Phạm Văn Tuyển
1. MỞ ĐẦU
Đăng kiểm tàu cá là việc thực hiện kiểm tra an toàn kỹ thuật từ khi thiết kế, đóng mới và sử dụng nhằm đảm bảo tàu cá hoạt động an toàn trong các điều kiện nhất định. Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 sức ngựa trở lên hoặc không lắp máy có chiều dài đường nước thiết kế từ 15 mét trở lên thuộc diện phải đăng kiểm.
Tàu cá ở các tỉnh ven biển Vịnh Bắc Bộ có kích thước nhỏ, đóng theo kinh nghiệm dân gian và vật liệu vỏ tàu rất đa dạng. Đa phần, máy tàu là máy cũ và chất lượng chỉ còn khoảng từ 70-80%. Tàu thường hoạt động trong phạm vi rộng...vv. Vì vậy, công tác đăng kiểm cần đánh giá đúng tình trạng chất lượng của tàu nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản là rất cần thiết.
Bài viết này, xin trình bày một số đánh giá thực trạng công tác đăng kiểm và đề xuất giải pháp nhằm đánh giá đúng chất lượng, tình trạng kỹ thuật của tàu cá.
2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Thu thập tài liệu
- Tập hợp và phân tích các dữ liệu về quản lý tàu cá của các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
- Luật Thuỷ sản, Nghị định, Quyết định, Thông tư…liên quan đến đăng kiểm tàu cá hiện hành.
- Các báo cáo thực trạng công tác đăng kiểm tàu cá và đề xuất giải pháp ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ.
- Ý kiến đóng góp, thảo luận của các chuyên gia.
2.2. Điều tra, thu thập số liệu
- Phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh ven biển; để các cơ quan này cử các cán bộ trực tiếp quản lý cơ sở dự liệu tàu cá của địa phương trực tiếp tham gia vào việc điều tra.
- Tập trung rà soát các hồ sơ tài liệu về đăng kiểm tàu cá đã có của các cơ quan quản lý tàu cá.
- Hội thảo, đánh giá về thực trạng công tác đăng kiểm tàu cá tại các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
2.3. Sử dụng phương pháp chuyên gia
Xin ý kiến chuyên gia về các chỉ số đã và đang được áp dụng trong công tác đăng kiểm tàu cá, phương pháp đánh giá hoạt động đăng kiểm tàu cá.
2.4. Xử lý số liệu
- Trên cơ sở các số liệu được rà soát; lập báo cáo thống kê và phân tích đánh giá số lượng và chất lượng tàu cá tại các địa phương.
- Tổng hợp các thông tin từ hội thảo tại các địa phương chưa đưa vào quản lý và đề xuất giải pháp nhằm tăng chất lượng tàu cá.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Tàu cá thuộc diện đăng kiểm
Tàu cá thuộc diện đăng kiểm chia theo ba nhóm công suất từ 20-<50cv; 50-<90cv và ≥90cv. Kết quả điều tra, tàu cá ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ được trình bày chi tiết ở bảng 1 như sau:
Kết quả bảng 1 cho thấy:
- Tàu cá ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ đã được đăng ký gồm có 39.511 chiếc; tàu cá thuộc diện đăng kiểm là 12.067 chiếc, chiếm từ 21-53% tổng số tàu cá các tỉnh và chiếm 31% tổng số tàu trong toàn vùng. Tàu cá thuộc diện đăng kiểm cao nhất ở Quảng Ninh là 2.890 chiếc và thấp nhất ở Ninh Bình là 30 chiếc.
- Tàu cá thuộc diện đăng kiểm tập trung ở nhóm tàu có công suất 20-<50cv là 6.552 chiếc, chiếm 54%; nhóm tàu có công suất ≥90cv là 2.878 chiếc, chiếm 24% và nhóm tàu có công suất 50-<90cv là 2.637 chiếc, chiếm 22% tổng số tàu thuộc diện đăng kiểm của các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ.
3.2. Nhân lực thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá
Nhân lực thực hiện công tác đăng kiểm tàu cá là đăng kiểm viên tàu cá các chuyên ngành: khai thác; máy tàu; vỏ tàu và hàng hải. Kết quả điều tra, đăng kiểm viên tàu cá của các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được trình bày chi tiết ở bảng 2 như sau:
Kết quả bảng 2 cho thấy:
- Đăng kiểm viên tàu cá có từ 3-9 người ở các Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Đăng kiểm viên tàu cá cao nhất Quảng Ninh và thấp nhất ở Thái Bình, Ninh Bình.
