50% tổng số tàu làm ăn không hiệu quả, nằm chỏng trơ trên bờ. Tại địa phương, nhiều tàu sử dụng sai mục đích có số vốn hàng chục tỷ đồng…

Dự án đầu tư đánh bắt hải sản xa bờ (ĐBXB) bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Được đầu tư trong thời gian dài (từ 1997-2003), bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư các dự án này bộc lộ nhiều thiếu sót, yếu kém dẫn tới hiệu quả không cao: tỷ lệ trả nợ vốn vay của các dự án rất khiêm tốn, có những dự án đến nay không trả được đồng vốn nào cho Nhà nước.

Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy: trên 50% tổng số các tàu ĐBXB gặp khó khăn, làm ăn không hiệu quả. Các địa phương có nhiều sai phạm là: Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Nam

Làm nghề rừng… “kiêm” chủ dự án ĐBXB?

Do làm ăn không hiệu quả, nhiều con tàu đã không ra khơi...   

Sau khi kiểm tra 283 hợp tác xã (HTX) tại 9 tỉnh, TP được lựa chọn là chủ dự án thì có tới 264 HTX “sinh non” nhằm mục đích “xin và tiếp nhận” dự án đầu tư. Các xã viên chỉ góp vốn trên danh nghĩa, không có kinh nghiệm đi biển, kinh nghiệm quản lý, không có sự ràng buộc trách nhiệm, nghĩa vụ đối với số vốn vay của Nhà nước. Chỉ riêng kiểm tra phần vốn tự có tham gia vào các dự án (15% so với tổng vốn đầu tư) tại 63 HTX của 3 tỉnh thì số vốn thiếu lên tới hàng chục tỷ đồng.

 

Việc tồn tại các HTX, tổ hợp tác này chỉ là hình thức, sau một thời gian thành lập các HTX và tổ hợp tác phần lớn không còn xã viên, chỉ còn chủ nhiệm HTX, hoặc kế toán; nhiều tàu được đầu tư, hiện đều do các gia đình tư nhân khai thác và quản lý.

Theo cơ quan chức năng, khâu lựa chọn, xét duyệt chủ dự án đầu tư cũng… lạ lùng không kém! Nhiều trường hợp cá nhân không có kinh nghiệm đi biển, sức khỏe không đảm bảo, tuổi quá cao, bị dị tật bẩm sinh... thậm chí làm nghề rừng nhưng vẫn được “ưu ái” xét duyệt là chủ dự án đầu tư? Việc lựa chọn như trên đã vi phạm Quy chế quản lý sử dụng vốn tín dụng theo QĐ 393 của Thủ tướng Chính phủ và là nguyên nhân dẫn đến việc ngư dân làm ăn không hiệu quả, thua lỗ, phải giải thể hoặc phá sản.

“Vô tư” sao chép, nhân bản dự án!

Phần lớn các dự án đầu tư do Sở Thủy sản hoặc do đơn vị tư vấn lập theo một khuôn mẫu có sẵn, sao chép giống nhau, chỉ khác địa danh và tên chủ dự án? Trong khi đó, dự án đầu tư ở các vùng khác nhau thì có các điều kiện tự nhiên không giống nhau, nhưng dự án lại được lập giống nhau về các chỉ tiêu, hiệu quả, chỉ tiêu thu hồi vốn… là một việc làm thiếu cơ sở thực tế và mang nặng tính hình thức và thủ tục. Đó là chưa kể, các thủ tục cần thiết như: giấy phép hành nghề, ý kiến của Sở Thủy sản, báo cáo thẩm định của Sở Kế hoạch - Đầu tư… lại không có?

Việc thiết kế và dự toán tại nhiều dự án không chính xác về khối lượng, đơn giá vật tư, vật liệu... đã làm tăng giá trị của con tàu so với thực tế. Đây là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí đóng mới tàu ĐBXB bằng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Chỉ qua kiểm tra dự toán của một số tàu phát hiện số gỗ được “nâng khống” so với yêu cầu của thiết kế và thực tế. Cụ thể, tàu có cùng kích thước dài, rộng, cao như nhau, nhưng khối lượng gỗ sử dụng lại có sự chênh lệch quá lớn, có trường hợp chênh 18,65 m3/tàu, hoặc 15,39 m3 gỗ tròn/tàu?

Tại nhiều địa phương, phần lớn thiết kế và lập dự toán có cùng một mẫu, nhưng phí thiết kế đều tính là 1%/tàu; không ít trường hợp đơn vị thiết kế sao chép lại các thiết kế, dự toán của đơn vị thiết kế khác nhưng vẫn thu từ 4 đến 6 triệu đồng/thiết kế tàu, mức thu này là quá cao, dẫn đến làm tăng giá trị đầu tư, lãng phí, thiệt hại hàng trăm triệu đồng của Nhà nước.

Chưa ra khơi đã bị “rút ruột” gần 20%

Theo kết quả kiểm tra ban đầu:có tới 50% dự án đánh bắt xa bờ kém hiệu quả.

“Mánh” rút ruột tiền Nhà nước của nhiều chủ dự án là thông đồng với các cơ sở đóng tàu, cơ sở bán ngư lưới cụ... lập hai hợp đồng có giá trị khác nhau nộp cho đơn vị cho vay vốn có giá trị cao hơn, nhưng thực thanh toán theo hợp đồng có giá trị thấp hơn để rút tiền. Nhiều trường hợp “móc tay” thay đổi kích thước tàu, rút bớt cả chiều dài lẫn chiều cao của tàu… Hậu quả, nhiều chủ dự án rút tiền đóng tàu chiếm 14,82% số tiền vay được, có nơi chiếm 18,87% so với số tiền vay.

Việc mua lưới cụ cho tàu... cũng là dịp “rút ruột” dự án. Nhiều cơ sở bán ngư lưới cụ, trang thiết bị được giao nhiệm vụ cung cấp vật tư cho các dự án, nhưng không có khả năng cung cấp mà thông đồng lập khống các hợp đồng kinh tế, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng, hóa đơn xuất kho; thực tế là trung gian nhận vốn từ đơn vị cho vay, hưởng lệ phí 3-5% và tạo điều kiện cho chủ dự án rút tiền, chi trái nguyên tắc.

Đó là chưa kể các chủ dự án còn phải nộp từ 5-10% thuế giá trị gia tăng về việc mua hóa đơn, chứng từ khống. Vì lẽ đó nên đã có tình trạng tàu đóng bằng vốn vay đánh bắt HSXB có chi phí cao hơn so với tàu đóng mới bằng vốn tự có của ngư dân với số tiền lên tới hàng chục triệu đồng/chiếc? Nhiều chủ dự án rút tiền mặt về không nhập quỹ, bỏ ngoài sổ sách, chi tiêu trái nguyên tắc hàng trăm triệu đồng?

Các đơn vị cho vay đã không kiểm tra, rà soát các điều kiện và thủ tục, hồ sơ trước khi giải ngân, dẫn đến nhiều trường hợp cho vay vượt quá dự toán, thiết kế; thanh toán trùng lắp, không đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định đưa tổng số tiền sai phạm lên tới hàng chục tỷ đồng.

Thái Thiện – Kỳ Anh

(Theo Vietnam Net)