1. mở đầu
Cá hải quỳ hoặc cá khoang cổ là nhóm cá thuộc họ Pomacentridae và phân họ Amphiprioninae. Trên thế giới hiện nay có khoảng 29 loài đã được phân loại, trong đó có 1 loài thuộc giống Premnas, còn lại là giống Pomacentridae. Phụ thuộc vào từng loài, cá hải quỳ có màu sắc và kích thước khác nhau, loài cá hải quỳ thường có màu vàng, da cam, hồng hoặc có hơi đen. Trên cơ thể thường có các vạch hoặc những khoang màu trắng. Chiều dài lớn nhất 18cm và nhỏ nhất 10cm. Tại Việt Nam xác định có 7 loài, trong đó 6 loài xác định được tên và một loài chưa xác định, toàn bộ cá hải quỳ phân bố tại Việt Nam đều thuộc giống Pomacentridae. Cá hải quỳ là nhóm cá có kích thước nhỏ nhưng có màu sắc rất đẹp, do vậy chúng có giá trị cao trên thị trường cá cảnh. Hiện nay, nguồn lợi cá hải quỳ trong tự nhiên rất ít, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước rất cao. áp lực khai thác ngày càng cao làm cho các loài có nguy cơ biến mất khỏi tự nhiên. Do vậy, sinh sản nhân tạo là giải pháp hiệu quả đáp ứng nhu cầu hiện tại và yêu cầu bảo tồn đa dạng loài cá biển.
2. Một số đặc điểm sinh học
2.1. Phân loại học
Lớp: Actinopterygii
Bộ: Ferciformes
Họ: Pomacentridae
Phân họ: Amphiprioninae
Giống: Amphiprion Block&Schneider, 1801;
Premnas Cuvier, 1816
Danh mục thành phần loài cá hải quỳ trên thế giới (* loài phân bố tại Việt Nam)
STT | Tên khoa học | Tên tiếng Anh |
1 | Amphiprion akallopisos Bleeker, 1853 | Skunk anemonefish |
2 | Amphiprion akindynos Allen, 1972 | Barrier reef anemonefish |
3 | Amphiprion allardi Klausewitz, 1970 | Twobar anemonefish |
4 | Amphiprion barberi Allen, Drew&Kaufman, 2008 | Barber’s anemonefish |
5 | Amphiprion bicinctus Rỹppell, 1830 | Twoband anemonefish |
6 | Amphiprion chagosensis Allen, 1972 | Chagos anemonefish |
7 | Amphiprion chrysogaster Cuvier, 1830 | Mauritian anemonefish |
8 | Amphiprion chrysopterus Cuvier, 1830 | Orangefin anemonefish |
9 | Amphiprion clarkii (Bennett, 1830)* | Yellowtail anemonefish |
10 | Amphiprion ephippium (Bloch, 1790) | Saddle anemonefish |
11 | Amphiprion frenatus Brevoort, 1856* | Tomato anemonefish |
12 | Amphiprion fuscocaudatus Allen, 1972 | Seychelles anemonefish |
13 | Amphiprion latezonatus Waite, 1900 | Wide-band anemonefish |
14 | Amphiprion latifasciatusAllen, 1972 | Madagascar anemonefish |
15 | Amphiprion leucokranos Allen, 1973 | Whitebonnet anemonefish |
16 | Amphiprion mccullochi Whitley, 1929 | Whitesnout anemonefish |
17 | Amphiprion melanopus Bleeker, 1852* | Fire anemonefish |
18 | Amphiprion nigripes Regan, 1908 | Maldive anemonefish |
19 | Amphiprion ocellaris Cuvier, 1830 | Clown anemonefish |
20 | Amphiprion omanensis Allen & Mee, 1991 | Oman anemonefish |
21 | Amphiprion percula (Lacepède, 1802) | Orange anemonefish |
22 | Amphiprion perideraion Bleeker, 1855* | Pink anemonefish |
23 | Amphiprion polygymnus (Linnaeus, 1758)* | Saddleback anemonefish |
24 | Amphiprion rubrocinctus Richardson, 1842 | Red anemonefish |
25 | Amphiprion sandaracinos Allen, 1972* | Yellow anemonefish |
26 | Amphiprion sebae Bleeker, 1853 | Sebae anemonefish |
27 | Amphiprion thiellei Burgess, 1981 | Thielle's anemonefish |
28 | Amphiprion tricinctus Schultz&Welander, 1953 | Maroon anemonefish |
29 | Premnas biaculeatus (Bloch, 1790) | Spinecheek anemonefish |
2.2. Phân bố sinh thái của cá hải quỳ
Cá hải quỳ phân bố ở những vùng nước ấm như ấn Độ Dương và Thái Bình Dương bao gồm cả Great Barrier Reef và Biển Đỏ, hầu hết loài cá hải quỳ có vùng phân bố hẹp. Đối tác cộng sinh và cũng là nơi để cá hải quỳ sinh trưởng và phát triển là loài hải quỳ Entacmaea quadricolor. Cá hải quỳ ăn các vật chất mà hải quỳ không hấp thụ hoặc thải ra, có khi còn có hại cho hải quỳ. Ngược lại, hải quỳ lại ăn các hạt vật chất do cá hải quỳ thải ra.
