(ĐCSVN)- Trong đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa năm nay, có Tiến sỹ Nguyễn Việt Thắng, Thứ trưởng Bộ Thủy Sản. Ngay tại đảo Đá Tây, nơi có công trình nuôi trồng thủy sản do Bộ Thủy sản quản lý, phóng viên Báo Điện tử ĐCSVN đã có cuộc trao đổi với đ/c Thứ trưởng xung quanh vấn đề phát triển kinh tế biển.

PV: Xin đồng chí cho biết tác dụng của việc xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây và quá trình xây dựng cơ sở này?

Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng: Đây là công việc mà Chính phủ giao cho Bộ Thủy sản tiếp tục đầu tư, quản lý và khai thác sau khi Bộ Giao thông Vận tải đã đầu tư ở đây khoảng 100 tỷ để làm khu dịch vụ hậu cần nói chung cho cả ngành Giao thông và Thủy sản. Qua thực tế nhận thấy nếu công trình này giao cho Bộ Thủy sản thì hợp lý hơn vì ở đây ngư dân rất đông. Vì vậy Bộ Thủy sản đã tiếp quản đề án và tiếp tục xây dựng nhằm mục đích cùng với Hải quân quản lý để có một nơi cho ngư dân có thể tập trung lại khi cần thiết trên vùng biển này. Với nghề đánh bắt xa bờ, nếu thiếu khu dịch vụ hậu cần trên biển, bà con phải đi về đất liền rất xa. Vì vậy Chính phủ quyết tâm đầu tư vào đây. Mục tiêu là cung ứng dầu, cung ứng nước ngọt, sửa chữa bề mặt boong, tạo nơi neo đậu để bà con trú sóng gió khi bão tố vì khu dịch vụ này nằm một trong những vùng được gọi là trung tâm của bão.

Mục tiêu chung là như thế, có dịch vụ hậu cần nghề cá, có cung ứng dầu, có nước, có sửa chữa và tiến tới là phải có thu mua, có trữ, chứa để tạo ra một nơi thu mua sản phẩm tập trung như điểm cập bờ và nơi cư trú cho bà con ngư dân.

Quá trình đầu tư cơ bản đã xong từ cuối năm 2004 và hiện nay cơ sở này đã tạo điều kiện để bà con đến đây trú đậu khi đánh bắt ở xung quanh. Đồng thời ở đây cũng đã cung cấp được dịch vụ nước ngọt cho bà con, và thỉnh thoảng cũng có sửa chữa. Tuy nhiên còn một vấn đề quan trọng để bà con đến thường xuyên hơn, để khai thác khu dịch vụ này có  hiệu quả hơn là phải cung cấp được dầu cho bà con đánh bắt ở vùng biển quanh khu vực Đá Tây, đồng thời sửa chữa cho bà con khi tàu hư hỏng lớn và quan trọng hơn nữa là phải làm nhiệm vụ đầu ra cho bà con. Đây là điều chúng tôi chưa làm được.

PV: Sắp tới Bộ Thủy sản có hướng như thế nào để khai thác, tận dụng và phát huy những lợi thế mà chúng ta đã có được bước đầu?

Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng: Bộ Thủy sản đã giao nhiệm vụ công ích này cho Tổng Công ty dịch vụ Biển Đông. Việc thực hiện nhiệm vụ này gắn liền với việc đưa các sản phẩm dịch vụ ra biển Đông. Hai cái này lại liên quan đến rất nhiều chi phí khác ảnh hưởng đến giá thành. Chúng tôi đã đề nghị và Chính phủ đã có một chính sách hỗ trợ cho những người đi đánh cá xa bờ, trong đó có hỗ trợ về tiền dầu. Việc thứ hai là tiếp tục đẩy mạnh bao tiêu  sản phẩm của bà con ngư dân, giúp bà con ngư dân yên tâm trút sản phẩm ngay trên biển xong rồi lại  tiếp tục đi đánh bắt. Muốn làm được điều này phải có thêm một cơ sở nữa. Chúng tôi đang bàn thêm với Hải quân để hỗ trợ cùng tạo điều kiện có thể khắc phục. Tuy nhiên để phát huy hiệu quả của cơ sở ở đảo Đá Tây này, còn cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi đã cùng với lực lượng Hải quân thống nhất để Công ty 129 đầu tư thêm dịch vụ nuôi cá lồng trên biển. Tức là khai thác cơ sở này ở góc độ phát triển nghề nuôi cá, tạo ra một mô hình mới, một địa điểm nữa cho bà con tổ chức sản xuất thêm, thể hiện và khẳng định sự hiện diện của ngư dân trên biển. Trung tâm dịch vụ nghề cá đảo Đá Tây đang tổ chức nuôi thử nghiệm hai loại cá có giá trị kinh tế cao là cá ngựa và cá mú. Đến tháng 3-2007, ở đây chúng tôi đã thả được 12.000 cá ngựa và 9.000 cá mú giống. Như đồng chí vừa thấy, cả hai loại cá này đang phát triển rất tốt. Tôi cho rằng phối hợp lại các yếu tố như tôi nói: chính sách về dầu; chính sách thu mua, thu gom cá để bảo đảm chất lượng, tổ chức dịch vụ và tổ chức nuôi tại biển…là cơ sở để chúng ta vừa phát triển kinh tế, vừa khai thác sử dụng đại dương cho hiệu quả.

