Hiện nay, toàn bộ diện tích rừng ngập mặn tại khu vực vịnh Nha Trang gần như bị xoá sổ. Điều này tác động không nhỏ đến sự phát triển của hệ sinh thái biển trong vịnh. Tuy các cơ quan chức năng địa phương đang cố gắng khôi phục rừng ngập mặn tại các khu vực Đầm Bấy, Đầm Già, Sông Lô…, nhưng việc này đòi hỏi sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng.
Những năm 80 của thế kỷ trước, vịnh Nha Trang có khoảng 500 ha rừng ngập mặn, bao bọc xung quanh các đảo, đầm; nhưng tác động của môi trường như: ô nhiễm nguồn nước biển từ các hoạt động du lịch, nuôi trồng - đánh bắt thuỷ sản; xây dựng các khu du lịch, bãi tắm và sự tàn phá của người dân (chặt phá làm củi; đìa, lồng nuôi tôm…) đã làm diện tích rừng ngập mặn dần bị thu hẹp và gần như mất trắng.
Trong khi đó, rừng ngập mặn là 1 trong 3 hệ sinh thái quan trọng tạo nên quần thể đa dạng sinh học của vùng biển vịnh. Chính vì vậy, tại hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học vịnh Nha Trang, Tiến sĩ Võ Sĩ Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học (Nha Trang) nhận định: Vịnh Nha Trang đang đứng trước nguy cơ suy thoái nghiêm trọng do tác động của môi trường. Một trong những nguyên nhân chính là do sự “mất trắng” hệ sinh thái rừng ngập mặn. Bên cạnh các lợi ích như: tạo màn chắn bảo vệ các bãi bồi, ngăn chặn sự xâm thực của thuỷ triều, sóng thần, làm tơi xốp đất…, rừng ngập mặn còn đóng vai trò trung gian (hệ sinh thái kết nối) quan trọng trong sự hình thành và phát triển của các loài cá sống trong rạn san hô. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, số lượng các loài cá sống trong rạn san hô có rừng ngập mặn nhiều gấp 2 lần so với các rạn san hô không có rừng ngập mặn. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn là nơi cư trú của hơn 1.600 loài thủy sinh. Do vậy, rừng ngập mặn góp phần tạo sự cân bằng hệ sinh thái biển. Tuy nhiên, theo thống kê của Ban quản lý Khu Bảo tồn biển (BQL KBTB) vịnh Nha Trang, hiện nay, toàn bộ diện tích rừng ngập mặn tại khu vực vịnh chỉ còn khoảng 11 ha (trong đó chủ yếu là rừng non vài năm tuổi hoặc mới trồng) và được phân tán ở các khu vực như: Bích Đầm, Đầm Bấy, Đầm Già, Sông Lô…
Do nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của hệ sinh thái rừng ngập mặn trong phát triển bền vững đa dạng sinh học vùng biển vịnh, những năm gần đây, BQL KBTB vịnh Nha Trang đã không ngừng tuyên truyền và vận động người dân tích cực tham gia công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Cụ thể: Tháng 6 vừa qua, BQL KBTB vịnh Nha Trang đã huy động hơn 160 tình nguyện viên là học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, các câu lạc bộ… tham gia trồng mới hơn 1 ha rừng ngập mặn tại khu vực Đầm Bấy, góp phần nâng tổng diện tích rừng ngập mặn tại khu vực này lên khoảng 3,7 ha. Theo ông Trương Kỉnh - Giám đốc BQL KBTB vịnh Nha Trang: Ngoài mục đích khôi phục nguyên trạng những cánh rừng ngập mặn, việc vận động người dân tham gia trồng rừng ngập mặn sẽ giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Thiên Bảo (Nguồn: Baokhanhhoa)