Năm 2008, Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện 29 nhiệm vụ khoa học, trong đó có 06 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 01 nhiệm vụ thuộc chương trình Biển Đông Hải đảo, 15 nhiệm vụ cấp Bộ, 06 nhiệm vụ cấp cơ sở và 01 nhiệm vụ chuyển giao công nghệ. Sau đây là tóm tắt các kết quả n?i b?t của các đề tài, dự án đạt được trong năm 2008.
Lĩnh vực điều tra nguồn lợi hải sản
1. Điều tra liên hợp nguồn lợi hải sản vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ
- Đánh giá được hiện trạng và xu thế biến động nguồn lợi hải sản ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ trong 3 năm qua. Kết quả đánh giá trữ lượng cá đáy năm 2006-2007 bằng tàu Biển Đông là 76,8 nghìn tấn, tàu Bắc Ngư là 84,9 nghìn tấn. Nhìn chung, nguồn lợi hải sản ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ có chiều hướng suy giảm cả về số lượng và chất lượng.
- Đánh giá được trữ lượng, khả năng khai thác một số loài cá kinh tế chủ yếu như cá nục, cá bánh đường, cá sòng nhật, cá hố, cá bạc má,... Hầu hết các loài có giá trị kinh tế cao đang bị khai thác quá mức, một số loài ở mức nghiêm trọng.
- Bước đầu ước tính số lượng tàu thuyền cho phép khai thác hoạt động ở vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ dao động trong khoảng 1.074 - 1.504 chiếc.
Các kết quả nghiên cứu trên là căn cứ khoa học giúp cho Uỷ ban liên hợp nghề cá vịnh Bắc Bộ có cơ sở đàm phán với Trung Quốc về việc đề xuất các giải pháp quản lý bền vững nguồn lợi hải sản và điều chỉnh số lượng tàu cá hoạt động trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ.
2. Lập dự báo ngư trường khai thác
- Dự báo ngư trường khai thác cho vụ Bắc và vụ Nam của 5 loại nghề chủ yếu (lưới kéo đáy, lưới rê, lưới vây, câu vàng) theo tháng. Dự báo ngư trường khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển xa bờ. Thu thập các thông tin phản hồi từ thực tiễn sản xuất ở các địa phương về chất lượng dự báo.
- Tổ chức phát hành dự báo rộng rãi đến các địa phương thông qua bản tin dự báo hàng ngày trên Đài Tiếng nói Việt Nam, website của Viện, và gửi đến các Sở Thuỷ sản, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, doanh nghiệp, cá nhân.
- Công tác dự báo ngư trường khai thác sẽ được nâng cấp thành nhiệm vụ thường xuyên, mang tính nghiệp vụ cao và từng bước thương mại hoá dịch vụ cung cấp thông tin dự báo.
3. Hiện trạng trứng cá, cá con ven biển Đông, Tây Nam Bộ
- Đánh giá được hiện trạng thành phần loài và phân bố của trứng cá, cá con (TCCC) và ấu trùng tôm - tôm con (ATT-TC) ở vùng ven biển Đông, Tây Nam Bộ, bao gồm 185 loài thuộc 125 giống và 88 họ TCCC; 30 họ và 90 loài ATT-TC.
- Bước đầu đã xác định được các khu vực tập trung TCCC và ATT-TC ở vùng ven biển Đông, Tây Nam Bộ, chủ yếu ở vùng ven bờ, các cửa sông và xung quanh các đảo lớn, với mật độ từ 500 cá thể/1000m3 nước trở lên. Tỉ lệ phần trăm cá con và tôm con bị khai thác ở vùng ven biển Đông Tây Nam Bộ bởi các nghề kéo cá, kéo tôm, nghề đáy, vây cá cơm, cào bay là rất lớn, chiếm khoảng 30% tổng sản lượng khai thác.
- Bước đầu đã xác định là yếu tố nhiệt độ có mối liên hệ đối với trứng cá ở vùng biển Tây Nam Bộ, và một số nhóm động thực vật phù du.
- Xây dựng được bộ mẫu vật TC-CC phong phú, đa dạng có giá trị cao về mặt khoa học và phục vụ đào tạo.
Lĩnh vực nghiên cứu bảo tồn biển
4. Đánh giá nguồn lợi san hô cứng tại 04 khu bảo tồn biển trọng điểm
- Thành phần loài san hô sống có xu hướng tăng dần từ bắc vào nam. Các đảo gần nhau về mặt địa lý như Bạch Long Vĩ và Cồn Cỏ; Côn Đảo và Phú Quốc hệ số tương đồng có xu hướng cao hơn.
