Nguyễn Quang Đông
Nguyễn Quang Hùng
Hoàng Đình Chiều

 


1. MỞ ĐẦU
Rừng ngập mặn (RNM) Đồng Rui - Quảng Ninh, Hưng Hoà - Nghệ An, Long Sơn – Vũng Tàu, VQG mũi Cà Mau là hệ sinh thái có giá trị kinh tế và đa dạng sinh học cao. Chúng có nhiều loài hải sản kinh tế, cây lấy gỗ, củi và dược liệu giá trị, mang lại nguồn thu nhập lớn cho cộng đồng ngư dân địa phương. Với giá trị kinh tế đó nên việc khai thác, sử dụng quá mức tài nguyên của cộng đồng người dân địa phương đang là sức ép ảnh hưởng xấu đến hiện trạng đa dạng sinh học, nguồn lợi hệ sinh thái các vùng RNM này. Để khắc phục tình trạng trên, việc điều tra, đánh giá hiện trạng kinh tế xã hội của cộng đồng người dân địa phương nhằm đề xuất các giải pháp quản lý, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi trong các vùng RNM này là hết sức cần thiết.
Bài viết này trình bày một số kết quả điều tra, nghiên cứu chính về “Hiện trạng kinh tế - xã hội của cộng đồng ngư dân có đời sống gắn liền với các vùng rừng ngập mặn”, là một phần kết quả nghiên cứu trong đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản và đa dạng sinh học của một số vùng rừng ngập mặn điển hình để khai thác hợp lý và phát triển bền vững” do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì - Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Quang Hùng.
2. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA
2.1. Địa điểm và thời gian điều tra

Địa điểm điều tra: là 4 vùng RNM đại diện cho 4 khu vực địa lý dọc theo vùng ven biển Việt Nam gồm (1) vùng RNM Đồng Rui (huyện Tiên Yên-Quảng Ninh) đại diện khu vực phía Bắc; (2) vùng RNM Hưng Hoà (gần cửa sông Lam, Nghệ An) đại diện khu vực miền Trung; (3) vùng RNM Long Sơn (Vũng Tàu) đại diện khu vực Đông Nam Bộ; (4) vùng RNM Vườn Quốc Gia mũi Cà Mau đại diện khu vực Tây Nam Bộ.
Thời gian thực hiện: trong 3 năm (từ đầu năm 2008 đến năm 2010).
Đối tượng điều tra: cộng đồng ngư dân có các hoạt động kinh tế (dịch vụ hậu cần, các hoạt động phát triển kinh tế v.v.), khai thác, sử dụng nguồn lợi trong các vùng RNM thuộc 4 khu vực nghiên cứu.
2.2. Phương pháp điều tra
Điều tra hiện trạng kinh tế xã hội được thực hiện theo hướng dẫn của Leah Bunce & Bob Pomeroy (2003) và L. Buce, P. Townsley, R. Pomeroy, R. Pollnac (2002); Đánh giá nhận thức của cộng đồng ngư dân và một số ảnh hưởng từ kinh tế xã hội đến nguồn lợi thuỷ sản được thực hiện theo hướng dẫn của Ronnie Vernooy (1999). Một số bước điều tra cụ thể như sau:
a) Điều tra sơ cấp:
- Quan sát trực tiếp: Các nguồn thông tin về tình hình kinh tế xã hội được quan sát và ghi nhận trong quá trình khảo sát gồm khái quát về điều kiện cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội chung tại khu vực nghiên cứu. Các nguồn thông tin thu thập được bằng phương pháp quan sát trực tiếp sẽ là nguồn số liệu dùng để so sánh, đối chiếu và kết hợp với các nguồn thông tin thứ cấp để có cơ sở đánh giá chính xác hơn.