Trong các loài cá, duy nhất loài cá hải quỳ và loài cá Damselfish là có khả năng vô hiệu hoá độc tính do hải quỳ tiết ra. Trong tự nhiên, cá hải quỳ sống thành nhóm nhỏ kết hợp cùng với một loài hải quỳ duy nhất. Một nhóm chỉ gồm 2 hoặc 3 cá thể và chúng tạo thành một cặp đôi cùng sinh trưởng, phát triển và sinh sản. Khi cặp đôi đạt đến kích thước sinh sản thì trong cặp đôi đó con có kích thước nhỏ luôn là con đực và con có kích thước lớn hơn là con cái. Khi con cái chết thì con đực cặp đôi với một con cái khác hoặc con đực khác, khi đó một trong hai con đực có khả năng chuyển đổi thành con cái và làm nhiệm vụ sinh trứng. Bởi vì, cá hải quỳ là loài lưỡng tính đực trước, toàn bộ cá con được sinh ra là cá đực do hormone sinh dục đực phát triển trước hormone sinh dục cái. Điều này trái ngược với những cấu tạo lưỡng tính của các loài cá khác mà chúng ta đã biết như cá song, chúng phát triển tuyến sinh dục cái trước và sau đó mới chuyển thành giới tính đực.
2.3. Vòng đời và những biến đổi trong quá trình phát triển
Trong quá trình phát triển của loài cá hải quỳ có những thay đổi khác nhau giữa các giai đoạn. Giai đoạn nhỏ và giai đoạn trưởng thành có những khác biệt về màu sắc bên ngoài cũng như hình thành các sọc hoặc các khoang mầu trên cơ thể. Các khoang màu này trong giai đoạn đầu không có, cũng có khi giai đoạn đầu có nhưng giai đoạn trưởng thành lại biến mất.
|
|
Hình 1. Vòng đời cá hải quỳ | Hình 2. Sự phát triển các giai đoạn |
2.4. Tập tính ăn
Cá hải quỳ là loài cá ăn tạp, trong tự nhiên chúng ăn các loại thức ăn tươi sống như tảo, thực vật phù du, nhuyễn thể, giáp xác và trong tình trạng bị nuôi nhốt thì chúng có khả năng ăn các loại thức ăn như: Các loại thức ăn tươi sống (chúng ăn trực tiếp các loại như: rotifer, artemia, zooplanton…); ăn các loại cá, tôm được băn nhỏ vừa với kích thước miệng. Khi đạt kích thước lớn hơn chúng có thể ăn các loại thức ăn viên.
2.5. Sinh sản
Cá hải quỳ luôn sống chung với loài hải quỳ, đến mùa sinh sản thì chúng thường cặp thành đôi và tiến hành giao phối. Trước khi sinh sản thì con đực sẽ lựa chọn và chuẩn bị nơi cho cá cái đẻ trứng. Trong tự nhiên, cá hải quỳ thường làm tổ ở những nơi có số lượng hải quỳ đủ lớn để bảo vệ trứng. Khi con đực chuẩn bị xong nơi đẻ thì con cái tiến hành đẻ trứng, con đực tiến hành thụ tinh ngay phía sau. Tuỳ thuộc vào từng loài, kích thước và màu sắc của trứng khác nhau. Trứng có hình dạng viên thuốc “con nhộng”. Trứng của loài cá hải quỳ là loại trứng dính, do vậy khi cá cái đẻ trứng dính vào các bề mặt trống của các vật thể dưới nền đáy. Sau khi thụ tinh cho trứng thì con đực làm nhiệm vụ chăm sóc trứng, con đực dùng vây ngực để quạt tạo ra dòng nước chảy qua trứng, con đực sẽ loại bỏ các quả trứng không được thụ tinh hoặc là bị hư hại do tác nhân khác (ví dụ: nấm). Phụ thuộc vào nhiệt độ của môi trường nước, thời gian ấp nở trung bình 6-8 ngày. Giai đoạn sống trôi nổi của ấu trùng kéo dài 8 -12 ngày, sau đó chúng chuyển xuống sống đáy và chọn các đám hải quỳ làm nơi sinh trưởng và phát triển.
3. Kỹ thuật sinh sản cá hải quỳ
3.1. Chuẩn bị bể đẻ
Bể đẻ sử dụng cho sinh sản cá hải quỳ càng lớn càng tốt và không nhỏ hơn 100 lít. Nên chuẩn bị các bể có kích thước 90x45x45cm. Bể được lắp đặt hệ thống sục khí tạo ra dòng tuần hoàn. Trong bể đặt các hòn đá cuội, đáy bể là lớp cát để tạo ra môi trường sống tự nhiên của chúng. ánh sáng sử dụng trong trại sinh sản là ánh áng tự nhiên (500-1000lux). Trong tự nhiên, các loài cá hải quỳ luôn sống trong các đám hải quỳ, tuy nhiên trong các bể sinh sản không cần thiết phải có các cây hải quỳ sinh sống trong các bể đẻ. Trứng của cá hải quỳ là loại trứng dính nên chúng thường dính trên các vật bám như mảnh gốm, vỏ sò, tảng đá và thậm chí là thành bể. Do vậy, trong các bể sinh sản, chúng ta phải chuẩn bị các giá thể cho trứng bám (sử dụng các mảnh sứ, gốm, vở sò, tấm lợp proximăng… đã được khử trùng), các vật thể này có kích thước vừa phải để chúng ta có thể dễ dàng di chuyển sang các bể ấp (1 ngày trước khi nở).
Hình 3. Chuẩn bị bể cho cá bố mẹ sinh sản
Công việc chuẩn bị phải thực hiện trước ít nhất là 15 - 30ngày trước khi đưa cá bố mẹ vào nuôi, nước sử dụng trong bể sinh sản là nước biển 28-35ppt, pH 8-8,5 được xử lý bằng Chlorine với nồng độ 20 -30ppm.
3.2. Lựa chọn cá bố mẹ và thả cá vào bể đẻ
Có nhiều cách lựa chọn cặp cá bố mẹ:
- Mua cá bắt ngoài tự nhiên
- Mua từ trang trại nuôi cá
- Mua một nhóm cá có ít nhất 3 con
- Mua hai con cá có kích thước khác nhau
- Ương nuôi một nhóm lớn trong bể có hải quỳ và chọn cá bố mẹ.
Tuy nhiên trong điều kiện có thể thì nên chọn cặp bố mẹ có nguồn gốc tự nhiên hoặc từ các trang trại lớn. Bởi vì, các cặp cá bố mẹ bắt được từ tự nhiên hoặc là từ các trang trại lớn thì quá trình thành thục và sinh sản sẽ nhanh hơn.