- Phần lớn các rạn san hô được xếp vào loại nghèo và trung bình, độ phủ trung bình san hô sống ở 4 đảo là 28,88% và có xu hướng cao hơn ở các đảo phía nam... Độ phủ san hô sống có xu hướng suy giảm ở hầu hết các đảo, ngoại trừ Côn Đảo nơi ghi nhận có dấu hiệu phục hồi của san hô cứng. Sự suy giảm mạnh nhất được quan sát thấy ở đảo Bạch Long Vĩ, nơi có các hoạt động khai thác diễn ra mạnh mẽ.
- Khai thác hải sản và phát triển đô thị là 2 tác nhân xấu gây ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến rạn san hô ở 4 đảo. Hoạt động du lịch hiện tại chưa gây ảnh hưởng nhiều đến các rạn san hô nhưng trong tương lai hoạt động này sẽ gây ra những tác động tiêu cực rõ ràng đến rạn nếu không được quản lý và phát triển hợp lý.
5. Đặc điểm của quần xã cá rạn san hô tại Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Côn Đảo và Phú Quốc
- Kết quả nghiên cứu cho thấy sự xuất hiện của 304 loài thuộc 45 họ cá ở bốn khu vực nghiên cứu. Cá Thia (Pomacentridae) là thành phần chủ yếu trong các quần xã cá rạn san hô Cồn Cỏ, Côn Đảo và Phú Quốc, trong khi cá Bàng Chài (Labridae) là thành phần chủ yếu của quần xã cá rạn san hô Bạch Long Vĩ.
- Đa dạng về cá rạn san hô tại các điểm nghiên cứu khá cao nhưng thành phần loài cá ít có tính tương đồng giữa các điểm nghiên cứu. Các quần thể có tính nhạy cảm cao với sự thay đổi của điều kiện môi trường và áp lực khai thác.
- Cá rạn san hô tại Bạch Long Vĩ mang tính chất khu hệ cá á nhiệt đới điển hình, trong khi cá rạn tại Côn Đảo và Phú Quốc mang tính chất khu hệ cá nhiệt đới.
- Đa phần các loài cá rạn san hô tại 4 khu vực nghiên cứu thuộc nhóm cá có kích thước nhỏ. Giá trị khai thác làm thực phẩm không lớn nhưng lại có giá trị thương mại khác như làm cảnh, làm dược liệu...
Lĩnh vực nghiên cứu công nghệ khai thác
6. Lồng bẫy vùng dốc thềm lục địa
- Câu vàng đáy đạt trung bình 2,4 kg/100 lưỡi/5 giờ.Lồng cua ghẹ hình trụ đạt trung bình 3,1 kg/100 lồng/10 giờ. Lồng bẫy cua ghẹ hình trụ cải tiến đạt trung bình 3,4 kg/100 lồng/10 giờ. Lồng bẫy cá Chình đạt trung bình 3,3 kg/100 lồng/10 giờ. Lồng bẫy cua ghẹ hình hộp chữ nhật đạt trung bình 1,6 kg/100 lồng/10 giờ.
- Câu vàng đáy, lồng cá chình và lồng ghẹ hình trụ tròn cải tiến là các ngư cụ có khả năng áp dụng khá tốt cho hoạt động khai thác nguồn lợi hải sản tầng đáy vùng dốc thềm lục địa.
- Cần thực hiện các chuyến điều tra thường niên đánh giá nguồn lợi hải sản kết hợp với điều tra địa hình, địa mạo nền đáy và các yếu tố hải dương học .
- Cần có những nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả ở vùng dốc thềm lục địa nhằm thúc đẩy và phát triển nghề khai thác hoạt động ở những ngư trường xa bờ.
7. ánh sáng đèn mầu cho nghề lưới vây
Bước đầu có một số nhận định qua thí nghiệm ánh sáng cho nghề lưới vây ở vùng biển miền Trung:
- Bóng đèn dưới nước có vùng tác dụng lớn hơn so với bóng đèn thắp trên mặt nước. Hiệu quả tập trung cá của bóng đèn dưới nước cũng cao hơn so với bóng đèn trên mặt nước (xét theo tín hiệu đàn cá trên các máy dò cá ở mỗi lần thắp sáng).
- Hiệu quả tập trung cá của ánh sáng màu vàng và xanh có khả năng tập trung cá cao hơn ánh sáng màu đỏ. Phạm vi tác dụng (độ rọi sáng) của ánh sáng vàng và xanh cũng lớn hơn ánh sáng màu đỏ.
- Phạm vi tác dụng và độ rọi sáng của ánh sáng trong nước phụ thuộc rất lớn vào độ trong của nước biển. Hiệu quả tập trung cá của nguồn sáng phụ thuộc rất nhiều vào độ trong nước biển và dòng chảy. Khi nước biển quá đục và chảy mạnh thì hầu như không có cá tập trung gần nguồn sáng.
