Ngày 5/12/2008, Hội đồng đào tạo sau đại học Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức chấm 03 chuyên đề tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Hồng Nhung. Đây là chuyên đề thuộc Chuyên ngành Ngư loại học, mang mã số 62 42 50 05. Theo đánh giá của Hội đồng, đây là những chuyên đề có chất lượng và đạt yêu cầu.

Chuyên đề 1: “Công tác quản lý, Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở khu vực bãi bồi thuộc vườn quốc gia Mũi Cà Mau”

Vùng Bãi Bồi Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau là vùng sinh thái thủy sinh đặc trưng, chứa đựng nguồn thức ăn phong phú và có điều kiện môi trường nước, thủy văn thuận lợi, thu hút nhiều loài động vật thủy sinh ẩn trú và sinh sản. Đây được coi là vườn ương cung cấp, bổ sung nguồn lợi tôm, cá, cua...vào các quần đàn trưởng thành sống trong các vùng biển lân cận, góp phần làm đa dạng khu hệ động vật của hệ thống sông, rạch, rừng ngập mặn trong vùng.

Hiện nay, công tác quản lý bảo vệ VQG Mũi Cà Mau còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết cấp bách: việc thiếu ý thức trách nhiệm của một số cán bộ bảo vệ VQG; sự phối hợp quản lý các cấp chưa chặt chẽ; tổ chức quản lý chưa phù hợp; mô hình chuyển đổi nghề chưa đạt hiệu quả cao; một bộ phận nhân dân sống trong và quanh VQG đang khai thác và sử dụng nguồn lợi trong Vườn rất thiếu trách nhiệm như chặt phá rừng, sử dụng ngư cụ có tính sát hại để khai thác thủy hải sản như: dùng dây thuốc cá, xung điện, lưới te, đóng đáy, lưới quây, xiệc, trủ...

Nội dung chính của chuyên đề nhằm mô tả thực trạng nghề khai thác và công tác quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm tìm ra nguyên nhân làm cơ sở đề xuất một số giải pháp quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Chuyên đề 2: “Dẫn liệu thành phần một số loài tôm, cá Vườn quốc gia Mũi Cà Mau”

VQG Mũi Cà Mau có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc bảo vệ sinh thái đất ngập nước ở Mũi Cà Mau, bảo vệ an ninh quốc phòng của vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc và hỗ trợ quá trình phát triển bền vững của Bán đảo Cà Mau theo hướng tiến ra Biển Đông.

Mũi Cà Mau có tổng diện tích 41.862 ha, trong đó Phân khu Bảo tồn biển chiếm gần 70% diện tích của Vườn, còn lại là phần đất liền bao gồm các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính dịch vụ.

Kết quả nghiên cứu từ năm 2003 đã xác định toàn tỉnh có 179 loài cá nước ngọt, cá biển, riêng khu vực Mũi Cà Mau có 80 loài. Đến nay, thành phần loài có thể có những thay đổi và rất cần việc đánh giá lại thành phần khu hệ ở đây. Nội dung chính của chuyên đề nhằm nghiên cứu đưa ra các dẫn liệu cập nhật những biến đổi trong khu hệ cá nội địa Cà Mau, trong đó có vùng Mũi Cà Mau.

Chuyên đề 3: “Hiện trạng hoạt động nghề te, đáy ở Vườn quốc gia Mũi Cà Mau”

Chuyên đề gồm hai nội dung: 1. Điều tra hiện trạng hoạt động khai thác nghề te, đáy ở VQG Mũi Cà Mau. 2. Bước đầu đánh giá sự ảnh hưởng của các nghề khai thác trên đến nguồn lợi thủy sản.

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy những dấu hiệu khai thác nguồn lợi không bền vững với trên 70% sản lượng tôm cá thu được từ nghề te và trên 50% sản lượng tôm trong nghề đáy có kích thước nhỏ hơn kích thước được phép đánh bắt theo quy định của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn). Theo nhận định của tác giả, hoạt động của nghề te, đáy làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản bổ sung và môi trường sống của sinh vật, gây ô nhiễm môi trường, làm giảm hiệu quả của công tác bảo vệ đa dạng sinh học VQG nói riêng và nguồn lợi thủy sản nói chung.

Duyên Hương<br>Phong Tin Học Thông Tin KHCN - Viện NGhiên cứu Hải sản