Tháng 5/2009, xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục giảm sút cả về khối lượng lẫn giá trị. Trong đó, khối lượng xuất khẩu đạt 13.531 tấn, giảm 1,7% và giá trị đạt trên 109,5 triệu USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 5 liên tiếp xuất khẩu tôm giữ mức tăng trưởng âm.
Tuy nhiên, một dấu hiệu có chút khả quan, mức sụt giảm về khối lượng xuất khẩu trong tháng 5/2009 ít hơn so với các tháng trước đó.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay thì không chỉ có Việt Nam, mà hầu hết các nước xuất khẩu tôm chính trên thế giới như Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, hay Ấn Độ đều lâm vào tình trạng sụt giảm xuất khẩu.
Theo báo cáo của FIS, 4 tháng đầu năm nay, tổng xuất khẩu tôm sú và tôm chân trắng của Trung Quốc giảm 19% về lượng đạt 53.474 tấn và 9% về giá trị còn 314,9 triệu USD. Thái Lan dự kiến xuất khẩu tôm năm nay chỉ đạt khoảng 396.000 tấn, giảm mạnh so với 495.000 tấn năm 2008. Xuất khẩu tôm của Inđônêxia và Ấn Độ năm nay chắc chắn cũng sẽ giảm bởi họ không chỉ phải đối mặt với nhu cầu và thị trường thu hẹp do khủng hoảng tài chính mà còn phải đương đầu với sản lượng tôm suy giảm do dịch bệnh và bão lũ.
Trước vô vàn khó khăn từ tình hình sản xuất trong nước cũng như những thách thức và rào cản từ thị trường thế giới, các nước xuất khẩu tôm chính đã tìm mọi cách để duy trì và ổn định sản xuất cũng như xuất khẩu.
Tháng 4/2009 vừa qua, đại diện của 4 nước sản xuất tôm chính gồm Hiệp hội Chế biến và Tiếp thị Sản phẩm Thuỷ sản Trung Quốc (CAPPMA), Hiệp hội Tôm Thái Lan (TSA), Uỷ ban Tôm của Hiệp hội Thuỷ sản Inđônêxia (ISBC) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã cùng nhau ký một thoả thuận hợp tác tại Trạm Giang, Trung Quốc với mục tiêu đảm bảo duy trì tình trạng tốt và sự phát triển ổn định của ngành công nghiệp tôm.
Trong khi đó, Liên minh Tôm ASEAN (ASA) - được thành lập năm 2007 với đại diện chính là Việt Nam, Thái Lan và Inđônêxia đang thành lập một cơ quan chứng nhận khu vực nhằm giám sát chất lượng tôm xuất khẩu của các nước thành viên, giúp hạn chế hoặc giảm bớt lệnh cấm hay những rào cản khác từ các nước và tổ chức nhập khẩu áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe.
Với nhiều nỗ lực từ các nước xuất khẩu tôm và nền kinh tế của nhiều nước nhập khẩu chính như Mỹ, Nhật đang dần hồi phục, triển vọng cho thấy tình hình xuất khẩu tôm sẽ dần được cải thiện trong nửa cuối của năm 2009.
Nguyễn Thị Bích (Nguồn vasep)