Nghề nuôi cá bống tượng đã hình thành và phát triển mạnh từ hơn chục năm qua. Tiêu biểu cho phong trào này là xã Tân Thành, TP Cà Mau.
Đối tượng nuôi này đã từng giúp đổi đời cho biết bao gia đình. Họ thoát khỏi cảnh túng thiếu, cơ cực vì cây lúa bấp bênh "được mùa rớt giá" trước đây, và cả khi có con tôm sú "nay giàu mai nghèo" theo con nước lớn - ròng chỉ vì "đỏ thân đốm trắng"! Và Tết Kỷ Sửu này, người nuôi cá lại ước mơ!
Nhưng ước mơ muốn giàu nhanh, hay làm ăn lớn với loài cá này của người nông dân không dễ thực hiện, chỉ vì chưa chủ động được nguồn giống chất lượng tại chỗ. Người nuôi phải mua cá giống do thương lái mang về từ các tỉnh vùng trên, chất lượng giống và giá cả luôn không ổn định.
Nhận biết được vướng mắc và nhu cầu bức xúc của nông dân về con giống cá bống tượng, từ năm 2005-2006, ngành Khoa học & Công nghệ đã gợi ý và đầu tư kinh phí cho đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá bống tượng tại Cà Mau" để Phân Viện nghiên cứu thủy sản Minh Hải cho đẻ, ấp nở và ương nuôi nhân tạo thành công cá bống tượng con.
Sau đó lại đầu tư tiếp tục với đề tài "Nghiên cứu xây dựng quy trình ương và nuôi thương phẩm cá bống tượng (O.marmoratus) bằng nguồn giống nhân tạo tại Cà Mau", cũng do Phân Viện nghiên cứu thủy sản Minh Hải thực hiện 2007-2008.
Mục tiêu của đề tài là xác định được nguồn thức ăn tại chỗ thích hợp cho cá bống tượng con từ giai đoạn nhỏ - cá hương - đến thành cá giống. Sau đó chuyển giao ứng dụng để giúp nông dân có thể chủ động, tự lực được nguồn cá bống tượng giống trong điều kiện sản xuất tại nông hộ trong tương lai gần.
Cả hai đề tài này khá thành công, cơ bản giải quyết được chuỗi thức ăn cho cá bột lên cá hương và được nuôi tiếp thành cá giống nuôi thương phẩm. Bước đầu giải quyết được những vướng mắc về mặt kỹ thuật mà từ lâu người nông dân chưa vượt qua được để tự lực về cá giống.
Bên cạnh hai đề tài mang tính đột phá nhằm giải quyết khó khăn trong vấn đề con giống cho người nuôi cá bống tượng nêu trên, ngành Khoa học & Công nghệ tỉnh còn bố trí các dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật dưới dạng xây dựng mô hình nuôi cá bống tượng thương phẩm ở quy mô nông hộ để bà con nông dân có điều kiện tiếp cận, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với cán bộ kỹ thuật. Thế là dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi cá bống tượng quy mô nông hộ ở xã Tân Thành - TP Cà Mau" do Phòng Kinh tế TP Cà Mau thực hiện năm 2004-2006 đạt kết quả rất cao.
Hàng chục hộ dân trong vùng đã có dịp tiếp cận các nhà khoa học để học hỏi, tìm hiểu thêm về kỹ thuật có liên quan đến con cá bống tượng. Ngoài ra, nhằm giúp bà con nông dân nâng cao kiến thức và có ý thức phòng, trị bệnh cho cá bống tượng nuôi ao, đề tài "Nghiên cứu một số bệnh cá bống tượng nuôi thương phẩm tại tỉnh Cà Mau và các giải pháp phòng trị" cũng được các nhà nghiên cứu thuộc Phân Viện nghiên cứu thủy sản Minh Hải thực hiện khá thành công năm 2006-2007. Các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cá bống tượng nuôi ao đã được các nhà khoa học đề cập và giới thiệu biện pháp phòng trị cho nông dân vùng dự án.
Tuy nhiên, việc phổ biến kết quả nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật từ những đề tài, dự án này còn khá hạn chế do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là vấn đề kinh phí. Để nông dân có điều kiện tiếp cận, ứng dụng và nhân rộng tốt các mô hình, đòi hỏi phải có sự phối hợp tích cực hơn từ phía các ngành, các địa phương, và chính bản thân người nông dân cũng phải chủ động tìm đến với khoa học - kỹ thuật để việc tổ chức sản xuất đạt kết quả tốt hơn../.
Báo Cà Mau, 21/01/2009<br>(Nguồn vasep)