Lô hàng không được xuất nếu chủ hàng mua thủy sản của các tàu cá đánh bắt trái phép.

“Ngày 1-1-2010, quy định của Liên minh châu Âu (EU) về chống đánh bắt cá bất hợp pháp sẽ có hiệu lực thi hành. Quy định này nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp của nước xuất khẩu thủy sản. Theo thống kê, thị trường EU chiếm hơn 26% kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam. Nếu không đáp ứng theo yêu cầu này của EU thì chúng ta có thể mất thị trường”.

Ông Lê Trần Nguyễn Hùng, Phó Giám đốc dự án tăng cường quản lý khai thác thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), cho biết như trên.

Cấp chứng nhận thế nào?

. Thưa ông, nội dung cơ bản của quy chế này là gì?

+ Quy chế này chỉ áp dụng riêng cho các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường EU. Để được xuất khẩu vào thị trường này, các chủ hàng phải được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận. Giấy chứng nhận chỉ được cấp khi lô hàng thủy sản của chủ hàng được đánh bắt hợp pháp. Các lô hàng thủy sản được xét cấp giấy chứng nhận gồm các loại hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác, sản phẩm thủy sản nhập khẩu để chế biến.

. Thưa ông, cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận?

+ Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN&PTNT) có trách nhiệm kiểm tra, cấp loại giấy này.

. Trong trường hợp nào thì lô hàng sẽ không được cấp giấy, thưa ông?

+ Chủ hàng không được cấp giấy chứng nhận khi thu gom thủy sản của các tàu cá có những hành vi sau:

- Tự ý đánh bắt khi không được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Không ghi nhật ký, báo cáo khai thác theo quy định. Nếu tàu sử dụng hệ thống giám sát qua vệ tinh thì phải cung cấp đầy đủ dữ liệu được truyền từ vệ tinh đến tàu cá.

- Đánh bắt trong những vùng cấm khai thác vào thời gian cấm. Đánh bắt các loài cấm khai thác, cá nhỏ quá cỡ.

- Sử dụng ngư cụ bị cấm hoặc không đúng quy định.

- Cản trở công việc kiểm tra của người có thẩm quyền. Che giấu, giả mạo, hủy chứng cứ liên quan.

- Hỗ trợ, hợp tác, tiếp ứng cho các tàu đã bị đưa vào danh sách tàu đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định của Việt Nam, khu vực và quốc tế.

Khó đáp ứng được tiêu chuẩn

. Thủ tục cấp giấy chứng nhận cho các chủ hàng ra sao?

+ Với các sản phẩm đánh bắt, chủ hàng được cấp giấy chứng nhận không quá hai ngày sau khi nộp tờ khai, giấy xác nhận thông tin của từng chủ tàu (đã có xác nhận của cán bộ kiểm tra) ở Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Với các sản phẩm chế biến từ thủy sản khai thác, nhập khẩu, thời gian cấp giấy chứng nhận không quá ba ngày. Hồ sơ gồm: Tờ khai cấp chứng nhận sản phẩm khai thác thủy sản nhập khẩu để chế biến; giấy chứng nhận thủy sản khai thác của những lô hàng mà chủ hàng đã nhập khẩu để chế biến thành sản phẩm đó.

. Để được cấp giấy chứng nhận, các chủ tàu cá có trách nhiệm gì, thưa ông?

+ Trước khi ra khơi đánh bắt, các chủ tàu sẽ xin giấy xác nhận thông tin tại cơ quan chức năng, tự điền các thông tin về các loại thủy sản mình khai thác được theo mẫu xác nhận. Mỗi mẫu chỉ được sử dụng cho một tàu trong một chuyến đi biển. Sau khi đi đánh bắt về, chủ tàu sẽ nộp hồ sơ tại cảng nơi tàu đăng ký bốc dỡ sản phẩm. Cán bộ sẽ trực tiếp xuống tàu kiểm tra, xác nhận.

. Gần hai tháng nữa thì quy định của EU có hiệu lực. Hiện các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng của quy chế này có khó khăn gì trong quá trình triển khai không, thưa ông?

+ Đến thời điểm quy định của EU có hiệu lực, hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam khó đáp ứng được tiêu chuẩn trên. Trên thực tế, nhiều tàu cá thường xuyên di chuyển nên khó truy ra nguồn gốc thủy sản.

Chúng ta đang đàm phán, kiến nghị với EU việc trước mắt Việt Nam sẽ xác nhận việc đánh bắt hợp pháp của khoảng 17 ngàn tàu thuyền đánh bắt xa bờ có công suất trên 90 sức ngựa. Sau đó mới áp dụng với những tàu thuyền nhỏ, đánh bắt gần bờ.

Nguồn: Báo Thương mại