Dù các tàu cá đã được cải hoán nâng công suất lớn hơn so với trước, nhưng phần lớn chỉ từ 90-300 Cv, lớn nhất cũng chỉ 500 Cv. So với tàu cá Trung Quốc công suất hàng ngàn Cv thì "chẳng là gì".
Khoảng 1 tháng trở lại đây, bất chấp hành động quấy rối, những thiệt hại do phía Trung Quốc gây ra, ngư dân Quảng Ngãi, mà đặc biệt là huyện Lý Sơn và xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, vẫn đưa phương tiện ra đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa.

 
Theo chính quyền Lý Sơn, mỗi ngày có đến vài chục tàu đánh cá của ngư dân địa phương hoạt động ở khu vực Hoàng Sa.

Để đối phó, hạn chế rủi ro, ngư dân trong tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động đề ra khá nhiều cách để đối phó, như: Liên kết thành các tổ, đội, nhóm; thường xuyên liên lạc với nhau để thông báo tình hình khi phát hiện tàu lạ; tăng cường cảnh giác… nhất là khi ra đánh bắt ở những khu vực tranh chấp, vùng mà tàu Trung Quốc hay xuất hiện.
 
  Tàu của ngư dân Bình Châu đang rời bến ra khơi
Tàu của ngư dân Bình Châu đang rời bến ra khơi


Thế nhưng theo lời của các ngư dân, những biện pháp đó mang lại hiệu quả không nhiều. Bởi lẽ tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi trong mấy năm gần đây, tuy đã được cải hoán nâng công suất lớn hơn so với trước, nhưng phần lớn chỉ từ 90-300 Cv, lớn nhất cũng chỉ 500 Cv.

"Với công suất như thế thì chẳng là so với tàu cá của Trung Quốc với hàng ngàn Cv, chứ nói gì đến tàu hải giám, tàu chiến của họ. Vì vậy mỗi khi bị phía Trung Quốc truy đuổi, tàu của ngư dân khó lòng mà chạy thoát được. Đó là chưa nói đến bọn họ còn dùng cả súng để khống chế", chủ tàu Lê Văn Sanh (45 tuổi), ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, cho biết.

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành một số chính sách như: hỗ trợ gạo, tiền… cho ngư dân bị tàu lạ tấn công, tịch thu tài sản. Thế nhưng, ngoài việc phải đáp ứng và thực hiện khá nhiều thủ tục, số tiền hỗ trợ cho các chủ tàu bị nạn, tịch thu tài sản không nhiều. Vì thế không ít trường hợp tàu bị Trung Quốc tịch thu tài sản, ngư dân chỉ gọi về nhà hoặc cho bạn bè để than vãn, mà không báo với chính quyền và cơ quan chức năng huyện, tỉnh.

Ngày 6/5, tàu cá mang số hiệu QNg 66369 Ts, do ngư dân Huỳnh Công Nhiệm ở xã An Hải, huyện Lý Sơn làm thuyền trưởng, bị Trung Quốc khống chế và lấy đi gần như toàn bộ ngư dụng cụ, nhiên liệu…Thế nhưng khi được hỏi, lãnh đạo chính quyền sở tại lắc đầu, cho biết: Chưa nghe tin.

Một trường hợp khác là tàu cá QNg 90 019 Ts, của ngư dân Võ Đào, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, bị Trung Quốc tịch thu tài sản, trị giá trên 240 triệu đồng vào đầu tháng 5 vừa qua, nhưng vẫn không báo chính quyền.

Trong lần làm việc gần đây, một đại diện lãnh đạo BCH Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi cho rằng: Các cấp ngành của tỉnh, TW cần có nhiều chính sách  hơn để khuyến khích cho những trường hợp đưa phương tiện ra đánh bắt tại Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời hỗ trợ tương xứng đối với những trường hợp bị phía Trung Quốc tịch thu tài sản trái phép, để ngư dân an tâm bám biển.

H.V.T