Mực và bạch tuộc là một trong những sản phẩm có đóng góp rất lớn cho sức tăng trưởng xuất khẩu chung của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm qua.
Bên cạnh các mặt hàng xuất khẩu có giá trị lớn là tôm và cá, mực và bạch tuộc cũng là một trong những sản phẩm có đóng góp rất lớn cho sức tăng trưởng xuất khẩu chung của thủy sản Việt Nam trong nhiều năm qua.
Từ năm 2004 đến nay, mặc dù sản lượng đánh bắt vẫn chưa thể thoả mãn công suất chế biến của phần lớn các nhà máy, nhưng thực tế nguồn lợi này đã cải thiện hơn nhiều, tạo nguồn nguyên lợi đáng kể cho chế biến phục vụ xuất khẩu các sản phẩm mực và bạch tuộc đông lạnh, mực khô và mực tẩm gia vị.
Xuất khẩu nhuyễn thể chân đầu của nước ta chủ yếu gồm các loài chính là mực ống, mực nang và bạch tuộc.
Từ năm 1997-2002, xuất khẩu mặt hàng này tiến triển khá tốt và ổn định, thị trường tiêu thụ đều tương đối thuận lợi nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan bên cạnh một số thị trường khác.
Giai đoạn 2002-2003, xuất khẩu mực và bạch tuộc đông lạnh giảm khá mạnh, khoảng -20% do ảnh hưởng lớn trước sự sa sút về sản lượng khai thác và nguồn lợi tự nhiên.
Từ năm 2004 đến nay, xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trưởng khá tốt, thị trường được mở rộng hơn, bên cạnh các thị trường Châu Á truyền thống, mựcvà bạch tuộc đã vươn sang các thị trường Châu Âu, trong đó chứng kiến sức tăng điển hình trên thị trường Italia, tiếp đó là Tây Ban Nha.
Hiện nay so với các mặt hàng khác, xuất khẩu mực và bạch tuộc luôn đạt mức tăng trưởng khá cao, khoảng gần 37%/tháng, chỉ đứng sau mức “bùng nổ” của mặt hàng cá tra, basa.
10 tháng đầu năm 2007, xuất khẩu mực và bạch tuộc đạt trên 67,7 nghìn tấn, trị giá 231 triệu USD, tăng 21% về khối lượng và 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2006, chiếm 7,7% tổng giá trị XKTS của nước ta.
Thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Nhật Bản, tiếp đến là EU và Hàn Quốc. Các sản phẩm được tiêu thụ mạnh nhất gồm mực cắt khoanh, mực nang sashimi, mực cắt quả thông, bạch tuộc xếp hoa vv…
Theo đánh giá của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, thị trường thế giới hiện nay đang khá thuận lợi cho mặt hàng này, nhất là ở Châu Âu. Do nguồn nguyên liệu chỉ xuất phát từ một nguồn duy nhất là đánh bắt vì vậy đây cũng là một lợi thế khiến mặt hàng giữ được giá tương đối ổn định.
Từ năm 2004 đến nay, giá xuất khẩu sản phẩm mực và bạch tuộc của nước ta có xu hướng tăng nhẹ. Mức đơn giá trung bình đạt được cao nhất là trên thị trường Nhật Bản (4-5USD/kg), tiếp đến là EU (2,5-3USD/kg) và thấp hơn là Hàn Quốc (dưới 2,5USD/kg).
Mặc dù năm 2007đạt mức tăng trưởng XK hàng tháng cao nhưng đây cũng là năm XK mực và bạch tuộc gặp nhiều khó khăn nhất. Cuối năm 2006 đầu năm 2007, Nhật Bản tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm nhập khẩu (hạ mức giới hạn dư lượng hoá chất và kháng sinh) khiến nhiều lô hàng bị từ chối. Hầu hết doanh nghiệp phải tập trung nhiều công sức và tài chính để kiểm soát nguyên liệu đầu vào, tuyên truyền và giáo dục ngư dân trong việc bảo quản sản lượng sau đánh bắt. Hiện nay tình hình đã được cải thiện hơn rất nhiều. Tuy nhiên, vấn đề này tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu và lâu dài của các doanh nghiệp trong ngành hàng. Bởi chất lượng đã trở thành tiêu chí hàng đầu của các nước nhập khẩu.
Nguồn vasep