Ngày 14/01/2011, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội nghị Cán bộ viên chức năm 2011. Tới dự Hội nghị có ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Chu Tiến Vĩnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản; ông Vũ Duyên Hải – Chuyên viên Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ NN & PTNT; Ban lãnh đạo Viện; Ban Chấp hành công đoàn Viện và đông đủ các cán bộ viên chức, lao động của Viện.

ThS. Phạm Huy Sơn, Phó Viện trưởng phụ trách Viện đã trình bày báo cáo công tác năm 2010, những kết quả nổi bật Viện đã thực hiện trong năm, phương hướng hoạt động của Viện năm 2011. Báo cáo đã đánh giá những mặt được, chưa đạt được trong năm 2010, một số thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời thông báo kế hoạch hoạt động năm 2011. Đề xuất các nội dung thường xuyên và đặc thù triển khai từ năm 2011 làm cơ sở cho việc phát triển ngành.
Ảnh Hội nghị
Báo cáo đã nêu một số kết quả nổi bật về KHCN năm 2010:
* Lĩnh vực nguồn lợi hải sản:
- Đã đánh giá được trữ lượng và khả năng khai thác bền vững nguồn lợi hải sản trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ giai đoạn 2008-2010. Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp các cơ sở khoa học đáng tin cậy cho việc quản lý nguồn lợi và đề xuất số lượng tàu tham gia khai thác hợp lý trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ;
- Đã có được những các thông tin, số liệu quan trọng về nguồn lợi Sứa ở vùng ven biển Việt Nam và hiện trạng khai thác nguồn lợi Sứa ở các tỉnh ven biển;
- Tiếp tục cập nhật và phát triển Cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự báo ngư trường khai thác;
- Hoàn thành xây dựng và phát hành các tập bản đồ dự báo khai thác hải sản các tháng trong năm. Các kết quả dự báo đã được phát trên bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam tại các chương trình Biển đảo Việt Nam (lúc 05 giờ 20 phút và 23 giờ 20 phút hàng ngày) phục vụ trực tiếp cho ngư dân khai thác trên biển;
- Tiếp tục cập nhật và phát triển Cơ sở dữ liệu phục vụ công tác dự báo ngư trường khai thác;
- Đã nghiên cứu, thiết kế được vàng lưới chụp mực 4 tăng gông, hệ thống nguồn sáng và các phụ kiện lắp đặt trên tàu nhằm nâng cao năng suất khai thác.
* Lĩnh vực Công nghệ khai thác hải sản
- Hoàn thiện Quy trình công nghệ khai thác cá ngừ đại dương giống bằng nghề lưới vây; Quy trình công nghệ lưu giữ và vận chuyển cá ngừ đại dương giống an toàn về cơ sở nuôi;
- Thiết kế chế tạo được vàng lưới vây khai thác cá ngừ đại đương giống ở vùng biển Đông Tây Nam Bộ; Thiết kế, chế tạo được lồng lưu giữ và vận chuyển cá ngừ giống từ ngư trường khai thác về cơ sở nuôi; Thiết kế, chế tạo được 06 mẫu chà tập trung cá ngừ đại dươnggiống;
- Đã đề xuất được các giải pháp sắp xếp đội tàu khai thác hải sản hợp lý với từng vùng biển; Đã đưa ra được cơ sở khoa học để đề xuất mô hình tổ chức sản xuất cho vùng biển các tuyến bờ, tuyến lộng và tuyến khơi;
- Đã đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách phục vụ cho việc điều chỉnh cơ cấu đội tàu, nghề nghiệp khai thác hải sản.
