Ngày 4-5/9/2009, Hội thảo khoa học “Thanh niên với Nghiên cứu và Quản lý nghề cá” đã được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Hải sản. Hội thảo được sự phối hợp tổ chức của Đoàn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Dự án Hợp phần tăng cường quản lý nghề cá (SCAFI) và Đoàn Viện Nghiên cứu Hải sản. Mục đích, ý nghĩa của hội thảo: (1) tạo diễn đàn để đoàn để đoàn viên thanh niên trao đổi kinh nghiệm trong học tập, nghiên cứu khoa học, là hoạt động cụ thể hóa có chiều sâu của các phong trào Đoàn như “5 xung kích tham gia phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”, “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Thông qua hội thảo khẳng định vai trò xung kích của tổ chức Đoàn và đoàn viên thanh niên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi cơ quan, đơn vị; (2) tạo diễn đàn cho tuổi trẻ các đơn vị chuyên môn, sự nghiệp khối thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT khu vực phía Bắc trao đổi thông tin, kiến thức trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý nghề cá; (3) tuyển chọn những báo cáo khoa học tham gia Hội nghị Khoa học Thanh niên Bộ NN&PTNT lần thứ III-2009.
Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đoàn viên thanh niên các đơn vị chuyên môn khối thủy sản khu vực phía Bắc, bao gồm: Viện Nghiên cứu Hải sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Nội dung các báo cáo tham gia hội thảo là kết quả nghiên cứu thực tiễn tại các đơn vị, liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu và quản lý nghề cá, bao gồm: nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thủy sản; bảo tồn và khai thác nguồn lợi thủy sản; công nghệ sau thu hoạch; nuôi trồng thủy sản; kinh tế và quản lý nghề cá. Mặc dù thời gian chuẩn bị tương đối ngắn (khoảng 1 tháng), tuy nhiên hội thảo đã nhận được sự đăng ký tham gia của 29 báo cáo đến từ các đơn vị nói trên. Qua quá trình chọn lọc trực tiếp tại các đơn vị, đến thời điểm diễn ra hội thảo, tổng số có 20 báo cáo chính thức đăng ký tham dự. Các chủ đề được nhiều tác giả quan tâm đều phản ánh những diễn biến thực tiễn trong nghề cá hiện nay như đánh giá hiệu quả “canh tác” ngành thủy sản Việt Nam sau 15 năm đổi mới, hiệu quả mô hình nuôi tôm thâm canh, mô hình chuyển đổi đất vườn sang nuôi cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long, hiệu quả kinh tế nghề khai thác xa bờ, tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá,… Lĩnh vực nghiên cứu cơ bản phục vụ quản lý nghề cá cũng được rất nhiều tác giả trẻ quan tâm như hiện trạng nguồn lợi tôm, cá, rong biển, động vật thân mềm tại một số vùng biển Việt Nam, đặc điểm sinh học một số loài cá như cá phèn hai sọc, cá tiểu bạc, cá nóc dẹt…
Qua hai ngày làm việc, hội thảo đạt được mục đích ý nghĩa đã đề ra. Xuyên suốt thời gian diễn ra hội thảo, các tác giả là những cán bộ nghiên cứu trẻ đã tiếp thu được rất nhiều ý kiến trao đổi, góp ý nhằm hoàn thiện chất lượng của các bài viết. Những kinh nghiệm trong kỹ năng trình bày, thảo luận các nội dung nghiên cứu sẽ là những hành trang tốt cho các tác giả và cán bộ trẻ trong quá trình tích lũy, hoàn thiện kỹ năng, nâng cao năng lực nghiên cứu của bản thân và xa hơn là có những đóng góp tích cực trong nghiên cứu và quản lý nghề cá nước ta trong giai đoạn mới.
