Theo Bộ NN-PTNT, các DN Việt Nam hiện đang tồn đọng hàng nghìn tấn cá tra, basa do những quy định ngặt nghèo về kiểm soát chất lượng của Liên bang Nga. Yêu cầu nhập khẩu của nước này lại khác biệt nên DN cũng "bó tay", không thể xuất sang các thị trường khác.

Nhiều DN đang tồn đọng hàng nghìn tấn cá tra (ảnh minh họa). Báo cáo của Ban chỉ đạo Chương trình xuất khẩu thuỷ sản cho thấy, từ 25/2, Nga đã công bố lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản từ các nước, trong đó có Việt Nam. Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Quản lý Chất lượng, ATVS và Thú y thuỷ sản (Nafiqaved) mời 2 đoàn thanh tra của Nga sang Việt Nam kiểm tra điều kiện sản xuất của các DN, cơ sở nuôi.

Đến nay, đã có 27 DN thuỷ sản được cấp mã số xuất khẩu vào Nga. Mới đây nhất, Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Nga công nhận thêm 18 DN thuỷ sản khác.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường này vẫn vướng mắc do cơ chế của thị trường Nga rất phức tạp, ngay cả đối với nhà nhập khẩu (ví như phải xin quá nhiều giấy phép liên quan đến chất lượng), đã tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh thuỷ sản của các DN Việt Nam.

Bà Trần Thị Miêng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) cho biết, đặc biệt với mặt hàng cá tra, basa, do khó khăn về thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá có chất lượng phù hợp với thị trường Nga (thịt đỏ, vàng, miếng filê không cần sửa), nhiều DN Việt Nam đang tồn kho cả nghìn tấn sản phẩm loại này.

Ngoài ra, do yêu cầu về nhập khẩu sản phẩm cá tra, basa của Nga khác biệt so với các thị trường khác về tỷ lệ mạ băng, mẫu mã, giá cả nên không thể xuất số hàng tồn kho đó sang các thị trường khác.

Chính vì vậy, kim ngạch xuất khẩu vào Nga 10 tháng đầu năm 2007 chỉ đạt gần 93 triệu USD, giảm hơn 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu thuỷ sản sang Nhật Bản, Australia cũng giảm mạnh do những tác động tiêu cực từ các quy định nghiêm ngặt về kiểm dịch chất lượng.

Đến nay, cơ cấu của thị trường nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam vì thế đã có sự thay đổi đáng kể: EU từ vị trí thứ hai năm 2006 nay giữ vị trí số 1, chiếm 24,4% thị phần xuất khẩu; Nhật Bản chiếm 19,7%; Hoa Kỳ còn 19,3%; Hàn Quốc 6,9%; Nga 3%; Trung Quốc 4,2%, các nước ASEAN 4,8% và thị trường khác 17%. Trong 10 tháng, xuất khẩu thuỷ sản đã mang về 3,076 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2006.

Bộ NN-PTNT ước tính, xuất khẩu cả năm sẽ đạt 3,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm ngoái.

Để có đủ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, mới đây nhất, Chính phủ đã khuyến khích các DN nhập từ nước ngoài. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiệp hội cũng đã kiến nghị Chính phủ miễn thuế hoàn toàn cho việc nhập khẩu nguyên liệu, thay vì mức 40-45% như hiện nay.

Theo số liệu mới nhất của VASEP, năm 2005, các DN đã nhập 217 triệu USD nguyên liệu từ 70 quốc gia, năm 2006 là 204 triệu USD và 10 tháng năm 2007 là 197,7 triệu USD, chủ yếu từ Thái Lan, Đài Loan, Indonesia... với các mặt hàng tôm, cá các loại (cá hồi, cá ngừ... ), mực, bạch tuộc, con giống.

Hà Yên (Nguồn vasep)