong các hoạt động về khai thác thủy sản bền vững, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) áp dụng quy trình cung cấp chứng chỉ MSC nhằm tạo động cơ khuyến khích việc cải thiện các hoạt động đánh bắt thủy sản trên thế giới theo hướng bền vững và đưa ra một phương hướng đúng đắn cho việc khai thác thuỷ sản thông qua các quy trình cấp chứng chỉ MSC. Năm nay, MSC sẽ kỷ niệm 10 năm thành lập kể từ lần đầu tiên các nghề khai thác thuỷ sản tham gia đánh giá MSC. |