* Lĩnh vực Công nghệ Sinh học và Công nghệ Sau thu hoạch
- Đã phân lập và tuyển chọn được 08 chủng vi sinh vật có khả năng sản sinh tetrotoxin. Trong đó đã tiến hành nuôi cấy sinh khối quy mô 1 lít/mẻ và tách chiết được tetrotoxin dạng lỏng từ nội bào vi khuẩn;
- Đã phân lập và nuôi thành công 12 chủng tảo độc thuộc 4 loài Alexandrium là A. catenella, A. minutum, A. tamarense và A. leei và chi Pseudo-nitzschia làm nguyên liệu cho các thí nghiệm về lai huỳnh quang tại chỗ (FISH), đã xác định được ADN vùng mục tiêu và trình tự đầu dò, chuẩn bị cho thực hiện phép lai phân tử và hoàn thiện quy trình trong năm;
- Đã xây dựng được Mô hình ứng dụng công nghệ thiết bị sản xuất CaCO3 dược dụng từ vỏ hầu;
- Đã xây dựng Dự thảo xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm thuỷ phân từ bã rong;
- Đã tận dụng bã thải từ sản xuất agar để bổ sung và sản xuất thức ăn nuôi cá rô phi với tỷ lệ bã rong phối trộn là 9 – 17 % khối lượng, thức ăn nuôi gà (từ 0- 3 tuần, 4 – 6 tuần, > 7 tuần) với tỷ lệ bã rong phối trộn là (8 – 16% khối lượng), thức ăn của tỷ lệ phối trộn bã rong là 30 – 40% khối lượng. Mở ra một hướng mới trong tìm kiếm nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi;
- Hoàn thiện dây chuyên thiết bị công nghệ sản xuất và xây dựng mô hình thiết bị công nghệ sản xuất Glucosamine, Chondroitin;
- Xây dựng được 01 quy trình công nghệ sản xuất Glucosamine bằng phương pháp hóa học và sinh học;
- Nghiên cứu các quy trình: Công nghệ bảo quản sản phẩm cá chép xông khói; công nghệ bảo quản sản phẩm surimi cá mè; công nghệ bảo quản sản phẩm cá kèo bao bột; công nghệ bảo quản sản phẩm chả cá thát lát; công nghệ bảo quản và vận chuyển sống cá kèo nguyên liệu; tính toán, thiết kế các mô hình: Cơ sở chế biến cá chép xông khói, năng suất 500kg sản phẩm/ca; cơ sở chế biến surrimi cá mè, năng suất 1000kg sản phẩm/ca; mô hình cơ sở chế biến cá kèo bao bột, năng suất 500kg sản phẩm/ca; mô hình cơ sở chế biến chả viên cá thát lát, năng suất 500kg sản phẩm/ca;
* Lĩnh vực Bảo tồn biển
- Đánh giá được trữ lượng, khả năng khai thác và đa dạng sinh học của khu hệ động thực vật, cung cấp cơ sở khoa học cần thiết cho việc bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn lợi thuỷ sản và bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn;  
- Hoàn thành cuốn “Atlas các loài thuỷ sản kinh tế chủ yếu trong hệ sinh thái rừng ngập mặn” với khoảng 400 loài.
- Đề xuất được mô hình tính toán và kết quả lượng giá kinh tế nguồn lợi thuỷ sản và đa dạng sinh học dựa trên các giá trị trực tiếp và giá trị gián tiếp.
- Đã đánh giá được trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi 5 loài Trai tai tượng (họ Tridacnidae) phân bố xung quanh 8 đảo ven biển Việt Nam, cung cấp cơ sở khoa học cho cơ quan CITES ra quyết định về việc xây dựng và ban hành hạn ngạch xuất khẩu đối với 5 loài Trai tai tượng tại Việt Nam;
- Đã cung cấp các cơ sở khoa học quan trọng cho việc triển khai thiết lập, qui hoạch chi tiết và lập kế hoạch quản lý tài nguyên môi trường tại 05 khu bảo tồn biển là: Phú Quốc, Côn Đảo, Cồn Cỏ, Bạch Long Vĩ và Phú Quí.
- Đã xác định được danh mục các loài hải sản quý hiếm, đặc hữu, diện tích phân bố của các hệ sinh thái đặc trưng (hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển) và nguồn lợi một số nhóm loài thủy sinh tại vùng biển Phú Quý.