Hình 4. Cá bố mẹ trong bể nuôi đẻ
3.3. Thức ăn dùng nuôi vỗ cá bố mẹ
Có thể nói, đây là khâu quan trọng quyết định đến quá trình phát triển và hình thành tuyến sinh dục của loài. Nếu kích thước thức ăn không phù hợp hoặc thức ăn không đủ dinh dưỡng cho cá phát triển thì cơ quan sinh dục của chúng có thể không phát triển, có phát triển nhưng đẻ ra trứng không nở. Nếu chất lượng trứng kém thì chúng ta có cố gắng như thế nào đi chăng nữa cũng vô ích. Thức ăn sử dụng cho nuôi vỗ cá bố mẹ bao gồm:
|
|
Hình 5. Khẩu phần ăn cá bố mẹ/ngày | Hình 6. Cho cá ăn 2 lần/ngày |
3.4 . Sinh sản và ấp trứng
Hình 7. Cá đẻ trứng dính trên giá thể
Cá đực sẽ chuẩn bị tổ cho cá cái đẻ, khoảng thời gian giữa 2 lần đẻ chỉ cách nhau 12 – 15 ngày và chúng sinh sản quanh năm từ tháng 1 cho tới tháng 12. Dấu hiệu rõ nhất cho biết chúng sắp sinh sản là sự xuất hiện ống sinh sản ở cả cá đực và cái. Quá trình sinh sản bắt đầu khi cá cái và cá đực bơi cùng nhau. Cá cái đẻ trứng và con đực thụ tinh. Quá trình này diễn ra từ 1 – 2 giờ. Hình dạng trứng có hình viên thuốc con nhộng với kích thước 2-3x1mm, số lượng trứng dao động từ 100 – 2000 trứng/cá thể. Trứng sau khi đẻ mất khoảng 6 – 8 ngày ấp ở nhiệt độ 26 – 280C, trứng thường nở vào ban đêm. Trước khi nở một ngày, trên trứng xuất hiện một vòng tròn màu bạc quanh mắt, đây cũng chính là thời gian tốt nhất để di chuyển trứng sang bể ấp hay bể ương có dung tích khoảng 500 lít. Nếu để ấu trùng nở trong bể cá bố mẹ, sáng hôm sau ấu trùng nở ra cá bố mẹ tưởng là con mồi và chúng sẽ ăn hết. Một kỹ thuật cũng cần lưu ý là: khi di chuyển trứng luôn phải ngâm trứng trong nước.
Hình 8. Quá trình phát triển phôi
3.5. Bể ương ấu trùng
ấu trùng cá hải quỳ có thể ương nuôi trong nhiều loại bể có kích thước khác nhau. Tuy nhiên, bể tuần hoàn nên có dung tích khoảng 500 lít để ương nuôi từ 0 – 20 ngày tuổi, khu vực đặt bể ương nuôi được đặt tại khu vực độc lập, cách li với các khu vực khác. Trong bể chỉ sử dụng đá khí và thay nước. Sau 20 ngày chuyển sang ương tại bể ximăng khoảng 4000 lít cho đến tận khi đạt kích thước thương mại. Khi ương ấu trùng chỉ sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Hình 9. Bể ấp trứng trước khi nở
3.6. Thức ăn và cho ăn khi ương ấu trùng
Từ ngày thứ 1 cho tới ngày thứ 10 sử dụng thức ăn là rotifer với mật độ 3-5 rotifer/ml trong suốt thời gian này. Từ ngày thứ 7 - 40 sử dụng thức ăn artemia cường hoá với mật độ 3-10 cá thể/ml. Thức ăn nhân tạo bắt đầu cho ăn từ ngày thứ 30 với các kích thước khác nhau (200,400,600,1500àm) cho ăn 3-4 lần/ngày và cho ăn xen kẽ hỗn hợp tôm băm nhỏ đến khi đạt kích thước thương mại (2 – 2,5cm).
4. Nhận xét
Cá hải quỳ là loài có giá trị cao, thị trường tiêu thụ rộng, chính vì vậy sinh sản nhân tạo cá hải quỳ sẽ cho lợi nhuận cao. Với kỹ thuật sinh sản nhân tạo đơn giản không có các tác động của các loại hormone, trong đó chỉ có kỹ thuật chăm sóc, tạo các điều kiện tương tự ngoài tự nhiên là chúng có thể sinh sản bình thường. Do vậy, có thể áp dụng hoàn toàn thành công với điều kiện Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1. Đào Duy Thu và ctv, 2008. Đánh giá nguồn lợi cá rạn san hô ở một vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển. Báo cáo tổng kết khoa học kỹ thuật đề tài “Đánh giá nguồn lợi cá rạn san hô ở một vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển và một số loài hải sản có giá trị kinh tế cao ở dốc thềm lục địa Việt Nam, đề xuất các giải pháp sử dụng bền vững Nguồn lợi”. Tài liệu lưu trữ Viện Nghiên cứu Hải sản.
2. Samart Detsathit, 2009. Breeding and culturing of marine ornametal fish, Krabi Coastal Fisheries Research and Development Center, Krabi, Thailand.
Nguyễn Chiến Thắng - Phòng Nghiên cứu Bảo tồn biển - Viện Nghiên cứu Hải sản