Cá ngựa nuôi thử nghiệm ở đảo

Đá Tây

PV: Thưa đồng chí, Nghị quyết Trung ương 4 về chiến lược biển đã có định hướng “phát triển kinh tế biển gắn liền với quản lý vùng trời, bảo vệ biển, đảo”. Bộ Thủy sản đã có những biện pháp như thế nào để triển khai thực hiện nhiệm vụ này?

Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng: Phải nói rằng   Đảng ta đã nhìn nhận sáng suốt trong vấn đề này. Quá trình xây dựng chiến lược biển, Chính phủ đã giao cho các cơ quan có trách nhiệm triển khai từ lâu. Vừa qua Nghị quyết trung ương 4 về vấn đề này đã ra đời. Như vậy rõ ràng trước khi ra Nghị quyết này thì chúng tôi đã có một quá trình chuẩn bị về phát triển tổng thể ngành thủy sản nói chung, trong đó có chương trình đánh bắt hải sản. Trong chương trình đánh bắt hải sản có nội dung  quan trọng nhất là đánh cá xa bờ. Ngoài việc đánh bắt xa bờ thì phải chuẩn bị những căn cứ khoa học, những cơ sở để tiến xa hơn nữa ra đại dương. Nhiệm vụ hiện nay là cố gắng tổ chức lại việc đánh bắt thủy hải sản, các tổ đội đánh bắt làm sao để có hiệu quả hơn. Rồi một việc cũng rất cần thiết  là tổ chức lại các âu thuyền, các nơi neo đậu để sao cho phát huy tác dụng hơn. Các tổ đội đánh bắt cùng nhau, rủ nhau khai thác tài nguyên biển trên những vùng biển, những khi gặp rủi ro trên biển thì có thể hỗ trợ nhau tối đa. Nếu có những vấn đề tình huống trên biển thì những tổ, đội này cũng là những đơn vị cùng với các đồng chí Hải quân khẳng định chủ quyền và bảo vệ tài nguyên trên biển. Hiện nay việc tổ chức lại các tổ, đội đánh cá phải đảm bảo hai yêu cầu, vừa mang tính củng cố, nâng cao những gì đã và sẽ thực hiện để phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ an ninh trên biển.

Thứ hai, trong quá trình thực hiện đó, các công việc cần thiết để tiến hành cho tốt đã được Chính phủ quan tâm. Cụ thể, là Chính phủ đã có Quyết định 47 đánh giá lại tài nguyên, rồi giao Bộ Thủy sản nghiên cứu, lập kế hoạch dự báo về ngư trường. Mặt khác, bên cạnh những kinh nghiệm của ngư dân, cũng cần nghiên cứu giúp bà con cải tiến ngư lưới cụ ra sao để những nghề, những ngành có thể đánh bắt trúng mùa vụ, đạt kết quả cao, như vậy phải hướng dẫn ngư dân nắm được những vùng biển nào, mùa nào thì tập trung các tàu đánh bắt về vùng biển nào…. Tuy nhiên để cho toàn bộ trên 7000 tàu đánh bắt xa bờ phát huy thật hiệu quả thì vẫn còn khó khăn. Dĩ nhiên thực tế hiện nay rất nhiều địa phương đã thực hiện được ý tưởng này như Đà Nẵng, Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau…Các nơi này đã tổ chức được đánh bắt gần bờ rồi ra xa bờ 100 hải lý, 200 hải lý, và có lúc là 400 – 600 hải lý…Trong quá trình tập trung cho khai thác, nuôi trồng, đánh bắt xa bờ, Bộ cũng đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng với các đồng chí bộ đội Hải quân để có kế hoạch chủ động bảo vệ tài nguyên , bảo vệ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc thật tốt.

T.T Nguyễn Việt Thắng trao đổi

với P.V Báo ĐTĐCSVN

PV: Xin đồng chí cho biết, sau chuyến đi này, từ góc độ quản lý ngành, đồng chí sẽ có những đề xuất, kiến nghị và hành động cụ thể như thế nào để chúng ta vừa khai thác tốt ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa vừa bảo vệ tốt chủ quyền biển đảo ?

Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng: Đây là một chuyến đi thực tế nhằm củng cố và rút ra những kinh nghiệm thực tế. Tất cả những vấn đề mà chúng ta đang nói ở đây sẽ giúp cho Chính phủ, Bộ Thủy sản cũng như các đồng chí Hải quân, lãnh đạo các ngành các cấp, những đầu mối để tổ chức phối hợp cho tốt hơn. Cụ thể là hàng năm Bộ Thủy sản chúng tôi cùng với Hải quân sẽ tổ chức những chuyến đi như thế này để có sự tích lũy, có đánh giá thực tiễn. Làm sao để vừa phát triển mạnh cả khai thác, chế biến sản phẩm từ biển, phát triển các ngành dịch vụ biển, bảo vệ tốt môi trường biển vừa quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán vùng biển, thềm lục địa hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các quần đảo, đảo khác thuộc chủ quyền của nước ta; vừa là khai thác và phát huy tối đa những gì chúng ta có thể làm  nhằm phát triển năng động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa kinh tế biển sau những định hướng của Nghị quyết của Trung ương Đảng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

(Thy Huệ thực hiện), www.cpv.org.vn