Ngành tôm Thái Lan vẫn rất thành công ngay cả trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Sản lượng tôm của nước này dự kiến tăng 5% lên 520.000 tấn vào năm 2010 và xuất khẩu cũng sẽ tăng khoảng 5% lên 380.000 – 390.000 tấn, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan Somsak Paneetatyasai cho biết.

Ngành tôm Thái Lan gần như không mấy bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mặc dù khoảng 90% sản lượng tôm của nước này dành cho xuất khẩu. “Hồi đầu năm, chúng tôi đã lên kế hoạch cắt giảm sản lượng thêm 20%, chỉ còn 396.000 tấn nhằm đáp ứng nhu cầu có chiều hướng đi xuống do khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, cho đến bây giờ tiêu thụ tôm trên thế giới vẫn cao”. Ông Somsak Paneetatyasai nhận định.

Thái Lan dự kiến sẽ thu về khoảng 89,25 tỉ baht (2,67 tỉ USD) từ xuất khẩu tôm vào năm nay, tăng 5% so với 86 tỉ baht (2,54 tỉ USD) năm 2008. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu số một của tôm Thái Lan, chiếm khoảng 50 - 55% tổng xuất khẩu. Nhật Bản và EU đứng tiếp sau, chiếm 10 – 15% thị phần.

Năng suất và chất lượng của tôm Thái Lan là yếu tố chính giúp sản phẩm tôm của nước này ngày càng phổ biến trên thế giới. Tôm là sản phẩm thuỷ sản nuôi duy nhất của Thái Lan đạt mức tăng trưởng xuất khẩu kỷ lục sau 8 tháng đầu năm 2009. Xuất khẩu tôm chế biến đông lạnh của nước này tăng 6,5% đạt 1,53 tỉ USD.

Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng đang chịu sức ép phải giải quyết nhiều khó khăn của ngành và đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững.

Hiện nay chính phủ Thái Lan đang nỗ lực giải quyết một số khó khăn của ngành và đảm bảo xuất khẩu tăng trưởng bền vững. Một số trở ngại mà ngành tôm nước này đang phải đối mặt chính là thuế chống bán phá giá do Mỹ áp đặt và các báo cáo của Mỹ về tình trạng lạm dụng lao động trẻ em trong ngành chế biến tôm của nước này. Ngoài ra, chính phủ cũng cố gắng duy trì tỉ giá đồng baht sao cho có lợi cho xuất khẩu và mở rộng thị trường mới. Năm 2008, sản lượng tôm của Thái Lan đạt 495.000 tấn

(Theo FIS, vasep)