- Phỏng vấn trực tiếp: Nhóm đối tượng điều tra là ngư dân khai thác, người tiêu dùng, cán bộ quản lý thủy sản địa phương liên quan, người buôn bán thủy sản. Sử dụng các biểu mẫu phỏng vấn đã được in sẵn để thu thập thông tin kinh tế xã hội. Thông tin phỏng vấn chủ yếu bao gồm: dân số, lực lượng lao động tham gia khai thác thuỷ sản, nghề nghiệp, trình độ học vấn, nguồn thu nhập, sinh kế, nhu cầu, nguyện vọng và nhận thức của cộng đồng ngư dân trong việc quản lý và sử dụng nguồn lợi trong hệ sinh thái RNM.
b) Điều tra thứ cấp:
Thu thập các nguồn thông tin thứ cấp từ các cơ quan quản lý thủy sản địa phương, Sở NN và PTNT , các UBND xã, huyện, tỉnh. Thông tin thứ cấp bao gồm: Các báo cáo tình hình kinh tế-xã hội hàng quí, hàng năm, tài liệu thống kê thủy sản và các chỉ tiêu kinh tế xã hội, báo cáo qui hoạch phát triển thủy sản và kinh tế xã hội của địa phương.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Dân số và lực lượng tham gia khai thác nguồn lợi thuỷ sản

Kết quả điều tra cho thấy, lực lượng tham gia khai thác nguồn lợi thuỷ sản có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực RNM, trong đó VQG mũi Cà Mau có số hộ và nhân khẩu cao nhất (1899 hộ và 9479 nhân khẩu), tiếp đến là Long Sơn (1387 hộ và 5824 nhân khẩu), Đồng Rui (627 hộ và 2389 nhân khẩu) và thấp nhất là Hưng Hoà (159 hộ và 710 nhân khẩu) (Bảng 1).

Như vậy có thể nhận thấy trung bình số nhân khẩu trên một hộ là khá cao. VQG mũi Cà Mau có số nhân khẩu trung bình/hộ là cao nhất (5 người), 3 vùng còn lại là Đồng Rui, Hưng Hoà và Long Sơn có số nhân khẩu trung bình/hộ là 4 người. Trung bình một hộ có từ 2-3 người sống phụ thuộc, chưa có việc làm hoặc đang đi học. Đây thực sự là một gánh nặng lớn cho những gia đình sống hoàn toàn phụ thuộc vào nghề khai thác thuỷ sản trong các vùng RNM này.
Trong tổng số hộ điều tra ở các khu vực nghiên cứu, lực lượng khai thác thuỷ sản gần như cao hơn nhiều so với lực lượng nuôi trồng thuỷ sản. Cụ thể, VQG mũi Cà Mau có lực lượng khai thác thuỷ sản cao hơn 67,8% so với lực lượng nuôi trồng thuỷ sản, Đồng Rui cao hơn 38,3%, Long Sơn cao hơn 4,4%. Chỉ riêng Hưng Hoà có lực lượng nuôi trồng thuỷ sản cao hơn 21,4% so với lực lượng khai thác thuỷ sản. Nguyên nhân chính là do khu vực này có diện tích rừng ngập mặn nhỏ và nằm sâu phía trong cửa sông nên người dân chủ yếu tập trung nuôi trồng thuỷ sản phía trong đê. Vì vậy, tỉ lệ người tham gia nuôi trồng thuỷ sản cao hơn khai thác thuỷ sản là hoàn toàn hợp lý.
3.2. Trình độ học vấn của lực lượng lao động tham gia khai thác thủy sản
Trình độ học vấn của người tham gia lao động khai thác thủy sản rất khác nhau giữa các vùng. Trong 4 vùng RNM, VQG mũi Cà Mau có tỷ lệ người không biết chữ cao nhất (18%) và tỷ lệ người học từ cấp 3 trở lên thấp nhất (2%). Ngược lại, Hưng Hoà là khu vực có tỷ lệ người không biết chữ thấp nhất (2%), tỷ lệ người học từ cấp 3 trở lên cao nhất (8%). Còn lại, hầu hết lực lượng tham gia khai thác thuỷ sản ở 4 vùng RNM chỉ học hết cấp 1 hoặc cấp 2. Trong đó, tỷ lệ người học hết cấp 1 cao nhất ở Đồng Rui (65%) và thấp nhất là ở Hưng Hoà (40%); tỷ lệ người học hết cấp 2 cao nhất ở Hưng Hoà (50%) và thấp nhất ở VQG mũi Cà Mau (20%) (Hình 1).
Ngoài ra, kết quả điều tra còn cho thấy, tỷ lệ những người học trên cấp 3 hoặc đại học chỉ tập trung vào cán bộ hoặc nhóm người hành chính hoặc quản lý nguồn lợi thuỷ sản, hoặc ban quản lý rừng ngập mặn. Điều này là tình trạng chung của cả 4 vùng rừng ngập mặn nghiên cứu.
 

3.3. Nhận thức của lực lượng tham gia khai thác về sự suy giảm nguồn lợi thuỷ sản
Kết quả điều tra hộ ngư dân về vấn đề suy giảm nguồn lợi cho thấy, tất cả ngư dân được phỏng vấn tại 4 vùng RNM nghiên cứu đều cho rằng nguồn lợi thuỷ sản trong hệ sinh thái RNM đang bị suy giảm. Kết quả cụ thể về mức độ suy giảm được thể hiện cụ thể trong hình 2.
RNM Đồng Rui: Tỷ lệ người trả lời nguồn lợi suy giảm nhiều cao nhất ở Đồng Rui (45,4% tổng số người được phỏng vấn), tỷ lệ người phỏng vấn suy giảm không nhiều cũng khá cao (23,9% tổng số người được phỏng vấn). Như vậy có thể nhận thấy, xu hướng nhận thức chủ yếu ở Đồng Rui là nguồn lợi thuỷ sản suy giảm nhiều.
RNM Hưng Hoà: Số lượng người trả lời nguồn lợi thuỷ sản suy giảm nghiêm trọng chiếm tỷ lệ cao nhất (35,6% tổng số người được phỏng vấn) và thấp nhất là số người trả lời nguồn lợi thuỷ sản suy giảm không nhiều (12,7% tổng số người được phỏng vấn). Điều này hoàn toàn phù hợp với hiện trạng nguồn lợi thực tế vì hiện tại RNM Hưng Hoà đang bị thu hẹp rất lớn và có khả năng mất hoàn toàn do một số dự án xây dựng khu đô thị mới và mở rộng vùng nuôi trồng thuỷ sản ra phía rừng.
RNM Long Sơn: Tỷ lệ những người trả lời suy giảm không nhiều, nhiều, rất nhiều và nghiêm trọng có phần tương đương nhau. Điều này có thể giải thích do thành phần người được phỏng vấn ở Long Sơn họ không chỉ tập trung chủ yếu vào khai thác thuỷ sản mà tham giá khá nhiều ngành nghề như nuôi trồng thuỷ sản, nông nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, một phần cho rằng nguồn lợi suy giảm không nhiều do họ ít tham gia khai thác, một phần cho rằng nguồn lợi suy giảm nghiêm trọng do họ khai thác không được nhiều.
VQG mũi Cà Mau: Tỷ lệ những người trả lời nguồn lợi thuỷ sản suy giảm không nhiều là cao nhất (34,5% tổng số người được phỏng vấn) và tỷ lệ người trả lời nguồn lợi thuỷ sản suy giảm nghiêm trọng là thấp nhất (12,4% tổng số người được phỏng vấn). Điều này có thể do VQG Cà Mau có ban quản lý rừng và nguồn lợi thuỷ sản hoạt động rất hiệu quả và nghiêm túc cho nên nguồn lợi thuỷ sản ở đây có suy giảm nhưng chưa nghiêm trọng.
3.4. Cơ cấu nghề nghiệp
Kết quả điều tra cơ cấu nghề nghiệp của các hộ liên quan đến nguồn lợi thuỷ sản cho thấy, cơ cấu nghề nghiệp có sự đan xen các ngành nghề trong một hộ và sự sai khác riêng biệt giữa các vùng rừng ngập mặn nghiên cứu. Kết quả cụ thể được thể hiện trong hình 3.
Kết quả nghiên cứu cho thấy: Đồng Rui có nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất (81,1%), tiếp theo là khai thác thuỷ sản (64,7%), nuôi trồng thuỷ sản (26,4%), lâm nghiệp đứng thứ 4 (24,7%); Hưng Hoà cũng có nông nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất (89,2%), tiếp theo là thương nghiệp (54,4%), nuôi trồng thuỷ sản (43,1%), khai thác thuỷ sản (21,7%); Long Sơn có cơ cấu ngành nghề khá tương đương, cao nhất là khai thác thuỷ sản (65,6%) và thứ hai là nuôi trồng thuỷ sản (61,2%); VQG mũi Cà Mau có khai thác thuỷ sản chiếm tỷ lệ cao nhất (84,9%), còn các ngành nghề khác là khá tương đương nhau chiếm dưới 40%.
 

Như vậy có thể nhận thấy, Đồng Rui và Hưng Hoà có cơ cấu nghề nghiệp phụ thuộc vào nông nghiệp có tỷ lệ cao hơn các nghề khác (chiếm trên 80%). Trong khi đó, VQG mũi Cà Mau và Long Sơn có cơ cấu nghề nghiệp phụ thuộc vào khai thác thuỷ sản cao hơn các nghề khác. Dựa vào kết quả này có thể đưa ra việc điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp sao cho phù hợp nhất để tạo thu nhập thay thế nhằm giảm thiểu áp lực khai thác nguồn lợi của các hộ ngư dân trong các vùng RNM này.
3.5. Thu nhập của cộng đồng người dân liên quan đến RNM
Tổng thu nhập của các hộ dân được tính bằng tổng thu nhập từ các ngành khai thác thuỷ sản, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, thương nghiệp và nghề khác. Kết quả cho thấy tổng thu nhập của Long sơn là cao nhất (3,24 triệu/hộ/tháng), tiếp theo là VQG mũi Cà Mau (2,94 triệu/hộ/tháng), Hưng Hoà (2,75 triệu/hộ/tháng) và thấp nhất là Đồng Rui (2,25 triệu/hộ/tháng) (Bảng 2).

Nguồn thu nhập chính của hộ dân ở mỗi vùng nghiên cứu phụ thuộc vào các ngành nghề khác nhau. Các hộ dân ở Đồng Rui có nguồn thu nhập phụ thuộc chính vào nông nghiệp (879.000 đồng/tháng), tiếp đến khai thác thuỷ sản và thương nghiệp (409.000 đồng/tháng). Các hộ dân ở Hưng Hoà có nguồn thu nhập phụ thuộc chính vào nuôi trồng thuỷ sản (936.000 đồng/tháng), tiếp đến nông nghiệp (921.000 đồng/tháng), khai thác thuỷ sản đóng góp không đáng kể. Các hộ dân ở Long Sơn có nguồn thu nhập phụ thuộc chính vào nuôi trồng thuỷ sản 940.000 đồng/tháng, tiếp đến thương nghiệp (866.000 đồng/tháng). Trong khi đó, các hộ dân ở VQG mũi Cà Mau có nguồn thu nhập phụ thuộc chính vào khai thác thuỷ sản và mức thu nhập cao nhất so với các ngành nghề ở cả 4 vùng RNM (1.164.000 đồng/tháng).
3.6. Một số nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản RNM
* Ảnh hưởng từ gia tăng dân số và đói nghèo
Sự gia tăng dân số là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản. So với diện tích của các xã, mật độ dân số là khá cao. Đồng thời, dân số của các xã ngày càng tăng, các hộ nghèo không giảm dẫn đến phát triển các khu sản xuất nông nghiệp, khu dân cư, khu nuôi tôm ven biển. Kết quả điều tra cho thấy, lực lượng lao động được bổ sung hàng năm của các xã ngày càng tăng, cụ thể VQG mũi Cà Mau tăng 8%, xã Long Sơn tăng 5%, xã Đồng Rui 3% hàng năm. Chính vì thế gây nên sự dư thừa lực lượng lao động, tạo nên sức ép lớn hơn cho nguồn lợi thuỷ sản. Trong khi đó việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp cho cộng đồng ngư dân không phải là vấn đề có thể giải quyết ngay trong một thời gian ngắn. Đó là một trong những nguyên nhân làm giảm đa dạng sinh học và nguồn lợi sinh vật RNM.
* Ảnh hưởng từ nhận thức của người dân
Tại các vùng RNM nghiên cứu có sự đa dạng và phức tạp về dân tộc thiểu số. Trong đó xã Long Sơn gồm có 5 dân tộc (dân tộc Kinh, Khmet, Tày chiếm 20% tổng số dân của xã). VQG Cà Mau có 9 dân tộc (dân tộc Kinh, Khmet, Dao, Nùng, Hoa chiếm 30%). Xã Đồng Rui gồm có 4 dân tộc (Kinh, Hoa, Nùng, Dao) và xã Hưng Hoà chủ yếu dân tộc kinh. Đời sống của người dân tộc đặc biệt là khó khăn, phụ thuộc chủ yếu vào khai thác thuỷ sản tự nhiên và nuôi trồng thuỷ sản xung quanh vùng RNM. Trong khi đó, hầu hết cộng đồng ngư dân không nhận thức được vai trò của rừng ngập mặn trong việc bảo vệ đê, phòng bão lũ lụt, là nơi trú ẩn, bãi đẻ của nguồn lợi thuỷ sản. Các hộ ngư dân chỉ quan tâm lợi ích trước mắt nên khai thác nguồn lợi một cách quá mức, chặt phá rừng bừa bãi làm phá huỷ dần hệ sinh thái rừng ngập mặn khiến cho nguồn lợi thuỷ sản trong các hệ sinh thái rừng ngập mặn ngày một suy giảm.
* Ảnh hưởng từ việc phá RNM
Chỉ trong vài năm gần đây, một diện tích đáng kể RNM tại 4 khu vực nghiên cứu đã bị khai phá để làm đầm nuôi tôm. Hậu quả của việc phá rừng nuôi tôm đã gây ảnh hưởng đến RNM như sau: Làm suy giảm tài nguyên nước diễn ra ở các đầm nuôi, làm cho môi trường bị thoái hóa, làm hàm lượng sinh vật biến đổi theo chiều hướng xấu; Làm giảm nguồn lợi tôm, cua giống: Các loài này đẻ trứng ở ngoài biển, ấu trùng và hậu ấu trùng di chuyển vào cửa sông nơi có RNM và sống cho đến khi trưởng thành nên khi RNM mất đi, chúng mất nơi cư trú và di chuyển đi nơi khác; Làm tăng diện tích đất hoang và phát sinh dịch bệnh: việc phá RNM nuôi tôm hoặc sản xuất nông nghiệp đã nhanh chóng tăng diện tích đất hoang. Các chất thải, bùn đáy được thải ra từ các đầm tôm đã gây ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh tốc độ bồi lắng ở các sông rạch.
* Ảnh hưởng từ các chính sách xã hội
Qua các chính sách của 4 xã thì ta thấy trong các năm qua các chính sách đưa ra còn một số hạn chế: việc giao đất khoán rừng cho những hộ không đất hoặc thiếu đất tại xã Đồng Rui, VQG Cà Mau, xã Long Sơn là một giải pháp tình thế tạo được sự ổn định giai đoạn đầu nhưng thực sự là một gánh nặng cho các đơn vị quản lý rừng và nguồn lợi thuỷ sản; Khi giao khoán cho các hộ nghèo và chính sách chưa đúng đối tượng, một số hộ không được giao mà chủ yếu là các doanh nghiệp, cá nhân có tiền nhận và thuê các hộ nghèo làm công. Đây là một hạn chế đến hiệu quả kinh tế và tổ chức đời sống xã hội nghề rừng; Việc hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý giao đất khoán rừng ở hai xã này còn triển khai chậm, tình trạng sang bán tùy tiện xảy ra khá phổ biến; Chuyển đất RNM sang sản xuất nông nghiệp, diện tích nuôi tôm đến nay hầu hết đã bỏ hoang trong đó xã Đồng Rui là điển hình.
4. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
4.1. Kết luận

+ Tổng số hộ khai thác thuỷ sản tại 4 vùng RNM nghiên cứu là 2.984 hộ, tổng nuôi trồng thuỷ sản là 1.344 hộ. Vùng RNM Đồng Rui, Long Sơn, VQG mũi Cà Mau có tỉ lệ người tham gia khai thác thuỷ sản rất cao (lớn hơn 64% tổng hộ điều tra).
+ Cộng đồng ngư dân tại các vùng RNM nghiên cứu đều nhận thấy nguồn lợi thuỷ sản đã bị suy giảm, tuy nhiên mức độ đánh giá về sự suy giảm ít, nhiều hoặc nghiêm trọng còn khác nhau nhiều giữa các khu vực nghiên cứu.
+ Khai thác thuỷ sản và nông nghiệp là hai nghề chính tại các vùng RNM nghiên cứu. Tổng thu nhập bình quân/hộ/tháng tại các vùng RNM Đồng Rui, Hưng Hoà, Long Sơn, VQG mũi Cà Mau lần lượt là 2.250.000 đồng, 2.750.000 đồng, 3.240.000 đồng, 2.940.000 đồng.
4.2. Đề xuất
+ Cần tạo sinh kế bền vững mới, thay thế dần sinh kế khai thác thuỷ sản tự nhiên của cộng đồng ngư dân phụ thuộc vào RNM nhằm giảm sức ép khai thác đến nguồn lợi thuỷ sản, tạo điều kiện cho nguồn lợi thuỷ sản có khả năng tái tạo phục hồi dần.
+ Tăng cường tuyên truyền giáo dục để cộng đồng ngư dân có đời sống gắn liền với RNM nhận thức được vai trò quan trọng của RNM không chỉ là nơi cung cấp sinh kế mà còn là nơi ương nuôi ấu trùng thuỷ hải sản, bảo vệ đê, chống xói lở, bão gió và nhiều giá trị khác cần được bảo vệ ngay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo kinh tế xã hội định kì hàng quý từ năm 2008 – 2009 của UBND các địa phương.
2. L. Buce, P. Townsley, R. Pomeroy, R. Pollnac, 2002. Socioeconomic Manual for Coral Reef Management. Australian Institute of Marine Science, PMB No. 3, Townsville Mail Centre Townsville Q 4810. Australia. 264 p.
3. Leah Bunce & Bob Pomeroy, 2003. Socioeconomic Monitoring Guidelines for Coastal Managers in Southeast Asia.World Commission on Protected Areas and Australian Institute of Marine Science, 2003. 85 p.
4. Ronnie Vernooy, 1999. Participatory Monitoring and Evaluation. Readings and Resources for Community – Based Natural Resource Management Researcher. Volume 8. CBNRM, Programs branch, IDRC, P.O. Box 8500, Ottawa, Ontario, Canada K1G 3H9. 268 p.

Người phản biện: ThS. Nguyễn Phi Toàn