 
* Lĩnh vực Môi trường và hải dương học nghề cá
- Đã xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ phục vụ triển khai công tác dự báo thử nghiệm ngư trường xa bờ miền Trung;
- Đã đưa ra được quy trình dự báo cá dựa vào các yếu tố hải dương học;  
- Đã đánh giá được hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các tác động xấu đến môi trường vùng khơi biển Tây Nam Bộ và Côn Sơn, phục vụ công tác cảnh báo môi trường biển;
- Đã cung cấp thông tin, số liệu kịp thời cho các địa phương phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất và quản lý, bảo vệ môi trường;
- Xây dựng được quy trình nuôi cá bớp thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp;
- Đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho cá bớp;
* Lĩnh vực hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tổ chức quốc tế và với các địa phương
- Đã bước đầu đánh giá được hiệu quả đánh bắt của lưỡi câu vòng so với lưỡi câu thường
- Đã xây dựng được 03 bộ bản đồ phân bố cỏ biển, bò biển ở các vùng biển nghiên cứu;
- Xây dựng được 01 bộ tiêu chí tổng hợp khảo sát đánh giá nguồn lợi các loài quý hiếm (bò biển, rùa biển, cá mập, cá heo) theo tiêu chuẩn của CMS-UNEP có tính khoa học cao;
- Đã tiếp nhận và ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá bớp, ương cá mú chấm nâu giai đoạn cá hương lên cá giống và công nghệ nuôi thương phẩm cá bớp, cá mú chấm nâu tại Xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình;
- Hoàn thiện được 01 qui trình sản xuất giống loài bào ngư 9 lỗ (H. diversicolor) đạt tỷ lệ sống cao. Đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống bào ngư chín lỗ (H. diversicolor) của Thái Lan và Đan Mạch. Kết quả sản xuất được hơn 10 ngàn con giống có chất lượng tốt với tỷ lệ đẻ và tỷ lệ sống của ấu trùng cao;
- Đã thu được 140 mẫu động vật đáy biển sâu (sao biển, sao biển rắn, huệ biển….) và 16 mẫu san hô (chủ yếu là san hô sừng);
- Đã đào tạo, tư vấn, hướng dẫn và chuyển giao áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng luợng, tiết kiệm nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho 2 doanh nghiệp Chế biến Thuỷ sản ở Đà Nẵng và Cần Thơ;
- Đã đào tạo, tư vấn, hướng dẫn và chuyển giao áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2004 cho 01 doanh nghiệp CBTS tại Đà Nẵng;
Ngoài ra, đối với lĩnh vực đào tạo sau đại học cũng thu được một số thành tựu đáng kể như đã tham gia đào tạo được 01 tiến sỹ, 05 thạc sỹ và 07 sinh viên thuộc các lĩnh vực nghiên cứu của Viện v.v...
Tại Hội nghị, ông Chu Tiến Vĩnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã ghi nhận và đánh giá cao những thành tích nổi bật đạt được của tập thể viên chức, lao động Viện Nghiên cứu Hải sản trong năm qua. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Viện và những yêu cầu mới trong công tác nghiên cứu khoa học, lãnh đạo Viện cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các chương trình, nhiệm vụ đã đề ra. Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tổ chức cán bộ, thực hiện tốt qui chế dân chủ cơ sở, đoàn kết thi đua lao động sáng tạo, tạo sực mạnh tập thể, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Viện.
Hội nghị cán bộ viên chức của Viện đã thực sự trở thành diễn đàn dân chủ cởi mở, tập trung ý chí, quyết tâm cao của cán bộ viên chức Viện. Hội nghị đã có nhiều ý kiến góp ý cho bản cáo cáo tổng kết năm, nhiều giải pháp tốt được đưa ra trong chương trình nghị sự của Hội nghị.
Hội nghị đã nhất trí cao và thông qua Nghị quyết năm 2011. Toàn thể cán bộ viên chức, lao động của Viện Nghiên cứu Hải sản hăng hái thi đua, khắc phục khó khăn, phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất với mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn của Viện năm 2011, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2010-2015 của Ngành Thủy sản nói riêng và ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nói chung.
 
Các đơn vị, cá nhân Viện Nghiên cứu Hải sản được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn