Mục tiêu xuất khẩu 3,6 tỷ USD trong năm là tương đối dễ dàng, tuy nhiên ngành Thuỷ sản cần giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến nguyên liệu chế biến và an toàn vệ sinh hàng thuỷ sản xuất khẩu….

Năm 2007, xuất khẩu thuỷ sản của cả nước đã có mức tăng trưởng mạnh ngay từ những tháng đầu năm và đều vượt “ngưỡng” 200 triệu USD/tháng về giá trị kim ngạch. Với kết quả đạt được, các chuyên gia trong ngành Thuỷ sản nhận định rằng, . Tuy nhiên, để duy trì được kết quả này, ngành Thuỷ sản cần giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến nguyên liệu chế biến và an toàn vệ sinh hàng thuỷ sản xuất khẩu….

3 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của cả nước tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong tháng 4, xuất khẩu thuỷ sản có mức tăng trưởng đột biến, đạt 300 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng lên 1,015 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là những tín hiệu đáng mừng về giá trị tăng trưởng và năng lực chế biến xuất khẩu.

Tuy nhiên, đà tăng trưởng này cũng còn nhiều ý kiến nghi ngờ, nguyên nhân chính là do những tháng đầu năm xuất khẩu của cả nước đã có những thay đổi về trật tự thị trường như xuất khẩu cá tăng mạnh, trong khi xuất khẩu tôm chững lại. Không những thế, ngay từ tháng 2, hậu quả từ “tăng trưởng nóng” đã xuất hiện khi nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồng loạt tăng công suất hoạt động để sản xuất và giao hàng theo hợp đồng đã ký với các nhà nhập khẩu nên tình trạng thiếu nguyên liệu, đặc biệt là cá da trơn đã trở nên trầm trọng.

Với việc thiếu hụt nguyên liệu, nhất là trong những tháng đầu năm là một cản trở về sau cho sự tăng trưởng liên tục giá trị xuất khẩu, năng lực sản xuất. Đồng thời, đây cũng là một tiền đề cho hoạt động thu mua, nhập lậu nguyên liệu thiếu đảm bảo về chất lượng, an toàn vệ sinh – hậu quả dẫn tới nhiều lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo, bị huỷ hoặc bị trả lại do nhiễm dư lượng hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng.

Theo Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản, để giữ đà tăng trưởng, một trong những giải pháp cần được ưu tiên là sẽ tính đến vấn đề nhập nguyên liệu để tái chế xuất khẩu. Tuy nhiên các đơn vị liên quan cũng cần tính tới các yếu tố liên quan đến thuế nhập khẩu sao cho vừa giản tiện, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu, đồng thời, vẫn bảo đảm các yếu tố phát huy được thế mạnh của sản phẩm từ nuôi trồng, bảo vệ chính đáng sản phẩm sản xuất trong nước.

Ngay trong tháng 5 này, Bộ sẽ họp Ban điều hành sản xuất cá tra, basa để đưa ra những chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo ổn định về nguyên liệu cho chế biến, tránh tình trạng lúc thiếu, lúc thừa.

Bên cạnh đó, ngành Thuỷ sản cũng sẽ bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản xuất khẩu. Trước mắt sẽ ban hành sớm hướng dẫn về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thuỷ sản; tập trung các quy định về điều kiện sản xuất kinh doanh, liên quan chế biến thuỷ sản và nguyên liệu thuỷ sản dùng cho chế biến để giải quyết được các yêu cầu bức xúc về an toàn vệ sinh trong sản xuất kinh doanh thuỷ sản hiện nay.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ sớm chấn chỉnh những hoạt động, hành vi ảnh hưởng uy tín của xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam như: bơm chích tạp chất; các thủ thuật nhằm tăng khối lượng và kích cỡ; việc nhập khẩu nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tình trạng buông lỏng quản lý trong sử dụng lẫn mã số doanh nghiệp được cấp của cơ sở đủ điều kiện sản xuất chế biến xuất khẩu thuỷ sản.

Đồng thời, để đẩy mạnh xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, ngành thuỷ sản sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại theo kế hoạch, phối hợp với các cơ quan ngoại giao, thương mại hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn từ các rào cản thương mại, kỹ thuật trên các thị trường xuất khẩu thuỷ sản; tiếp tục dự báo hỗ trợ thông tin dự báo thị trường giữa các sản phẩm thuỷ sản cho doanh nghiệp; duy trì cơ cấu thị trường giữa các thị trường.

Theo nongdan, thuonghieunongsan.org.vn