Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam niên vụ 2007 đã đạt được chỉ tiêu 3,6 tỷ USD, trong đó, mặt hàng tôm xuất khẩu đã chiếm đến 1,5 tỷ USD, tăng trên 12% so với cùng kỳ năm 2006. Sự tăng trưởng này liệu có đứng vững trong năm 2008 khi mà trên thị trường con tôm sú đang bị con tôm thẻ chân trắng cạnh tranh rất quyết liệt?
Tôm sú là thế mạnh của ĐBSCL, nhiều năm qua ĐBSCL đã nuôi và xuất khẩu tôm sú đạt hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, do giá tôm thẻ chân trắng rẻ hơn nhiều so với tôm sú Việt Nam, nên thị phần tôm sú ngày càng thu hẹp, và nguy cơ mất thị trường đang diễn ra trước mắt. Nếu ngành tôm trong nước không sớm có biện pháp đối phó, thì sẽ ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước!
Giá tôm sú tăng và thị phần đang "co" lại
Thông thường vào dịp cuối năm để chuẩn bị cho Noel, giá tôm sú xuất khẩu tăng từ 10-20%, nhưng năm nay giá tôm không tăng mà lại sụt, đây là điều đáng buồn cho con tôm sú Việt Nam. Hiện nay, do giá bán tôm thẻ chân trắng rất rẻ nên nhiều khách hàng đã quay lưng lại với con tôm sú của Việt Nam.
Đối với thị trường Mỹ, tuy hàng rào thuế quan đã được dỡ bỏ nhưng giá của tôm thẻ chân trắng rẻ hơn tôm sú từ 1-1,5USD/kg, chính vì vậy mà thị phần của con tôm thẻ chân trắng tăng mạnh, chiếm trên 80%, còn thị phần con tôm sú thì đang "co" lại, chỉ còn sấp xỉ 20%. Đây là khó khăn mà người nuôi tôm và các nhà doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trong nước phải đối mặt và phải vượt qua. Các doanh nghiệp chế biến trong nước đang gặp khó khăn về thị trường tôm sú, do sự cạnh tranh rất khắc nghiệt giữa con tôm sú Việt Nam với con tôm thẻ chân trắng của Thái Lan, Trung Quốc và Indonesia.
Ông Lê Văn Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kiêm Chủ tịch Hội tôm thuộc VASEP, Tổng giám đốc Công ty Thủy hải sản Minh Phú Cà Mau cho biết: "Hiện tại giá tôm sú trong nước tương đối thấp nhưng trong thời gian từ nay cho đến tháng 5/2008, giá tôm sú sẽ tăng khoảng 5 - 10%, tuy nhiên sau đó giá tôm sẽ không tăng mà lại giảm. Đây là một điều mà các nhà chế biến rất trăn trở. Còn đối với bà con nuôi tôm, để con tôm sú có thể cạnh tranh với con tôm thẻ chân trắng thì buộc phải giảm giá thành nuôi tôm sú".
Chủ động con giống sẽ kéo giảm giá thành
Trong chiến lược phát triển ngành thủy sản, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển con tôm sú thì phải tìm mọi cách giảm giá thành tôm sú xuống mới mong cạnh tranh được với con tôm thẻ chân trắng. Muốn vượt qua khó khăn này, cách duy nhất là ngành thủy sản phải giúp nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình nuôi để hạ giá thành tôm sú, hoặc mở rộng và phát triển con tôm thẻ chân trắng trong nước để cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc.
Ông Quang cho biết thêm, nếu ĐBSCL còn tiếp tục phát triển con tôm sú thì phải có biện pháp giảm giá thành. Phải làm sao giá thành con tôm sú dưới 50.000 đồng/kg mới có thể cạnh tranh với tôm thẻ chân trắng.
Sóc Trăng là một trong những tỉnh ở ĐBSCL khá thành công trong việc nuôi tôm sú. Năm 2007, Sóc Trăng có 49.000 ha nuôi tôm sú, nuôi công nghiệp xấp xỉ 26.000 ha, đạt khoảng 50.000 tấn tôm, nhờ nuôi thủy sản khá thành công đã góp phần vào 380 triệu USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Ông Phạm Minh Tiền, Giám đốc Sở Thủy sản Sóc Trăng, cho biết, đây là năm thứ 3 tỉnh Sóc Trăng nuôi tôm sú thành công, góp phần cải thiện thu nhập của bà con nông dân. Ngày nay, con tôm sú đã đứng vững ở tỉnh Sóc Trăng, bà con đã có kinh nghiệm nuôi tôm sú.
Có được thành quả trên là do Sở thủy sản xác định được tính thời vụ. Nhờ dãn vụ mà tôm sú Sóc Trăng không thu hoạch ồ ạt rồi bị xuống giá. Thứ hai, công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho dân và khả năng kiểm soát được con giống của bà con. Thứ ba, thức ăn và thuốc thú y, ngoài ra Sở cũng đã hình thành các hợp tác xã, câu lạc bộ nuôi thủy sản. Trong đó, điều quan trọng đưa đến thành công là do bà con rất tuân thủ lịch thời vụ.
Tuy nhiên giá thành tôm sú vẫn còn cao. Có 3 vấn đề mà nghề nuôi tôm sú ở ĐBSCL đang đối mặt. Một là an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề này thế giới đang kiểm tra rất nghiêm ngặt. Hai là môi trường, sự phát triển nuôi tôm sú, cá tra, ba sa và nông nghiệp..., làm cho môi trường nước trong khu vực ngày càng xấu đi, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản nuôi và đẩy giá thành tôm sú ngày càng cao.
Theo ông Quang trong 3 năm trở lại đây nghề nuôi tôm ở ĐBSCL đã áp dụng công nghệ sinh học, dùng các chế phẩm vi sinh để cải tạo môi trường, cân bằng sinh thái để tôm phát triển, nên hiện nay vấn đề môi trường không còn đáng lo ngại lắm. Điều đáng quan tâm nhất bây giờ là con giống, vì giá con giống góp phần rất lớn làm tăng hay giảm giá thành tôm sú.
Hiện nay chúng ta chưa chủ động được con tôm bố mẹ, phải đánh bắt từ biển nên rủi ro tôm bố mẹ mang mầm bệnh vẫn còn. Vào những ngày biển êm ngư dân đi đánh bắt xa bờ thì con tôm bố mẹ không mang mầm bệnh, những ngày biển động, ngư dân đánh bắt ven bờ thì xác suất tôm bố mẹ mang mầm bệnh là rất lớn. Do tính chất của thời vụ, không thể đợi biển êm mới đi đánh bắt tôm bố mẹ. Do đó, bài toán tôm bố mẹ vẫn là chưa có lời giải.
Trong chiến lược giảm giá thành con tôm sú, Công ty Hưng Phú đã bắt đầu chương trình nghiên cứu và tham gia để sản xuất được tôm sú bố mẹ. Trong vòng từ 3-5 năm nữa Hưng Phú phải chủ động được nguồn tôm bố mẹ và sản xuất ra tôm bố mẹ sạch bệnh, lớn nhanh, nếu như tôm sú nuôi đạt được năng xuất 15 - 20 tấn/ha thì giá thành sẽ giảm rất nhiều và cạnh tranh được với con tôm thẻ chân trắng.
Khôi Nguyên (Nguồn vneconomy.vn)