- Đăng kiểm viên tàu cá với chuyên môn khai thác có 26 người, chiếm 51%; máy tàu có 16 người, chiếm 31%; vỏ tàu có 6 người, chiếm 12% và hàng hải có 3 người, chiếm 6% tổng số đăng kiểm viên ở các tỉnh ven biển vịnh Bắc Bộ. Đăng kiểm viên tàu cá có chuyên môn về vỏ tàu chỉ có từ 1-2 người và thậm chí không có như ở: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Đăng kiểm viên tàu cá có chuyên môn hàng hải chỉ có ở tỉnh Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh.
- Hàng năm, mỗi đăng kiểm viên tàu cá kiểm tra an toàn kỹ thuật từ 10-390 chiếc và trung bình toàn vùng là 227chiếc. Tàu cá cần đăng kiểm hàng năm với số lượng lớn như ở Hà Tĩnh, Quảng Ninh và Hải Phòng. Cạnh đó, một số đăng kiểm viên tàu cá phải kiêm nhiệm. Do đó, chất lượng kiểm tra an toàn kỹ thuật của tàu đôi khi mang tính hình thức.
3.3. Một số đánh giá công tác đăng kiểm tàu cá
Công tác đăng kiểm tàu cá dựa trên căn cứ pháp lý như: Luật thuỷ sản số 17/2003/QH11; Nghị định số 66/2005/NĐ-CP; Thông tư số 02/2007/TT-BTS; Nghị định số 59/2005/NĐ-CP; Thông tư số 02/2006/TT-BTS; Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN; Quyết định số 05/2006/QĐ-BTS; Quyết định số 31/2007/QĐ/BTC …vv. Trong đó, Quyết định 96/2007/QĐ-BNN và Thông tư số 02/2007/TT-BTS đã đưa ra một số quy phạm pháp luật về đăng kiểm tàu cá mới so với các văn bản trước đây, cụ thể là:
- Các loại hình kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá: quy phạm này nhằm cụ thể hoá các tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các loại hình đăng kiểm phải thực hiện đối với tàu cá.
- Hồ sơ thiết kế tàu cá: quy phạm này cụ thể hóa các hồ sơ thiết kế tàu cá áp dụng cho từng cỡ loại tàu nhằm phù hợp với điều kiện thực tế của sản xuất nghề cá.
- Đóng mới tàu cá: quy phạm này nhằm đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với các tàu đóng mới, cải hoán.
- Hình thức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, hồ sơ đăng kiểm cấp cho tàu cá, nhằm quy định cụ thể trình tự, hình thức kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá cũng như hồ sơ cấp cho tàu sau khi đã hoàn tất đăng kiểm.
- Quy định trách nhiệm Đăng kiểm viên và người đứng đầu cơ quan đăng kiểm tàu cá nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ đăng kiểm trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
Như vậy, việc đưa ra các quy phạm trên và các hoạt động cụ thể của các đơn vị cùng với một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của các cơ quan đăng kiểm tàu cá địa phương. Công tác đăng kiểm tàu cá đã có bước chuyển biến nhất định, cụ thể là:
- Năm 2008, tàu cá được đưa vào kiểm tra an toàn kỹ thuật đạt trên 95% tổng số tàu thuộc diện đăng kiểm trong cả nước. Con số này đã vượt xa chỉ tiêu mà ngành đặt đến năm 2010, phấn đấu 85% tàu cá được đăng kiểm hàng năm và thực hiện việc đăng kiểm tàu cá cho toàn bộ các tàu cá tại địa phương trước mùa mưa bão. Đảm bảo các tàu cá hoạt động trên biển đều có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và có đủ các trang bị an toàn tối thiểu theo quy định.
- Đến tháng 11/2009, tàu cá thuộc diện đăng kiểm ở các tỉnh ven biển Vịnh Bắc Bộ có 12.067 chiếc, chiếm tỷ lệ trung bình 31% tàu cá trong vùng. Trong đó, tàu cá được đăng kiểm theo hạn đạt tỷ lệ 100% tổng số tàu cá thuộc diện kiểm tra an toàn kỹ thuật và gia hạn hoạt động.
