Từ đầu năm đến nay, tuy gặp nhiều khó khăn trong việc ra khơi đánh bắt thủy sản, như: giá xăng dầu không ổn định, suy giảm kinh tế, lao động trên tàu thiếu… nhưng việc khai thác thủy sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Sản lượng đánh bắt thủy sản đạt cao nên ngư dân rất phấn khởi.
Thời gian qua, giá xăng dầu, vật tư tiếp tục tăng và không ổn định. Chi phí đầu tư mua sắm, sửa chữa ngư cụ cũng tăng gấp rưỡi so với trước. Các chi phí khác như: lương thực thực phẩm, nước đá, mồi câu… tăng cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngư dân. Anh Nguyễn Văn Thạch, một ngư dân ở cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) cho biết: “Bình quân, chúng tôi phải chi phí cho nhiên liệu khoảng 70 - 80% trong tổng số tiền đầu tư cho mỗi chuyến đi biển (chuyến đi biển kéo dài 30 ngày, chi phí khoảng 80 triệu đồng); đó là chưa kể các chi phí khác”. Tình trạng giá cả đầu ra không ổn định, tư thương ép giá, chi phí cho mỗi chuyến đi biển cao… đã khiến nhiều hộ ngư dân “lao đao” không muốn ra biển.
Khi được Nhà nước hỗ trợ, nhiều ngư dân đã phấn khởi ra khơi khai thác. Thực hiện Quyết định 289 và 965 của Thủ tướng Chính phủ, tính đến hết tháng 8-2009, toàn tỉnh đã giải ngân cho 9.453 tàu cá với tổng số tiền hơn 198,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng là địa phương có nhiều nghề khai thác khơi đang phát huy hiệu quả, như: nghề lưới cản, lưới rê, lưới chuồn, lưới vây, câu cá ngừ đại dương… Ngư trường hoạt động của ngư dân Khánh Hòa khá rộng, từ phía Bắc quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa đến vùng giáp ranh biển Malaysia, vịnh Thái Lan… đã góp phần nâng cao sản lượng khai thác. Tính đến tháng 9-2009, sản lượng khai thác thủy sản (KTTS) trên địa bàn tỉnh đạt 76.739 tấn, bằng 83% kế hoạch; trong đó, khai thác hải sản đạt 59.450 tấn, khai thác nội địa đạt 17.289 tấn.
Trong số các nhóm nghề khai thác, nghề lưới cản có hiệu quả kinh tế tương đối cao. Ngư trường khai thác của nghề này tập trung ở vùng biển Khánh Hòa - Ninh Thuận, vùng biển Đông - Tây Nam bộ. Một số ngư dân cho biết, thời gian qua, sản lượng cá ngừ sọc dưa, cá thu ngừ khá cao. Mỗi chuyến đi từ 20 - 23 ngày, ngư dân khai thác được từ 15 - 20 tấn, doanh thu khoảng 270 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, một số tàu thuyền hoạt động nghề câu cá ngừ đại dương đều chuyển sang các nhóm nghề khác, dự kiến đến khoảng tháng 12 âm lịch mới hoạt động trở lại. Việc KTTS đang phát huy hiệu quả đã tăng thu nhập cho nhiều chủ tàu và người lao động, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp tục ra khơi đánh bắt. Qua đó, nâng cao sản lượng thủy sản đánh bắt. Ông Lê Tấn Bản - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết: “Đến tháng 9-2009, sản lượng KTTS trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt kết quả cao, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vụ cá Nam năm 2009 đạt 58.239 tấn. Dự kiến, chỉ tiêu KTTS trên địa bàn toàn tỉnh năm 2009 là 92.455 tấn, chỉ tiêu vụ cá Bắc năm 2009 - 2010 khoảng 15.716 tấn”.
Để nghề KTTS tiếp tục phát huy hiệu quả, đạt chỉ tiêu đề ra, các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác điều tra ngư trường, dự báo thời tiết, đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác, định hướng cho ngư dân về phương tiện, nhóm nghề khai thác phù hợp với thời vụ. Ngoài ra, lực lượng chức năng cần tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp khai thác bằng các công cụ hủy diệt để bảo vệ nguồn lợi thủy sản…
Sự phát triển của nghề đánh bắt cá không chỉ có ý nghĩa thuần túy về mặt kinh tế mà còn giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác. Vì vậy, nghề KTTS đang phát huy hiệu quả sẽ là tín hiệu tốt, nhất là trong giai đoạn suy giảm kinh tế hiện nay.
BÍCH LA (Nguồn: Báo Khánh Hoà)