Viện Nghiên cứu Hải sản đã xây dựng và thực hiện mô hình nuôi cua biển bằng lồng bè (mỗi cá thể được nuôi trong một ô lồng) trong 6 năm (2003 - 2008). Bước đầu đã đạt được một số thành công, xây dựng được quy trình nuôi cua biển bằng ô lồng.

Lồng nuôi cua thiết kế theo kiểu lồng của Thái Lan, có 2 loại: lồng vuông nhỏ để nuôi cua bột thành cua giống, lồng to khối hình hộp chữ nhật để nuôi cua thương phẩm, cua lột và cua gạch. Nuôi cua bột thành cua giống: tỷ lệ sống hơn 85%, cỡ chiều dài mai trung bình 1- 4 cm, trọng lượng trung bình 8,5 - 10 g/con. Nuôi cua thương phẩm: tỷ lệ sống đạt 65,25%, trọng lượng trung bình 200 - 250 g/con, tối đa đạt 400 g/con. Đối với nuôi cua lột, tỷ lệ sống đạt > 95%, với nuôi cua gạch, tỷ lệ sống đạt 100%.

Theo đánh giá của các nhà khoa học và ngư dân, mô hình này dễ áp dụng và bước đầu đã đem lại hiệu quả hơn so với việc nuôi cua biển theo phương pháp truyền thống trước đây. Ưu điểm của mô hình này là chỉ cần diện tích vừa phải, dễ chăm sóc và quản lý, năng suất đạt cao, kích cỡ sản phẩm thu hoạch khá đồng đều, kiểm soát được chất lượng sản phẩm, chủ động trong việc thu tỉa và tổng thu. Tuy nhiên, mô hình này yêu cầu vốn đầu tư và kỹ thuật cao.

Hình thức nuôi này có thể thực hiện được ở quy mô hộ gia đình, có khả năng nhân rộng cho các địa phương, không chỉ nuôi cua bằng ô lồng mà còn có thể ứng dụng cho nhiều đối tượng khác như nhuyễn thể, ghẹ xanh, cá cảnh... Mô hình được áp dụng ở Hải Phòng, Thái Bình và các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Năm 2008, Viện đã chuyển giao công nghệ cho một số địa phương như Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Thanh Hoá... đã và đang được người dân áp dụng thành công, góp phần phát triển nuôi biển ở nước ta.

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, 22/04/2009, thiennhien.net