Nhằm đánh giá chất lượng chuyên môn của từng báo cáo, ban tổ chức hội thảo đã thành lập nhóm đánh giá với các thành viên là những nhà quản lý, nhà khoa học trẻ có uy tín, kinh nghiệm, nhiệt huyết với công tác thanh niên và phong trào đoàn đến từ các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT như Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, Viện Nghiên cứu NTTS1, Viện Cơ điện NN&CN Sau thu hoạch, và Viện Nghiên cứu Hải sản. Thông qua những nhận xét của nhóm đánh giá, kết hợp với những góp ý trực tiếp tại hội thảo, ban tổ chức đã lựa chọn được 05 báo cáo sẽ gửi đăng ký tham gia Hội nghị Khoa học thanh niên Bộ NN&PTNT lần thứ III-2009. Các báo cáo được lựa chọn đều đáp ứng những tiêu chí như nội dung nghiên cứu phải mang tính thời sự, có hiệu ứng lan tỏa và tính thảo luận cao, phương pháp nghiên cứu mới, phù hợp, kết cấu báo cáo hợp lý, và kết quả nghiên cứu có tính ứng dụng trong thực tiễn nghề cá nước ta hiện nay. Danh sách 05 báo cáo đã được lựa chọn: (1) Đánh giá hiệu quả “canh tác” ngành thuỷ sản Việt Nam sau 15 năm đổi mới (1993-2007) và một số định hướng phát triển trong thời gian tới (Tác giả: CN. Nguyễn Tiến Hưng – Viện KTQHTS); (2) Đánh giá hiệu quả mô hình chuyển đổi đất vườn sang nuôi cá tra ở Thị xã Ngã Bảy - Hậu Giang (Tác giả: ThS. Hồ Công Hường – Viện KTQHTS); (3) Quản lý nghề cá theo hướng tiếp cận hệ sinh thái và định hướng thực hiện tại Việt Nam (Tác giả: ThS. Phạm Việt Anh – Cục KT&BVNLTS); (4) Bước đầu nghiên cứu quy trình công nghệ chế biến sản phẩm cá chép xông khói (Tác giả: KS. Phạm Huy Hưng – Viện Nghiên cứu Hải sản); (5) Nghiên cứu công nghệ xử lý, bảo quản mực xà trên tàu khai thác xa bờ (Tác giả: ThS. Bùi Trọng Tâm – Viện Nghiên cứu Hải sản).
Hội thảo khoa học “Thanh niên với Nghiên cứu và Quản lý nghề cá” là một điểm nhấn có chiều sâu trong hoạt động của đoàn viên thanh niên Bộ NN&PTNT nói chung và Đoàn Viện Nghiên cứu Hải sản nói riêng. Hội thảo đã tạo được những hiệu ứng tích cực đối với từng đoàn viên thanh niên trong việc hoàn thiện kỹ năng và nâng cao năng lực nghiên cứu cũng như khả năng tổ chức các hoạt động quy mô lớn có chiều sâu. Đánh giá tính hiệu quả của hội thảo đối với hoạt động đoàn khối công nhân viên chức, Thành đoàn Hải Phòng đã đề nghị đăng ký Hội thảo khoa học “Thanh niên với Nghiên cứu và Quản lý nghề cá” là một công trình phần việc thanh niên lĩnh vực khoa học công nghệ cấp Thành phố năm 2009. Đây là một thành công ngoài dự kiến mà hội thảo mang lại đối với hoạt động của Đoàn Viện Nghiên cứu Hải sản. Từ những thành công của hội thảo, Đoàn Viện Nghiên cứu Hải sản đã đề xuất Đoàn Bộ NN&PTNT tiếp tục đưa hoạt động này trở thành một hoạt động thường niên, theo đó những hội thảo tiếp theo sẽ mở rộng quy mô và phạm vi tổ chức tạo điều kiện tham gia đối với các đơn vị chuyên môn khối thủy sản trong cả nước. Hội thảo khoa học “Thanh niên với Nghiên cứu và Quản lý nghề cá” đã kết thúc với tinh thần háo hức của tất cả đoàn viên thanh niên, hy vọng đóng góp sức trẻ trong các lĩnh vực chuyên môn hướng đến xây dựng nghề cá Việt Nam bền vững.
Mai Văn Điện (Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi Biển)