Các nhà nghiên cứu Trường Đại học Greifswald và Viện nghiên cứu Max-Planck của Đức vừa cho công bố tài liệu về sự phát hiện loài cua lớn nhất thế giới có tên "Birgus latro" ở khu rừng nguyên sinh trên "đảo Giáng sinh" nằm giữa Ấn Độ Dương.

Tháng 12/2008, các chuyên gia Đức đã tới "đảo Giáng sinh" và sau ba tuần theo dõi đã phát hiện dấu vết của loài cua khổng lồ. Hai nhà khoa học Steffen Harzsch và Bill Hansson rất quan tâm tới những điểm đặc biệt ở loài cua có tên Birgus Latro này (còn gọi là Ganjokrebs hoặc Kokoskrebs) hiện chỉ sống ở một số đảo nhỏ trên các đại dương. 

Loài cua Birgus latro khổng lồ có thể nặng tới 40kg, chỉ sống trên cạn và chuyên ăn trái dừa. Ảnh: Wikimedia


Chúng to bằng trái bóng, nặng tới 40kg, có 10 chân, mắt đỏ, cơ thể dài 40cm, có khả năng biến đổi từ màu xanh - tím sang đỏ - da cam và khi giương càng có thể dài tới một mét, cặp càng to khỏe, có thể cắp đứt ngón tay người một cách dễ dàng.

Birgus latro chuyên ăn lá và trái dừa. Đặc biệt, chúng sống trên cạn, không biết bơi, xuống nước sẽ bị chết đuối.

Giáo sư Harzsch cho biết, loài cua này có hệ khứu giác rất tinh tế. Thử nghiệm khứu giác riêng rẽ và nghiên cứu cảm ứng hóa học đối với chúng, các nhà khoa học đã kết luận cua Birgus latro có một hệ thống khứu giác cực kỳ tốt.

Đối với các nhà nghiên cứu tiến hóa thì đây là một mối quan tâm đặc biệt, vì điều này thể hiện rằng nhiều loài sinh vật, trong đó có loài cua Birgus latro, đã có một "bước nhảy" từ biển lên sinh sống trên đất liền.

Thực tế, loài cua này đã được phát hiện từ cách đây hơn 150 năm, khi nhà khoa học Anh Charles Darwin, người sáng lập học thuyết tiến hóa hiện đại, năm 1836 có dịp đặt chân tới Ấn Độ Dương đã mô tả loài cua chuyên ăn lá và trái dừa này. Tuy nhiên, từ đó đến nay rất ít có những quan sát chi tiết về loài cua Birgus latro.

Theo TTXVN, khoahoc.com