Triển khai thực hiện Công văn số 431/BNN-PC ngày 01/02/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. Viện Nghiên cứu Hải sản đã triển khai và gửi bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tới từng CBVC-LĐ và các đơn vị trực thuộc Viện qua mạng LAN, từng đơn vị đã tổ chức họp để lấy ý kiến. Kết quả đã nhận được sự quan tâm, nêu cao tinh thần trách nhiệm của toàn thể CBVC-LĐ và đã nhận được nhiều ý kiến góp ý cho bản Dự thảo.
Ngày 18/03/2013, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tổ chức Hội nghị toàn thể lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992. TS. Nguyễn Quang Hùng – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng chủ trì Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về các Chương, các Điều, các Khoản đã nêu trong bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992, đặc biệt là tập trung vào các Điều, Khoản liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường được quy định tại hai chương, Chương II: Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Điều 43, Điều 46) và Chương III: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường (Điều 65, Điều 67 và Điều 68). Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận và góp ý kiến về: Quyền lực nhà nước (Điều 2), vai trò lãnh đạo của Đảng (Điều 4) và đề nghị sắp xếp lại thứ, vị trí ưu tiên của một số Điều tại một số Chương.
Nhìn chung, các ý kiến tại Hội nghị đều cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp lần này đã quy định ngắn gọn hơn so với Hiến Pháp trước đây (từ 147 Điều còn 124 Điều), trong đó đã bổ sung khá nhiều nội dung mới.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ, các ý kiến tập trung cho rằng: nên bổ sung cụm từ: “Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian hạn định” vào khoản 3, Điều 67 để khuyến khích lao động, sáng tạo - động lực quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Quy định tại Điều 65 “phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” là chưa đủ vì thực tiễn cho thấy các chính sách của Nhà nước, chế tài pháp luật quy định vấn đề này chưa mạnh dẫn đến quy định này chưa thực sự có hiệu quả. Vì vậy, đề nghị nên bổ sung thêm quy định “Nhà nước có các cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật tạo điều kiện để bảo đảm phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu” để khắc phục những bất cập, tạo điều kiện cho hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ được vận hành tốt hơn.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng để phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, việc thu hút nhân tài là vấn đề quan trọng đối với tất cả các quốc gia. Việt Nam đã có nhiều chính sách phát triển quốc gia nhưng các chính sách này chưa có nội dung liên quan đến việc thu hút nhân tài. Vì vậy, đề nghị trong Điều 67 cần bổ sung thêm vào khoản 4: “Nhà nước có cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài nhằm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, công nghệ, an ninh quốc phòng”.
Tại Điều 67, Hội nghị có ý kiến cho rằng quy định tại điều này đã thể hiện vai trò Nhà nước nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ "thúc đẩy" ở khoản 2 và "tạo điều kiện" ở khoản 3, chưa thấy nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc đầu tư, ưu tiên để thỏa mãn điều kiện "giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu". Đề nghị nên quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước, tạo nguồn lực, cơ sở vật chất, khuyến khích như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và môi trường.
Nhìn chung, Hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp thiết thực vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp năm 1992 trên tinh thần khách quan, dân chủ, có tinh thần trách nhiệm cao và thể hiện được ý chí, nguyện vọng chung của toàn thể CBVC-LĐ, đảng viên của Viện Nghiên cứu Hải sản phục vụ cho việc đẩy mạnh phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ, môi trường và các vấn đề chung khác của đất nước. Tất cả các ý kiến góp ý sẽ được Phòng Tổ chức – Hành chính tổng hợp, báo cáo và gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.