Ngày 17/01/2013, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức nghiệm thu đánh giá cấp cơ sở nhiệm vụ KHCN cấp Bộ, tên nhiệm vụ: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống hải sản có giá trị kinh tế, quý hiếm đang bị suy giảm nguồn lợi ở biển Việt Nam” do TS. Nguyễn Quang Hùng làm chủ nhiệm nhiệm vụ.

 

Tham dự hội nghị gồm có: Các cán bộ quản lý, các nhà khoa học thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hải Phòng, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Lãnh đạo Viện, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Nghiên cứu Hải sản cùng nhiều cán bộ khoa học khác. PGS. TS. Đỗ Văn Khương chủ trì Hội nghị.

 Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Quang Hùng đã trình bày các kết quả nghiên cứu của đề tài trong 4 chuyên đề:

-         Báo cáo đánh giá kết quả điều tra, khảo sát và danh mục các nguồn gen được bảo tồn và lưu giữ

-         Báo cáo kết quả bảo tồn và lưu giữ 05 nguồn gen (Cá song chấm đỏ Epinephelus akaara; Trai bàn mai Atrina vexillium; Cá nác B. Pectinirostris; Ngao ô vuông P. lacerata và Ngán A. Corrugata)

-         Báo cáo đánh giá sơ bộ 05 nguồn gen được lưu giữ (Cá song chấm đỏ Epinephelus akaara; Trai bàn mai Atrina vexillium; Cá nác B. Pectinirostris; Ngao ô vuông P. lacerata và Ngán A. Corrugata)

-         Cơ sở dữ liệu ban đầu và bộ hồ sơ về 05 nguồn gen hải sản mới được bảo tồn, lưu giữ năm 2012)

Các kết quả nổi bật của đề tài:

-         Đã điều tra bổ sung thông tin, phân lập 05 nguồn gen hải sản, bao gồm: 02 loài hải sản quý hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng và 03 loài hải sản kinh tế, có tiềm năng khai thác và phát triển nguồn gen.

-         Đã thu thập 05 nguồn gen hải sản mới về để lưu giữ trong điều kiện thực nghiệm: Cá song chấm đỏ Epinephelus akaara; Trai bàn mai Atrina vexillium; Cá nác B. Pectinirostris; Ngao ô vuông P. lacerata và Ngán A. Corrugata.

-         Đã thực hiện đánh giá ban đầu (đánh giá sơ bộ các chỉ tiêu sinh học) đối với 05 nguồn gen hải sản mới: Xác định nguồn gốc nguồn gen, các chỉ tiêu về hình thái, xác định một số đặc điểm sinh học và chỉ tiêu quan trọng để nhận biết và phân lập nguồn gen.

-         Đã xây dựng được Hồ sơ về 05 nguồn gen mới được thu thập, lưu giữ và bảo tồn.

Nguồn lợi hải sản ở nước ta rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, do khai thác quá mức cho phép nên hiện nay nguồn tài nguyên này ở nước ta bị suy giảm nghiêm trọng, một số loài đã bị tuyệt chủng hoặc đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Vì thế, đề tài đã đáp ứng được nhiệm vụ cấp bách hiện nay là bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống hải sản có giá trị kinh tế, quý hiếm đang bị suy giảm nguồn lợi ở biển Việt Nam.

Các thành viên Hội đồng (7/7) đã đánh giá cao về những kết quả đã đạt được của đề tài và cho điểm đề tài đạt loại Khá. Chủ nhiệm đề tài đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các đại biểu tham dự. Các ý kiến đóng góp của Hội đồng Khoa học và Đào tạo cùng các thành viên tham dự Hội nghị sẽ là những cơ sở để Chủ nhiệm đề tài hoàn thiện báo cáo tổng kết nhiệm vụ một cách tốt nhất cho đợt nghiệm thu cấp Bộ trong thời gian tới.