Ngày 30.9.2009, Hạ viện Indonesia đã sửa đổi Luật Thủy sản năm 2004, trong đó cho phép tàu tuần tra của nước này được bắn và đánh chìm tàu đánh cá nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trong vùng biển của Indonesia. Đây là một thông tin gây lo ngại sâu sắc cho ngư dân làm nghề đánh cá xa bờ không chỉ của Việt Nam.

Chắc chắn, không quốc gia nào muốn và cho phép tàu thuyền đánh cá của nước ngoài xâm phạm và đánh bắt hải sản trong vùng biển của quốc gia mình đã được quốc tế công nhận. Nhưng, như các quốc gia trong khối ASEAN đã biết, ngoài vùng biển là "phần cứng" của mỗi quốc gia trong khối này, vẫn còn những vùng chồng lấn chưa thuộc hẳn quốc gia nào. Và với ngư dân một số nước trong khối, đặc biệt là Việt Nam, do chưa có đủ trang thiết bị và kiến thức để xác định thật rành rõ vùng biển chủ quyền, nên trong khi đánh bắt hải sản, họ có thể vô tình, hoặc chịu những tác động của thời tiết, khiến tàu thuyền của họ chạy quá sang vùng biển đang tranh chấp. Và nếu theo Luật Thủy sản năm 2009 này của Indonesia, thì tàu thuyền chạy lạc, chạy lỡ sang những vùng biển còn tranh chấp như thế sẽ bị tàu tuần tra của Indonesia bắn và đánh chìm!

Với những tàu thuyền đánh cá của ngư dân, hoàn toàn phi vũ trang và thuộc về dân sự mà dùng luật quân sự, dùng vũ trang để "xử" như thế, thì quả thật đáng lo ngại! Trong những sơ sót hay vi phạm hoàn toàn phi quân sự như thế, luật pháp quốc tế không bao giờ ủng hộ việc dùng vũ lực để giải quyết, mà bao giờ cũng khuyến khích những hướng giải quyết ấy bằng những phương pháp hòa bình, bằng đối thoại, thương lượng, thậm chí xử phạt nhưng không xâm phạm đến tính mạng ngư dân. Nhân dân hai nước Việt Nam và Indonesia từ rất lâu rồi đã là anh em với nhau. Hai nước cũng có những phần lịch sử tương đồng với nhau, và xưa nay vẫn quan hệ với nhau dựa trên những nguyên tắc nổi tiếng của "Hiến chương Hòa bình Băng-Đung".

Lâu nay trong việc đánh bắt hải sản hay gặp tai nạn trên biển và trú tránh bão, tàu thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam và Indonesia đã từng không ít lần giúp đỡ đùm bọc nhau, không bỏ rơi nhau trong hoạn nạn. Những sự cố trên biển, những chuyến đánh bắt hải sản của tàu thuyền ngư dân hai nước có vô tình vi phạm vùng biển của nhau đều được giải quyết trên tinh thần hòa bình và hữu nghị. Việt Nam chưa bao giờ làm khó ngư dân của bất cứ nước nào. Vì thế, chúng ta bày tỏ sự lo ngại sâu sắc của mình với Hạ viện Indonesia về việc sửa đổi Luật Thủy sản năm 2004, đặt nặng việc dùng vũ lực và vũ trang với ngư dân đánh bắt hải sản ở những vùng biển mà ranh giới biển quốc gia còn chưa rõ ràng.

Việt Nam cũng có Luật Thủy sản, nhưng luật của Việt Nam chưa bao giờ đưa điều khoản nào cho phép dùng vũ lực và vũ trang với ngư dân lương thiện thuộc các quốc gia láng giềng, nhất là với ngư dân một nước anh em như Indonesia. Chúng ta mong Hạ viện Indonesia nghiêm túc xem xét lại những điều luật sửa đổi này, vì nó có thể phương hại đến tình hữu nghị và truyền thống giúp đỡ nhau trên biển của ngư dân các nước trong khu vực ASEAN.

Thanh Thảo(Nguồn: Thanh nien online)