8. Khai thác cá ngừ giống
- Thi công được lồng hình tròn đề lưu giữ và vận chuyển cá ngừ đại dương giống theo kinh nghiệm đã học tập tại Đài loan và úc.
- Chuyến biển cuối tháng 3 đầu tháng 4/2008 khai thác được 72.607,5 kg, trong đó sản lượng cá ngừ đại dương giống là: 8.669,5 kg (7.830,5 kg và cá ngừ mắt to là 839,0 kg). Có mẻ đánh bắt được 2.045 kg cá ngừ đại dương giống, khối lượng cá thể phổ biến từ 3- 4 kg.
- Chuyến khảo sát tháng 3/2008 trên tàu QNg98676TS đã tiến hành đánh bắt 8 mẻ lưới và tổng sản lượng cá đạt 3.714 kg, trong đó sản lượng cá ngừ vây vàng đạt 309 kg và chiếm 8,3% tổng sản lượng cá đánh bắt trong chuyến biển, khối lượng trung bình đạt 2,15kg/con.
- Như vậy, khẳng định có thể khai thác được cá ngừ đại dương giống bằng lưới vây ở vùng biển miền Trung và đông Nam Bộ. Kết quả này là cơ sở cho việc tiến hành các nghiên cứu tiếp theo của đề tài.
9. Lưới rê hỗn hợp
- Bước đầu đề tài đã thiết kế được mẫu lưới rê hỗn hợp khai thác được các đối tượng có giá trị kinh tế cao cho năng suất khai thác cao hơn hẳn so với lưới của ngư dân đang sử dụng, cụ thể như sau:
+ Về số lượng cá thể đánh bắt được, lưới thiết kế cho hiệu quả hoạt động cao hơn so với lưới đối chứng 2,2 lần (tính bình quân cho 1 cheo lưới hoạt động).
+ Về sản lượng khai thác, lưới thiết kế cho sản lượng cao hơn so với lưới đối chứng 1,3 lần (tính bình quân cho 1 cheo lưới hoạt động).
Lĩnh vực chế biến thuỷ sản
10. Giàn phơi mực xà tháo lắp nhanh và công nghệ xử lý mực xà
- Sàn thao tác bằng các tấm lưới inox (3mm đảm bảo cho việc đi lại thao tác phơi mực và phơi mực héo rất hiệu quả.
- Giàn phơi là tấm phơi có khả năng phơi được 323 con mực/tấm, tương đương khoảng 85 – 100kg mực tươi. Tấm phơi có thể gập lại giăng ra dễ dàng.
- Giàn phơi quay có khả năng thu mực rất nhanh.
- Hệ thống lò sấy tận dụng nhiệt thải của máy thuỷ có khả năng sấy mực khô hiệu quả. Với tàu 220 cv có khả năng sấy một mẻ 500kg mực tươi trong 21 giờ.
- Công nghệ xử lý mực xà trước khi phơi, sản phẩm cho màu sắc và hương vị tốt hơn đối chứng.
Chuyển giao tiến bộ KHCN
11. Chuyển giao các tiến bộ KHCN đã có
- Đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá bớp cho 18 kỹ thuật viên của các cơ sở thuộc 6 tỉnh (Hải Phòng, Thái Bình, Nam Đinh, Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh), học viên đã nắm chắc kỹ thuật sản xuất giống, tự vận hành quy trình công nghệ thành công và đã chủ động sản xuất được giống cá bớp tại cơ sở của địa phương. Một số cơ sở đã nhanh chóng đưa vào sản xuất kinh doanh có hiệu quả như: Nghĩa Hưng - Nam Định, Tiền Hải - Thái Bình. Mỗi tỉnh trên đạt chỉ tiêu sản xuất được 300.000 cá giống
12. Chuyển giao các tiến bộ KHCN mới đạt được chuyển giao trong thời gian tới
- Chuyển giao số liệu về nguồn lợi, khả năng khai thác và đề xuất một số giải pháp quản lý nguồn lợi hải sản ở vùng đánh cá chung VBB cho Uỷ Ban Liên hợp Nghề cá VBB làm cơ sở đàm phán với Trung Quốc về số lượng tàu cá cho phép hoạt động trong vùng đánh cá chung.
- Chuyển giao, phổ biến các bản dự báo khai thác hải sản cho địa phương và trực tiếp cho ngư dân các tỉnh ven biển.
- Chuyển giao quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia: Cơ sở sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi thủy sản - điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn, sinh học và môi trường.
- Chuyển giao quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia: Nước thải cơ sở chế biến thủy sản.
- Chuyển giao tiêu chuẩn Codex về nước mắm.
- Chuyển giao giàn phơi tháo lắp nhanh, lò sấy và công nghệ xử lý mực xà cho bà con ngư dân khu vực miền Trung.
Mạc Văn Tập