Một số lượng lớn dụng cụ đánh cá thất lạc trên biển hoặc bị ngư dân bỏ quên đang gây hại đến môi trường biển, đặt các tàu thuyền trên biển vào tình trạng nguy hiểm, ảnh hưởng đến nguồn cá thông qua cái được gọi là “đánh cá ma”. Đây là lời cảnh báo được đưa ra trong một báo cáo mới của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) và Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) trong Hội nghị Đại dương Thế giới diễn ra tại Manado, Indonesia từ 11 đến 15 tháng 05/2009.

Tình hình đã ở mức báo động

Theo báo cáo, tình trạng dụng cụ đánh cá bị bỏ quên, thất lạc hay cố tình vứt bỏ (ALDFG) đang ngày càng xâm hại đến môi trường biển do quy mô hoạt động đánh cá trên thế giới tăng đồng thời với việc đưa vào sử dụng các dụng cụ đánh cá bằng sợi tổng hợp có độ bền cao.

Bản báo cáo ước tính khối lượng dụng cụ đánh cá bị thất lạc, mất hay vứt bỏ trên đại dương chiếm đến 10% (640 000 tấn) lượng rác thải trên biển. Dưới biển, vận tải thương mại là nguồn thải chủ yếu loại rác này, trên bờ chúng cũng chiếm phần lớn lượng rác ở các vùng ven biển.

Hầu hết dụng cụ đánh cá trôi dạt trên biển không phải do bị vứt bỏ mà do thất lạc trong bão to, sóng cả hoặc do “xung đột dụng cụ”, ví dụ như dùng lưới đánh cá trong những vùng có đặt bẫy dưới biển làm cho lưới bị vướng lại.

Các dụng cụ đánh cá bị bỏ quên hoặc thất lạc trên biển sẽ tiếp tục đánh đánh bắt cá - còn gọi là “đánh cá ma” - và những loài khác như rùa, chim biển và những loại động vật biển có vú khác. Hiện tượng này làm biến đổi môi trường đáy biển, gây nguy cơ tai nạn đường biển và hư hỏng tàu thuyền.

Các lưới móc, giỏ cá và bẫy cá tồn tại trên biển để “đánh cá ma”, trong khi đó các dãy lưới đánh cá dài lại bẫy các sinh vật biển khác, còn các loại lưới rà thì gây hại tới môi trường sống của các sinh vật biển.

“Đánh cá ma”

Trước đây, những lưới được trang bị nghèo nàn trôi dạt là thủ phạm chính của hiện tượng “đánh cá ma”, nhưng một lệnh cấm sử dụng năm 1992 ở nhiều vùng đã giúp hạn chế vai trò của loại lưới này đối với hiện tượng “đánh cá ma”.

Ngày nay, những lưới móc đánh cá đặt dưới đáy biển là nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này. Phần dưới của các lưới này bị neo dưới đáy biển và mặt trên trôi dạt trên mặt biển tạo thành một bức tường lưới dọc đáy biển và có thể trôi bất kỳ nơi đâu với 600 đến 10 000m chiều dài. Nếu một lưới móc bị bỏ quên hay thất lạc, nó vẫn có thể tiếp tục tự động bắt cá nhiều tháng trời, thậm chí là vài năm trời, vô tình giết chết cá và các loài sinh vật biển khác.

Bẫy và giỏ bắt cá lại là một dạng “đánh cá ma” phổ biến khác. Ở vịnh Chesapeake của Mỹ, ước tính có 150 000 bẫy cua bị mất mỗi năm trên tổng số 500 000 bẫy được đưa vào sử dụng. Chỉ tính riêng đảo Caribbe của Guadeloupe hàng năm đã có tới 20 000 (50%) bẫy cá bị thất lạc trong mỗi mùa bão. Cũng giống như lưới móc, các bẫy cá này tiếp tục tự đánh bắt cá thêm một thời gian dài.

Giải pháp

Quan ngại về hiện tượng đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng này, phó tổng giám đốc FAO về Thủy sản và Nuôi trồng thủy sản phát biểu: "Số lượng dụng cụ đánh cá còn sót lại trong môi trường biển sẽ còn tiếp tục tăng và ảnh hưởng của nó đến hệ sinh thái biển sẽ còn tồi tệ hơn nếu cộng đồng quốc tế không có những giải pháp hiệu quả đối phó với rác thải biển một cách tổng thể. Chiến lược giải quyết vấn đề này phải được thực hiện ở nhiều phương diện, bao gồm các biện pháp ngăn ngừa, giảm nhẹ và giải quyết".

Ông cũng lưu ý rằng hiện FAO đang phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) xem xét Phụ lục V của Công ước quốc tế về phòng chống ô nhiễm từ tàu biển (MARPOL) đối với thiết bị đánh cá và các phương tiện tiếp nhận tại bờ.

Achim Steiner, Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc và giám đốc điều hành của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết “những bóng ma trong môi trường biển” tồn tại do hiện tượng đánh bắt triệt và axit hóa vùng biển có liên quan tới khí nhà kính và nguồn rác thải ô nhiễm từ đất liền, tạo lên những vùng biển chết. “Đánh cá ma” chỉ là một phần của những thách thức mà chúng ta cần nỗ lực chung để giải quyết một cách khẩn cấp, nếu muốn duy trì năng suất của biển cho các thế hệ mai sau hoặc ít nhất cũng là để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc".

Báo cáo của FAO và UNEP đã đề xuất một số giải pháp sau nhằm giải quyết vấn đề “lưới ma”:

Khuyến khích thu gom lưới trôi dạt bằng tiền thưởng: Những khoản tiền thưởng có thể khuyến khích ngư dân báo cáo dụng cụ đánh cá bị mất hoặc mang về cảng những dụng cụ đánh cá cũ và hư hỏng cũng như những “lưới ma” mà họ tình cờ thấy.

Sử dụng thiết bị đánh dấu: Không phải tất cả dụng cụ bị vứt bỏ đều là cố ý, vì vậy việc đánh dấu là cần thiết, không phải để xác định người phạm tội mà để tìm hiểu nguyên nhân và tìm ra giải pháp phù hợp.

Áp dụng công nghệ mới: Công nghệ có thể giúp tạo ra những khả năng giảm bớt hiện trạng đánh cá ma. Việc chụp hình tầng đáy biển có thể giúp tàu thuyền tránh chướng ngại vật dưới biển. Với thiết bị đánh cá hiện đại, đắt tiền, người đánh cá thường cố gắng tìm lại dụng cụ đánh cá bị mất. Công nghệ mới giúp thực hiện việc này dễ dàng hơn.

Sử dụng hệ thống định vị toàn cầu trên các thuyền lớn có thể giúp đánh dấu địa điểm thất lạc dụng cụ hoặc có thể lắp đặt thiết bị thu phát sóng cho dụng cụ đánh bắt nhằm tạo thuận lợi cho công tác tìm kiếm.

Tương tự, những bước tiến mới trong công nghệ dự báo thời tiết có thể giúp ngư dân biết thời điểm không nên sử dụng lưới.

Nếu các sợi tổng hợp mới và các vật liệu khác dùng trong sản xuất dụng cụ đánh bắt góp phần làm trầm trọng vấn đề ADLFG, công nghệ mới vẫn có thể giải quyết vấn đề này. Việc kết hợp vật liệu bền với chức năng phân hủy sinh học trong sản xuất dụng cụ đánh bắt đang được thúc đẩy để tiến tới sử dụng đại trà.

Tăng cường các dự án thu nhặt, hủy bỏ và tái chế: Tạo thuận lợi cho việc hủy bỏ các dụng cụ đánh cá cũ, hư hỏng là rất cần thiết. Hầu hết các cảng biển đều không có thiết bị để thực hiện việc này. Đặt các thùng rác trên bến, đồng thời cung cấp cho tàu thuyền các túi đựng dụng cụ cũ to và chắc chắn có thể giúp giải quyết vấn đề này.

Tăng cường hiệu quả công tác báo cáo dụng cụ mất: Một đề xuất quan trọng là những dụng cụ bị mất nên được báo cáo lại. Tuy nhiên nên dùng phương pháp tiếp cận không quy kết trách nhiệm mà chỉ đề cao nghĩa vụ pháp lý của công dân trong việc làm thất lạc dụng cụ và khuyến khích các nỗ lực tìm kiếm. Mục đích là nhằm nâng cao nhận thức về tác hại tiềm tàng và nâng cao cơ hội tìm kiếm dụng cụ mất.

Một số giải pháp khả thi khác cũng được báo cáo đề cập tới.

Rõ ràng, các giải pháp cho vấn đề này là rất thiết thực và khả thi. Hy vọng báo cáo này sẽ hướng ngành công nghiệp và các chính phủ hành động để giảm đáng kể số lượng dụng cụ đánh cá trôi dạt, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Lượng rác thải xuống đại dương hàng năm ước tính 6.4 triệu tấn trong đó có đến 5.6 triệu (88%) bắt nguồn từ vận tải thương mại đường biển

Có khoảng 8 triệu vật bị vứt xuống biển mỗi ngày trong đó có khoảng 5 triệu (63%) là rác thải cứng bị vứt bỏ hay thất lạc từ các tàu thuyền.

Ước tính trên mỗi km2 đại dương có hơn 13 000 mảnh plastic trôi dạt. Vào năm 2002, có tới 6kg plastic được tìm thấy trên mỗi kg sinh vật bị trôi dạt ở một điểm nước xoáy thuộc trung tâm Thái Bình Dương, nơi rác thải tập trung.

Các điểm tập trung rác thải trên biển tập trung nhiều ở những vùng biển cao, như vùng xích đạo, đang là mối quan tâm lớn. Ở một số vùng như vậy, rác thải bao gồm dây thừng, lưới, đồ lót hàng, dây và các tấm phủ plastic, các thùng và các côngtennơ hàng hải cùng với các vết dầu loang thường trải dài nhiều cây số.

Ông Thị Ngân Tiên
(Theo FAO, 06/05/2009, thiennhien.net)