Nhu cầu tiêu thụ cá ngừ trên thế giới ngày càng tăng làm cho áp lực khai thác nguồn lợi cá ngừ ngày càng lớn. Nhiều nước trên thế giới đã thành lập các tổ chức bảo vệ cá ngừ như Uỷ ban quốc tế Bảo vệ cá ngừ đại dương (ICCAT), Uỷ ban Cá ngừ nhiệt đới Châu Mỹ (IATTC), Uỷ ban Cá ngừ Ấn Độ Dương (IOTC), Uỷ ban Bảo vệ cá ngừ xanh phương nam (CCSBT)...

Hằng năm, các tổ chức này giao hạn ngạch khai thác cho mỗi quốc gia thành viên và có trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động khai thác nguồn lợi cá ngừ của các nước tham gia hiệp ước.

Tại VN, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản được Bộ Thuỷ sản giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khai thác thủy sản trên phạm vi toàn quốc; tại các địa phương có Sở Thủy sản, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tham mưu cho chính quyền trong quản lý và phát triển sản xuất thủy sản tại địa phương.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa có cơ quan nào của ngành thủy sản VN nắm đầy đủ thông tin về cá ngừ cũng như nghề sản xuất cá ngừ của nước ta.

Công tác quy hoạch, phát triển số lượng và chất lượng tàu thuyền tham gia khai thác cá ngừ đại dương chưa được thực hiện; chỉ đạo nghiên cứu khoa học công nghệ về ngư trường, dự báo nguồn lợi, công nghệ khai thác, kỹ thuật bảo quản, thị trường tiêu thụ... chưa được tổ chức triển khai đồng bộ.

Đăng ký, đăng kiểm, an toàn tàu cá, kiểm soát hoạt động đánh cá ở các địa phương còn nhiều bất cập. Dịch vụ hậu cần yếu kém; chưa có mô hình dịch vụ hậu cần phù hợp với đặc thù nghề câu vàng cá ngừ trên biển hoặc các đảo, quần đảo.

Công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu, tìm kiếm thị trường còn yếu và chưa chủ động. Hiểu biết và cập nhật thông tin thị trường thế giới rất hạn chế. Đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, chưa được quan tâm thực hiện...

Mô hình khai thác đơn lẻ làm tăng chi phí sản xuất, công tác đảm bảo an toàn trong khai thác và tự phòng chống thiên tai giữa biển khơi là không thể. Việc hợp tác, mở rộng ngư trường khai thác ra vùng biển quốc tế chưa được quan tâm đúng mức.

Đông đảo ngư dân các tỉnh miền Trung mong muốn Bộ Thủy sản hoặc Hội Nghề cá VN tiến hành vận động thành lập một tổ chức giám sát, bảo vệ nghề câu cá ngừ đại dương; theo đó gần 2.000 chủ tàu sẽ cử đại diện tham gia.

Trước mắt, tổ chức này sẽ đưa ra hình thức liên kết hợp tác thích ứng giữa tàu đánh cá của ngư dân với tàu của các công ty, giữa chủ tàu với các DN tiêu thụ sản phẩm... nhằm bảo vệ quyền lợi của những người làm nghề sản xuất cá ngừ đại dương ở nước ta.

Nhìn rộng ra, trong xu hướng toàn cầu  hóa nền kinh tế, vấn đề gia nhập các tổ chức kinh tế, thương mại cũng như hiệp hội nghề nghiệp quốc tế sẽ tác động đến khả năng khai thác, tính cạnh tranh của sản phẩm cá ngừ đại dương VN.

Hồng Minh, www.laodong.com.vn