Bên cạnh mặt đạt được về số lượng tàu đưa vào đăng kiểm đúng hạn thì công tác đăng kiểm tàu cá đang có một số tồn tại, vướng mắc như:
- Công tác quản lý kỹ thuật đối với các tàu cá chưa được quan tâm. Do vậy, khó có thể đánh giá được tình trạng chất lượng, diễn biến về an toàn kỹ thuật và tuổi thọ của từng tàu cá cũng như của đội tàu cá.
- Đối với những tàu cá được kiểm tra an toàn kỹ thuật, việc kiểm tra cũng mang nặng tính chất làm thủ tục để hợp thức hóa hoạt động của tàu mà chưa coi trọng đến các quy trình kiểm tra theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành.
- Hầu hết, các tàu cá đều được đóng theo kinh nghiệm dân gian, mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước về công tác đăng kiểm tàu cá đã có những quy định cụ thể về hồ sơ kỹ thuật, song việc triển khai chưa được thực hiện nghiêm túc tại nhiều địa phương.
- Việc giám sát kỹ thuật đóng mới tàu cá tại các địa phương chưa được thực hiện theo các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, đặc biệt là các khâu thử nghiệm trước khi xuất xưởng thường không được thực hiện.
- Việc đánh giá chất lượng các trang thiết bị an toàn trên tàu chưa được làm chặt chẽ, việc trang bị các thiết bị an toàn trên một số tàu vẫn mang tính chất hình thức. Các trang thiết bị khai thác và một số trang thiết bị đòi hỏi nghiêm ngặt về an toàn cũng chưa được coi trọng đúng mức khi kiểm tra an toàn kỹ thuật.
- Sự hạn chế về năng lực trình độ và nhận thức của ngư dân cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, đến khả năng an toàn của tàu cá.
Với các tồn tại trên làm cho việc quản lý chất lượng và tình trạng kỹ thuật của tàu cá chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, hầu hết tàu cá đều chưa có kết luận mang tính kỹ thuật và sự đảm bảo của cơ quan đăng kiểm tàu cá.
4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
4.1. Kết luận
Tàu cá đăng kiểm theo hạn đạt tỷ lệ 100% tổng số tàu cá thuộc diện kiểm tra an toàn kỹ thuật và gia hạn hoạt động.
Đội ngũ đăng kiểm viên tàu cá thiếu, chất lượng còn hạn chế và chuyên môn chưa đồng đều.
Hệ thống văn bản hướng dẫn về công tác đăng kiểm tàu cá đã được bổ sung, song vẫn còn có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn.
4.2. Đề xuất
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Thủy sản và những văn bản hướng dẫn có nội dung liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm tàu cá phù hợp với thực tiễn và đặc tính của tàu cá.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghiệp vụ đăng kiểm viên tàu cá thông qua các hình thức đào tạo nội bộ cũng như huy động sự tham gia của các trường, các cơ quan có liên quan.
Nghiên cứu xây dựng quy chuẩn đóng tàu đáp ứng yêu cầu về chất lượng và có cơ sở kiểm tra an toàn kỹ thuật cho từng cỡ loại tàu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật thuỷ sản số 17/2003/QH11 Quốc Hội khoá 11, kỳ họp thứ tư thông qua.
2. Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ về đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản.
3. Thông tư số 02/2007/TT-BTS ngày 13/7/2007 của Bộ Thuỷ sản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 66/2005/NĐ-CP.
4. Quyết định số 96/2007/QĐ-BNN ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ NN&PT Nông thôn về việc ban hành Quy chế Đăng kiểm tàu cá.
5. Đặng Quang Huy (2009), Báo cáo chuyên đề: “Đánh giá tác động của Luật Thuỷ sản tới quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hoạt động thuỷ sản”, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.
6. Nguyễn Phi Toàn (2010), Báo cáo tổng kết dự án: “Điều tra thực trạng và giải pháp đăng ký, đăng kiểm và quản lý tàu cá Việt Nam”, Viện Nghiên cứu Hải sản.
Người phản biện: ThS. Nguyễn Văn Kháng