Những năm gần đây, nhằm phát triển ngành nông nghiệp nói chung và nghề nuôi trồng thuỷ sản nói riêng, tỉnh Ninh Bình đã rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn sản xuất. Một trong số các đối tượng hải sản được tỉnh quan tâm nhiều là ngao Bến Tre Meretrixlyrata (Sowerby,1851) bởi đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, giá trị thương mại lớn, mang lại thu nhập cho nhiều hộ nuôi trồng thuỷ sản địa phương. Tuy nhiên, nguồn giống ngao ương tại địa phương về chất lượng còn chưa cao và được thả ra bãi nuôi không qua thời gian ương dưỡng và thuần hóa nên khả năng thích ứng kém, kích thước vẫn nhỏ. Vì vậy, tỷ lệ hao hụt còn tương đối cao khi ngao giống thả xuống bãi nuôi. Trong khi đó, địa phương chưa có cơ sở nào ương ngao giống mà chủ yếu nhập các tỉnh về như Nam Định, Thái Bình…,do đó việc phát triển nghề nuôi ngao Bến Tre với quy mô lớn của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Để từng bước khắc phục những hạn chế trên, Viện Nghiên cứu Hải sản đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình ương nuôi ngao Bến Tre Meretrix lyrata (Sowerby, 1851) từ giai đoạn ngao cám đến giai đoạn ngao cúc sử dụng hai loài vi tảo (Isochrysis galbana, Chaetocerosgracilis) làm thức ăn phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng bãi bồi huyện Kim Sơn, Ninh Bình”. Chủ nhiệm đề tài: ThS. Nguyễn Quang Đông.
Kết quả nghiên cứu trong năm 2014: bước đầu đề tài đã nuôi sinh khối thành công hai loài vi tảo Isochrysis galbanaChaetoceros gracilis trong túi nilông và trong bể xi măngđạt mật độ cao, đảm bảo nguồn thức ăn cho ương giống ngao Bến Tre. Đề tài cũng đã triển khai 01 đợt ương giống từ giai đoạn ngao cám (0,3mm) lên ngao cúc (5-8 mm) có bổ sung nguồn thức ăn từ hai loài vi tảo này. Sau 7 tháng ương nuôi (từ tháng 5 đến tháng 11/2014) tại các ao ương, ngao có tốc độ tăng trưởng trung bình về chiều dài vỏ đạt 35,0 ± 2,8 µm/ngày; tốc độ tăng trưởng trung bình về khối lượng đạt 0,74 ± 0,10 µg/ngày; tỷ lệ sống trung bình đạt 75,0 ± 4,0%. Kết quả thu được khoảng 8,0 triệu ngao cúc đảm bảo chất lượng (kích thước vỏ trung bình đạt 8,0 mm) cung cấp giống cho người nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương.
 
Thả ngao giống cấp 1 (ngao cám)
Ngao giống cấp 3 (ngao cúc) sau 7 tháng ương nuôi
        Việc bổ sung thức ăn là các loài vi tảo có vai trò rất quan trọng đối với sinh trưởng và phát triển của ngao nuôi. Sự đa dạng về thức ăn cũng giúp ngao giống dinh dưỡng tốt hơn, tăng tốc độ sinh trưởng và tỷ lệ sống của ngao ương. Tuy nhiên, để có thể khẳng định được chính xác các kết quả đạt được, từ đó khuyến cáo đến người nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương sử dụng kết quả nghiên cứu ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, đề tài cần tiếp tục triển khai nghiên cứu, kiểm chứng thêm 01 đợt ương giống ngao trong năm 2015 để có kết luận khách quan hơn.
Phùng Văn Giỏi