Quảng Tiến là một xã ven biển Sầm Sơn, giao thông đi lại thuận tiện, ngành nghề chính là nghề cá và cấy lúa. Tiềm năng đất đai và lao động của Quảng Tiến không thiếu nhưng nhìn chung cuộc sống của bà con nông ngư dân vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những hộ làm nông. Xã ven biển này hiện có tới 424 hộ nghèo và 391 hộ cận nghèo, chiếm tới hơn 20% tổng số hộ trong xã. Qua khảo sát thực tế, Trung tâm khuyến nông Thanh Hóa nhận thấy, Quảng Tiến có nhiều ao hồ, nguồn thức ăn từ cá con dồi dào, rất phù hợp để phát triển nuôi cá lóc. Đầu năm 2009, mô hình nuôi các lóc thương phẩm đã được triển khai ở 10 hộ nông dân nghèo, số lượng hơn 11 ngàn con cá giống.
Nguồn cá lóc giống được Trung tâm khuyến nông di ương từ các tỉnh phía Nam ở dạng cá hương. Sau đó được ương nuôi đạt tiêu chuẩn rồi mới thả xuống ao nuôi cho các hộ.
Với bà con làm nông xã Quảng Tiến, con cá lóc hay cá chuối chỉ là loại cá của sông hồ, đồng ruộng. Trước đây, nếu lỡ chúng vào ao là phải tìm cách đánh bắt, triệt hạ để bảo vệ cá con trôi, mè, trắm chép. Chưa bao giờ cá lóc được xem là đối tượng nuôi.
Bởi vậy, công tác tập huấn, tham quan học tập đã được Trung tâm khuyến nông chú trọng và triển khai ngay từ đầu, giúp bà con thay đổi quan niệm về loại cá có thể đem lại lợi nhuận hơn nhiều so với đối tượng cá nuôi truyền thống.
Cá lóc là loại ăn mồi tươi sống, môi trường nước cần đảm bảo trong sạch, không tù đọng. Do đó, Trung tâm khuyến nông thường xuyên cử cán bộ khuyến ngư xuống bám sát địa bàn, giúp bà con thực hiện đúng quy trình quản lý ao nuôi, từ cho ăn đến thay nước, xử lý nước, mục tiêu vừa đảm bảo được số lượng vừa đạt được tốc độ sinh trưởng nhanh nhất.
Đến nay sau 4 tháng triển khai, mô hình đã được nghiệm thu, tổng kết và được đánh giá là một mô hình có hiệu quả cao đối với địa phương Quảng Tiến trong những năm gần đây.
Gia đình ông Lê Văn Hện là một hộ nghèo của xã. Nhà ông có 5 nhân khẩu, vợ đi chợ, chồng ở nhà chăn nuôi. Diện tích ao vườn nhà ông tuy rộng, nhưng nhiều năm qua ông Hện cứ loay hoay tìm đối tượng con nuôi phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Sau khi được chọn tham gia mô hình, được tập huấn kỹ thuật, ông Hện đã thực hiện tốt các khâu từ chăm sóc quản lý đàn cá trong ao đến việc phòng trị bệnh cho cá. Ngoài những kiến thức được tập huấn, trong quá trình làm, ông Hện còn tự rút được nhiều kinh nghiệm hay, truyền đạt cho nhiều hộ khác làm theo. Nhờ đó, sau khi kết thúc dự án, gia đình ông đã có được một nguồn thu đáng kể. Và cái được lớn nhất theo ông Hện đó là vốn kiến thức kỹ thuật nuôi cá lóc, một đối tượng nuôi vốn hoàn toàn xa lạ. Đồng thời chuyện làm ăn của gia đình ông cũng được nâng cao hơn trước nhờ cách làm có bài bản, kế hoạch.
Qua nghiệm thu, tổng kết mô hình cho thấy 10 hộ tham gia đều cho sản lượng từ 4 - 5 tạ cá/ 300m2, với giá bán hiện nay từ 40 – 45.000 đồng/kg thì sau 4 tháng nuôi, mỗi hộ thu về từ 18 đến 25 triệu đồng, trừ chi phí lãi ròng là trên 15 triệu đồng. Đây là mức thu nhập từ nuôi cá nước ngọt mà lâu nay những hộ nghèo ở xã Quảng Tiến này chưa bao giờ có được.
Mô hình nuôi cá lóc không chỉ góp phần nâng cao mức sống cho dân nghèo ở xã Quảng Tiến bằng chính cái nghề họ đang có trong tay mà về lâu dài còn trang bị cho họ vốn kiến thức khoa học kỹ thuật, phương thức sản xuất hiệu quả. Khi kết thúc dự án, những hộ dân này có thêm một nghề mới trong tay, vững tin đầu tư sản xuất. Cũng thông qua mô hình nuôi cá lóc thương phẩm này, dự án khoa học công nghệ nông nghiệp còn giúp cho chính quyền địa phương các xã ven biển có được định hướng cụ thể trong việc xoá đói giảm nghèo cho nông dân, nông thôn.
Hiệu quả của mô hình nuôi cá lóc thuộc dự án khoa học công nghệ nông nghiệp Thanh Hoá do Trung tâm khuyến nông triển khai ở xã Quảng Tiến cho thấy, để nguồn vốn đầu tư cho nông dân, nhất là người nghèo có hiệu quả, thì vấn đề tìm hiểu điều kiện, thế mạnh của địa phương, hiểu rõ được nguyện vọng của dân, nhu cầu của thị trường là rất quan trọng. Bà con nông dân các địa phương ven sông, biển có điều kiện về ao hồ, đầm, dồi dào nguồn thức ăn từ phụ phẩm của nghề chài lưới có thể học tập và nhân rộng mô hình nuôi cá lóc thương phẩm ở xã Quảng Tiến.
Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia, 24/08/2009